“Làm lại” với thu hút FDI?
“Nếu không chuyển động thì những gì chúng ta đã làm, nay có thể bị phá bỏ, như bây giờ chúng ta đang phải làm lại”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài thuộc Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) Phan Hữu Thắng nói vậy tại buổi họp báo giới thiệu một hội thảo về FDI diễn ra trong tuần này.
Giá trị gia tăng tạo ra trong các sản phẩm công nghiệp từ khối doanh nghiệp FDI còn thấp, nhưng sử dụng tài nguyên lãng phí. |
“Nếu không chuyển động thì những gì chúng ta đã làm, nay có thể bị phá bỏ, như bây giờ chúng ta đang phải làm lại”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài thuộc Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) Phan Hữu Thắng nói vậy tại buổi họp báo giới thiệu một hội thảo về FDI diễn ra trong tuần này.
Những chuyển động trái chiều, được vị nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nêu trước báo giới, cho thấy lo ngại của ông có căn cứ.
Việt Nam chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn cho năm nay, thu hút 15 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tức là đã giảm sút nặng nề so với kết quả đạt được 5 năm gần đây. Trong khi đó, Myanmar lại đang nổi lên như một điểm đến với đầu tư nước ngoài, dù cơ sở hạ tầng kém hơn, nhưng được hậu thuẫn bởi quyết tâm đổi mới.
“Năm 2011, thu hút vốn FDI đăng ký của quốc gia này gấp hai lần Việt Nam”, ông Thắng nêu một so sánh với đầy hàm ý.
“Vỡ trận” FDI
Khuyến cáo sự cần thiết phải “chuyển động”, như lời ông Thắng, xuất phát từ một thực tế - chất lượng hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có rất nhiều vấn đề.
Ở góc độ tác động xấu đến nền kinh tế, Tổng biên tập báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn gói lại: chủ các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam thời gian qua ít chịu đưa theo công nghệ cao, thậm chí còn là công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Cho nên, giá trị gia tăng tạo ra trong các sản phẩm công nghiệp từ khối này còn thấp, nhưng sử dụng tài nguyên lãng phí. Các doanh nghiệp FDI cũng trả lương lao động không cao, thậm chí là khá thấp trong các ngành công nghiệp.
Còn xét về hiệu quả kinh tế mang lại, sau 25 năm mở cửa cho đầu tư nước ngoài, đến tận thời điểm này, số liệu từ cơ quan thuế cho thấy, thường xuyên có khoảng 50-60% doanh nghiệp FDI khai lỗ, thậm chí nhiều đơn vị lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu. Điều này cũng có nghĩa, ngân sách nhà nước không thu được từ thuế thu nhập doanh nghiệp của nhóm này.
Ước vọng nâng tầm khả năng cạnh tranh trong công nghiệp chế biến của Việt Nam, xem ra cũng đã “vỡ trận”. Một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiệu ứng lan tỏa từ khối FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước rất hạn chế.
Các doanh nghiệp FDI nhập khẩu tới 57,5% hàng hóa, dịch vụ trung gian. Chỉ khoảng 40% hàng hóa, dịch vụ trung gian được mua trong nước và 2% trong số này là từ doanh nghiệp tư nhân trong nước. Những con số cho thấy một quan ngại, doanh nghiệp trong nước đang rất ít cơ hội tận dụng lợi thế về công nghệ và cải thiện năng suất.
Cho nên, vấn đề mà ông Thắng đã nêu được người kế nhiệm của ông, Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, nói lại với hàm ý rằng, câu chuyện FDI hiện nay có liên quan đến môi trường đầu tư trong nước chưa thực chất tạo lực hút đối với dòng đầu tư có chất lượng hơn. Đây chính là điểm phải làm lại, nếu muốn một sự thay đổi trong tương lai.
“Bùng nhùng” phối hợp
“Các nhà báo hãy hỏi các bộ, địa phương trong hội thảo vào ngày 15 sắp tới, xem nhiệm vụ Thủ tướng giao đã được làm đến đâu”, Cục trưởng Hoàng nói đại ý như vậy thay cho việc trả lời hàng chục vấn đề được nêu tại buổi họp báo, liên quan đến chuyện vì sao địa phương thích dự án tỷ đô, quy hoạch bị phá vỡ dễ dàng, hay phối hợp giữa các địa phương không ăn khớp.
Chỉ thị 1617/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới đã giao nhiệm vụ cụ thể cho hơn chục bộ, ngành và các địa phương cùng xây dựng Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI giai đoạn 2011 – 2020.
Nhưng theo ông Hoàng, những nhiệm vụ ấy dường như chưa được thực thi quyết liệt. “Chúng tôi thấy bức xúc, không thể cứ bùng nhùng như thế này mãi được”, Cục trưởng Hoàng nói. “Nhiệm vụ có rồi, chưa thực hiện thì nói rồi lại phải nói mãi”.
Trên thực tế, đầu tư nước ngoài đã có tổng kết, đánh giá qua các chặng đường 10 năm, 20 năm và tới đây là 25 năm. Nhưng theo người đứng đầu cơ quan quản lý FDI thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có những vấn đề trong hội thảo tới tin chắc đã được nói đến trong nhiều lần tổng kết trước đó.
“Đơn giản như một bữa ăn có khai vị, món chính, tráng miệng”, vị này ví von. “Nhưng tôi mang tráng miệng lên trước, ông đem khai vị lên sau, tất cả cái đó làm cho bùng nhùng mãi”. Cho nên, quan tâm của vị Cục trưởng là chuyện đồng bộ xử lý các vấn đề hiện nay trong hoạt động đầu tư nước ngoài ở cấp bộ, ngành và địa phương.
Câu chuyện “bùng nhùng”, như ông Hoàng nói, liên quan đến một chủ trương khác là phân cấp đầu tư, đã “chia việc” cho các bộ, ngành và địa phương, cũng là vấn đề lâu nay khó xác định được rõ ràng mức độ hiệu lực và hiệu quả so với trước phân cấp.
Cho nên trong chương trình hội thảo, với tham luận của đại diện nhiều bộ, sự tham gia của các địa phương thu hút đầu tư lớn, các chuyên gia... những thông tin về hiệu quả chuyển giao công nghệ, hay thậm chí là giải thích rõ ràng vì sao địa phương “thích” dự án tỷ đô... hy vọng sẽ được giải đáp.
(Theo Vneconomy)