• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Cà phê cuối tuần: Hạ lãi suất tác động đến đâu?

    Đối với hơn 500 doanh nghiệp đăng ký phá sản trong hai tháng qua tại Hà Nội và Tp.HCM, công bố hạ mặt bằng lãi suất thêm 1% phát đi từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cách đây ít ngày có lẽ không còn nhiều ý nghĩa.

    picture
    Ông Cao Sỹ Kiêm: " Biện pháp về lãi suất chỉ là một thôi. Muốn giải quyết được một cách cơ bản thì phải thực hiện nhiều chuyện khác nữa" - Ảnh: Anh Quân.

    Đối với hơn 500 doanh nghiệp đăng ký phá sản trong hai tháng qua tại Hà Nội và Tp.HCM, công bố hạ mặt bằng lãi suất thêm 1% phát đi từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cách đây ít ngày có lẽ không còn nhiều ý nghĩa.

    Ở góc độ tác động đến nền kinh tế, câu hỏi về định lượng sức hỗ trợ từ chủ trương này như thế nào chưa dễ xác định, trong khi vẫn còn bỏ ngỏ tác động lên lạm phát và sâu xa hơn là sự ổn định mà Việt Nam đang hướng tới.

    “Cà phê cuối tuần” kỳ này, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có cuộc trò chuyện với VnEconomy xung quanh vấn đề trên.

    Ông nói:

    - Trước hết, đây là một chủ trương đúng và cũng là hợp lý. Đúng là vì lãi suất đang cao quá, doanh nghiệp không chịu đựng nổi. Hợp lý là vì mức độ giảm lạm phát như thế, thanh khoản cải thiện như thế thì mình giảm 1% thôi.

    Tất nhiên, 1% không có ý nghĩa gì nhiều, mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức 18-19%, giảm như vậy thì vẫn cao, doanh nghiệp không phải tiếp cận được ngay. Nhưng nó có những cái lợi là tạo nên lòng tin là lạm phát kiềm chế được, lãi suất đã giảm và sẽ giảm. Cái nữa là chỉ đạo của Chính phủ đã có kết quả, tạo ra động lực mới.

    Về kinh tế thì lãi suất giảm 1% cũng giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, giảm giá thành. Mà đã giảm được giá thành thì sẽ giảm áp lực lạm phát. Khi lãi suất thấp xuống, doanh nghiệp vay được nhiều sẽ tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện để họ khôi phục lại sản xuất, vượt qua khó khăn. Điều đó sẽ tạo ra tăng trưởng, giảm được áp lực lạm phát…

    Nhưng quan trọng hơn là tạo ra được lòng tin từ phía người dân, doanh nghiệp đối với Chính phủ, tin vào chính sách, vào điều hành có kết quả, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng và ổn định.

    Sau động thái hạ lãi suất đơn lẻ của một số ngân hàng thương mại mới đây, nhưng luôn kèm theo điều kiện cụ thể, với lần này diện “phủ sóng” đã phổ cập hơn. Ông có nghĩ rằng tiếp cận vốn sẽ thuận lợi với chủ trương mới này?

    Theo tuyên bố tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 6/3, chủ trương mới là giảm lãi suất cơ bản, tức là lãi suất khống chế của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất tiền gửi. Lãi suất cơ bản có tình khống chế rất cao, khi giảm sẽ ảnh hưởng giảm nhiều cái khác.

    Cái thứ hai là giảm lãi suất tiền gửi xuống sẽ tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, sẽ tạo điều kiện giảm cho tất cả các doanh nghiệp.

    Tác động chưa nhiều về mặt kinh tế

    Một câu hỏi còn bỏ ngỏ trong phiên họp báo Chính phủ vừa qua là với việc giảm 1% lãi suất như vậy, chi phí vốn của doanh nghiệp sẽ giảm được bao nhiêu, xin hỏi ông?

    Cái đó tính thì không chuẩn xác lắm, nhưng rõ ràng tác động chưa nhiều về mặt kinh tế. Ví dụ, hiện nay cho vay là 19%, hạ 1% thì vẫn còn 18%/năm, thì số ấy chưa giải quyết được vấn đề, xoay chuyển được tình thế, tạo nên yếu tố vật chất.

