Nước vối giải khát và chữa bệnh
Cây vối, một loại cây quen thuộc của làng quê ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ lâu đời nhân dân ta đã biết sử dụng lá vối hay nụ vối với cách chế biến đơn giản tạo thành loại trà nấu hay hãm lấy nước uống thường ngày
Cây vối, một loại cây quen thuộc của làng quê ở các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ lâu đời nhân dân ta đã biết sử dụng lá vối hay nụ vối với cách chế biến đơn giản tạo thành loại trà nấu hay hãm lấy nước uống thường ngày
Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt |
Vối được sử dụng có hai loại, một loại lá nhỏ hơn bàn tay, màu vàng xanh gọi là vối kê hay vối nếp; còn loại lá to hơn bàn tay, hình thoi, màu xanh thẫm gọi là vối tẻ. Hoa thành chùm tới hàng trăm nụ đan cài vào nhau và nở vào xuân, quả vối chín có màu đỏ thẫm giống quả bồ quân, ăn hơi chát và vị hơi đắng.
Các kết quả nghiên cứu về vối cho thấy trong lá và nụ vối chứa tanin, khoáng chất và vitamin… khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu.
Đặc biệt chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis, chính vậy mà lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.
Gần đây người ta còn phát hiện trong nụ vối chứa một hàm lượng polyphenol cao (tương đương 128mg catechin/gam trọng lượng khô) và hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase nên có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng tiểu đường. Các kết quả được tiến hành trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy nụ vối có khả năng triệt tiêu các gốc tự do, chống ô xy hóa mạnh. Khả năng chống ô xy hóa (antioxydants) của nụ vối đã làm giảm sự hình thành đục thủy tinh thể, bảo vệ sự tổn thương tế bào bê-ta tuyến tụy, phục hồi các men chống ô xy hóa trong cơ thể.
Theo các kết quả nghiên cứu trên động vật, các nhà khoa học của Viện dinh dưỡng quốc gia và Đại học phụ nữ Nhật Bản đã rút ra kết luận: Nụ vối có khả năng hạn chế tăng đường huyết sau ăn và hỗ trợ ổn định đường huyết, hỗ trợ giảm lipid máu, phòng ngừa biến chứng của đái tháo đường khi điều trị lâu dài mà được sử dụng nước nụ vối uống thường xuyên.
Theo Đông y lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng có trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa; mặt khác chất tanin lại bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nhưng không làm tổn hại đến những loại vi khuẩn có ích cư trú tại ống tiêu hóa.
Kinh nghiệm dân gian cho biết lá vối tươi có công hiệu trị bệnh cao hơn hẳn lá vối đã ủ. Do vậy lá vối nấu nước uống có khả năng trợ giúp chữa trị các bệnh chứng hoặc các tổn thương như bỏng, viêm gan, vàng da, viêm da lở ngứa. Đông y còn dùng vỏ cây vối làm thuốc gọi là hậu phác; được sử dụng để trị đau bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa…
Dưới đây là vài phương thuốc trị liệu có dùng vối.
Trị đau bụng đi ngoài: Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Cùng thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 – 3 ngày.
Chữa đầy bụng, không tiêu: Vỏ thân cây vối 6 – 12g, sắc kỹ lấy nước đặc uống 2 lần trong ngày.
Hoặc nụ vối 10 – 15g, sắc lấy nước đặc uống 3 lần trong ngày.
Chữa lở ngứa, chốc đầu: Lấy lá vối lượng vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu chữa chốc lở.
Hỗ trợ trị tiểu đường: Nụ vối 15 – 20g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày hay hãm uống thay trà. Cần uống thường xuyên.
( theo dinhduong)