    Nhưng nó tạo nên yếu tố tính thần, tạo nên yếu tố lòng tin mới là quan trọng. Và nó xác định một xu hướng để hút người ta hành động, theo một khí thế phấn khởi hơn, có đích hơn, chứ vừa qua hoang mang, nhiều người muốn giữ tiền, không muốn phát triển, không muốn gửi tiền vì nó tù mù lắm.

    Tức là theo ông, mức giảm như vừa công bố chưa đạt tới kỳ vọng của doanh nghiệp?

    Kỳ vọng thì chưa đạt vì đây mới là bước đầu. Để đạt được theo kỳ vọng của doanh nghiệp thì còn phải phấn đấu quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, kiên trì đến cùng, phối hợp nhiều chính sách như tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, giải quyết các vấn đề bội chi ngân sách, nhập siêu… là những vấn đề ngắn hạn nữa.

    Còn về dài hạn thì phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… Tất cả các cái đó tạo nên động lực, lực lượng, điều kiện vật chất để đưa nền kinh tế lên, giảm được lạm phát xuống, trên cơ sở đó mới giảm được lãi suất và tỷ giá.

    Với mức lãi suất còn cao như ông nói, có lẽ chỉ một số ngành tỷ suất lợi nhuận lớn mới có thể hoạt động được?

    Đúng như vậy, chỉ những ngành lợi nhuận lớn, còn thị trường, chưa vay ngân hàng nhiều sẽ có thuận lợi hơn. Chứ còn doanh nghiệp vay ngân hàng nhiều, không có thị trường, phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài… thì không giải quyết được gì nhiều và vẫn còn lắm khó khăn.

    Có nghĩa là cần phải tính thêm các giải pháp hỗ trợ khác?

    Biện pháp về lãi suất chỉ là một thôi. Muốn giải quyết được một cách cơ bản thì phải thực hiện nhiều chuyện khác nữa, như bội chi ngân sách và chi tiêu công phải giảm được nữa; chính sách thương mại phải kiềm chế nhập siêu và đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu; chính sách đầu tư phải bóp giàn trải lại, để hệ số ICOR tốt lên, rủi ro ít đi.

    Điều hành của Chính phủ phải nhất quán hơn, công khai minh bạch hơn, kiểm tra xử lý tốt hơn, kỷ cương kỷ luật tốt hơn, tạo lòng tin, động lực tốt hơn… Tất cả các biện pháp đó phải đồng thời, đồng bộ mới tác động mạnh vào nền kinh tế.

    Lãi suất chỉ là một tác động nhỏ, nhưng nó có tính quyết định nhất vì lãi suất cao không ai vay, không làm gì… Nó có ý nghĩa đó thôi chứ chưa ăn thua gì.

    Ngân hàng Nhà nước công bố mỗi quý có thể giảm lãi suất thêm 1%. Nhiều doanh nghiệp có ý kiến, như vậy vẫn khó tránh số doanh nghiệp giải thể, phá sản từ này đến cuối năm nay sẽ tiếp tục tăng thêm. Ông nghĩ sao?

    Mình phải giảm theo nhịp độ giảm lạm phát. Bây giờ lạm phát vẫn còn tăng trên 16% so với cùng kỳ, nếu so trong 3 tháng thì cũng phải khoảng 1% mỗi tháng. Với điều kiện như vậy, giảm nhanh quá lại kích thích đẩy vốn ra, cho vay dễ dãi, dẫn tới sử dụng có thể không hiệu quả, tác động ngược lại lên lạm phát. Cho nên, phải giảm như thế.

    Nếu tính mỗi quý giảm được 1% lãi suất, 3 quý nữa sẽ giảm được 3%. Những quý sau tốc độ giảm giá nhanh thì mình có thể giảm tiếp nữa. Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay 14%, giảm 3% nữa thì khoảng 11%. Ứng với chỉ số trượt giá cuối năm khoảng 9% thì lãi suất huy động vẫn thực dương. Mà huy động 11% thì lãi suất cho vay khoảng 14% là đạt yêu cầu rồi.

    Lộ trình như vậy là đảm bảo mục tiêu năm nay. Với doanh nghiệp, kịch bản này là hợp lý, nội dung chính sách cũng hợp lý, và thực tiễn lẫn lý thuyết cũng đều hợp lý.

    Không kích thích lạm phát

    Thưa ông, cũng có ý kiến rằng kết quả kiềm chế lạm phát mới là bước đầu, lạm phát vẫn còn cao, nhưng động thái vừa rồi có vẻ như đã nới lỏng tiền tệ rồi?

    Đó không phải nới chính sách tiền tệ mà nới nghiệp vụ ra thôi. Cái chốt là lượng tiền cung ứng không hề nới ra. Tôi kéo dài tiền trong lưu thông ra để chu kỳ sản xuất sát với yêu cầu tín dụng, chứ không phải bơm lượng tiền lớn vào trong lưu thông.

    Nếu bơm tiền lớn hoặc mở van tín dụng ra mà nó phình lên, hoặc người ta vay dễ dãi hơn, sử dụng kém hiệu quả hơn thì khả năng lạm phát sẽ tăng lên.

    Các chính sách này không kích thích lạm phát.

    Nhưng cũng còn một động thái khác là Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã mua lượng lớn ngoại tệ về để tăng dự trữ nhà nước, rõ ràng đã cung một lượng tiền lớn ra lưu thông, thưa ông?

    Việc mua ngoại tệ thực tế là thay phương tiện thanh toán này bằng phương tiện thanh toán khác, khối lượng thanh toán toàn thị trường nguyên là như thế. Chỉ có cái nó lệch pha nhau, mình phải điều chỉnh.

    Cái nữa là khi mình đưa tiền Việt Nam ra mà không có hàng ngay hoặc sản xuất chưa tăng được thì mình phải tìm cách rút về ngay. Cái đó là hoàn toàn thuộc nghiệp vụ của ngân hàng, hoàn toàn có thể làm được.

    Một điều chỉnh quan trọng khác, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra thị trường nguồn vốn dài hạn hơn để tổ chức tín dụng có thể sử dụng vốn này cho vay trung và dài hạn. Ông nhìn nhận thế nào về giải pháp này?

    Giải pháp đó hoàn toàn đúng và như thế mới giải quyết được các vấn đề cơ bản, chứ hiện nay đang rất méo mó. Cho vay 3 tháng đã thu nợ thì doanh nghiệp làm gì có vốn trung và dài hạn.

    Nhưng bây giờ nguồn vốn ngắn như thế, không cho vay ngắn cũng không được vì sợ người ta rút không có trả cũng chết. Cho nên, biện pháp lâu dài là chúng ta phải đưa hoạt động ngân hàng trở về thông lệ quốc tế và theo cung cầu thị trường, từng bước sẽ kéo giãn kỳ hạn ra theo nhiều bước.

    Thứ nhất, phải cơ cấu lại, hình thành dần nguồn vốn đầu vào với thời hạn huy động phải dài ra. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước dùng các nghiệp vụ của mình để kéo dài thời hạn ra. Ví dụ, trước đây tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại với thời hạn 1 tuần, 2 tuần thì bây giờ tái cấp vốn cho họ 3-4 tuần để họ có điều kiện nới cho khách hàng vay.

    Kể cả thị trường một, thị trường hai, kể cả ngân hàng nhà nước dùng nhiều biện pháp để kéo thời hạn ra, để có vốn cho vay dài hơn, đó là biện pháp tích cực, và tôi cho là đúng hướng. Và phải làm càng nhanh càng tốt, làm càng có kết quả thì nền kinh tế chuyển biến càng nhanh và hoạt động ngân hàng không bị méo mó như hiện nay.

    Xử lý nợ xấu: Trong ngưỡng thì an toàn

    Để ổn định thị trường ngân hàng trong dài hạn phải cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trong đó giải pháp đầu tiên là xử lý được nợ xấu. Liên quan đến một đề án về vấn đề này mới được Thủ tướng phê duyệt, xin hỏi ông chủ trương cho phép Ngân hàng Nhà nước mua lại vốn điều lệ, cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém thì sử dụng nguồn tiền nào?

    Tất nhiên là sử dụng nguồn tiền ngân sách nhà nước, nhưng tôi mua thì tôi cũng chưa trả ngay. Ví dụ, của anh đáng 10 đồng thì tôi mua 2 đồng, cũng chưa trả anh ngay. Còn 8 đồng anh tự chịu trách nhiệm.

    Khi mua thì tôi sẽ cơ cấu lại, cho cán bộ, cho công nghệ, cơ cấu lại, củng cố lại, khi tốt lên thì tôi bán đi lấy tiền trả cho anh, hoặc anh mua lại thì tôi khấu trừ. Tức là Ngân hàng Nhà nước đứng ra, khi anh khó khăn thì ôm lấy xử lý bằng nhiều cách, đừng để nó tự châm ngòi phá vỡ nền kinh tế.

    Mua lại có ý nghĩa như thế thôi, chứ còn không phải mua lại để đấy sẽ không giải quyết vấn đề gì, hoặc tống tiền nhà nước ra. Tôi mua là để anh khỏi đổ vỡ, cái gì do khách quan thì giải quyết khách quan, cái gì do chủ quan thì quy trách nhiệm, hình sự chứ không phải đùa. Khi tôi củng cố lại, thương hiệu có, đứng vững được thì tôi bán.

    Một giải pháp khác là cho các tổ chức tín dụng nước ngoài có thể mua lại hoặc sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém. Điều này có nghĩa là sẽ mở rộng thêm thị trường vốn?

    Đúng quá. Ví dụ thế này, tôi sẽ đánh giá lại về tài sản, về giá trị cổ phiếu, cổ phần, bán cho anh có trình độ quản lý, có nhân lực, có công nghệ đưa vào phát triển, củng cố. Tức là cho phép thâu tóm luôn một cách đàng hoàng.

    Cái đích của nó là phải tự do lãi suất và mở rộng thị trường vốn. Mình đang khó khăn, cứ co lại thì mình làm hại mình, nhưng cũng phải dần dần, vì còn lo thao túng. Sự thật thì không thể không cho (vốn nước ngoài - PV) vào được.

    Còn việc có thể cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để xóa nợ cho các khoản vay theo chủ trương, chính sách của Nhà nước. Nên hiểu thế nào về giải pháp này?

    Đúng rồi, những gì do chính sách gây nên, rủi ro do bất khả kháng thì phải xóa nợ cho họ. Nước nào cũng thế.

    Cũng đề án vừa được thông qua đề cập đến việc Nhà nước sẽ mua bất động sản thế chấp ngân hàng. Như vậy giá trị xác định như thế nào?

    Tôi mua bất động sản thế chấp là gánh nợ cho anh. Nhưng tất nhiên bao giờ mua cũng đánh giá trị tụt xuống để có độ an toàn mà kiếm lời. Anh đã bán tài sản thế chấp thì phải chịu thiệt một ít thì mới thoát được.

    Như vậy, có nhiều giải pháp sẽ phải sử dụng đến tiền ngân sách, thưa ông?

    Giải pháp như vậy nhưng sự thực không mất đi đâu cả. Khi tôi củng cố lại, bán đi ăn lãi thì có khi lại bù cho anh. Ví dụ mua bán nợ 2 nghìn, củng cố lại bán được 5 nghìn, lời ra 3 nghìn thì đó là tiền để bù đắp lại.

    Cái đó là hoàn toàn có thể làm được. Tất nhiên còn phải thêm nhiều biện pháp kỹ thuật nữa.

    Biện pháp như vậy đã được nhiều nước sử dụng, như trường hợp Ireland dùng ngân sách mua nợ xấu bất động sản của ngân hàng. Liệu Việt Nam có phải lo cho nợ công như các nước đã đi trước về giải pháp này?

    Những giải pháp chúng ta áp dụng thì người ta cũng làm rồi. Đây là cách làm của thông lệ quốc tế, đã được đúc kết.

    Còn nợ công Việt Nam không có vấn đề gì. Nó chỉ đáng lo khi anh chi tiêu quá, bộ máy phình ra quá, lãng phí quá…Chứ còn khi vào nợ này nó sẽ phải tính toán an toàn hết. Trong ngân sách nhà nước có một phần để bù đắp rủi ro, mình nằm trong mức độ đó thì vẫn an toàn.

    Tái cơ cấu ngân hàng và “bộ ba bất khả thi”

    Trong tất cả các chính sách vừa nêu, tựu chung lại thấy rõ là chính sách tiền tệ nhắm đến mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, ngăn chặn lạm phát. Nhưng với khả năng sẽ mở rộng thị trường vốn, dường như chúng ta đang rơi vào “bẫy” được gọi là “bộ ba bất khả thi”, tức là không thể đạt được cả ba mục tiêu trên, theo lý thuyết. Quan điểm của ông?

    Mở rộng thị trường vốn mà lại chặn được nợ xấu thì càng tốt. Mở càng rộng càng tốt vì khi đó tôi có sản phẩm nhiều, có sự phát triển kinh tế nhiều, có lao động, thu nhập nhiều lên, tạo ra những yếu tố tích cực.

    Chỉ trừ phi anh đưa ra nhiều nhưng anh sử dụng không hiệu quả, làm mất đi, không cân đối được tiền đưa ra với hàng tạo nên thì sẽ trở lại lạm phát, thậm chí là đình trệ hay khủng hoảng.

    Tức là ông tin trưởng câu chuyện tái cơ cấu hệ thống tín dụng lần này sẽ khác với những lần trước, và tránh được rủi ro hệ thống tái hiện?

    Tái cơ cấu lần trước đã làm không đến cùng, làm nửa vời, giải pháp tình thế nhiều hơn, yếu tố cơ bản, yếu tố lâu dài không giải quyết được. Ví dụ như lỗi hệ thống trong khâu tổ chức, những tiêu chí đảm bảo an toàn, những vấn đề hỗ trợ có tính bền vững như các thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán nó “bập bũng” như thế này thì ngân hàng gánh hết, sau nó lại vòng lại.

    Hay chất lượng nguồn lực như thế này, hệ thống hạ tầng như thế này, mô hình tăng trưởng nặng về chiều rộng mà ít về chiều sâu như thế, hệ thống hành chính mất thời cơ cho doanh nghiệp như thế này mà không được giải quyết thì 3 năm sau nó lại vòng lại có khi nguy cơ cao hơn, hậu quả nặng nề hơn.

    Thì lần này, gắn với các giải pháp tình thế, làm triệt để cả giải pháp dài hạn. Ví dụ anh giải quyết được lạm phát rồi, được bội chi ngân sách, nhập siêu, ICOR rồi thì phải làm luôn cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, rồi các thắt nút như thể chế, hạ tầng, nguồn lực.

    Hay là các chỗ gây tai họa nhiều như doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn; như là các vấn đề hệ thống ngân hàng kinh doanh bừa bãi, nợ xấu tăng lên; hay phân bổ vốn lệch, tập trung cho ngân sách nhiều, cho vay không thu hồi…

    Giải quyết được các vấn đề này thì khả năng nó vòng lại không xảy ra hoặc ít xảy ra.

    Vậy ông có kỳ vọng về khả năng ổn định được nền kinh tế trong năm nay, với những động thái tích cực vừa được ông phân tích?

    Trong năm nay thì vẫn chưa ổn định. Dứt khoát cải thiện hơn một bước nhưng chưa ổn định được vì ngoài các vấn đề tình thế vấn phải làm như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, còn phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp lại các hệ thống thì có những hy sinh, có trả giá chứ không thể đã ăn ngay được.

    Những sắp xếp này phải có chi phí, phải có cắt bỏ, có hy sinh… làm cho khó khăn phình ra chứ không phải gọn đi. Năm nay chúng ta tạo điều kiện, giữ như mục tiêu đặt ra, còn khả năng phát triển, khả năng khôi phục phải những năm sau.

    (Theo Vneconomy)