Số tiền 1,12 tỷ USD mà Volkswagen bỏ ra để mua Ducati nghe qua có vẻ là lớn. Nhưng trong thế giới của những doanh nghiệp khổng lồ, đây có thể cũng chỉ là một khoản “tiền lẻ”. |
Sau vài tuần thị trường tha hồ đồn đoán, hãng Volkswagen đã chính thức tuyên bố thâu tóm hãng sản xuất xe motor cao cấp Ducati với giá 1,12 tỷ USD thông qua thương hiệu Audi.
Tại sao một tập đoàn ôtô lớn như Volkswagen lại muốn có một hãng sản xuất xe máy? Liệu Volkswagen sẽ làm gì với Ducati? Và thương vụ này có ý nghĩa gì đối với Ducati? Trang tin ôtô - xe motor Jalopnik đã đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi này.
Nói đến Ducati, mọi người thường nghĩ ngay tới những chiếc xe phân khối lớn hiện đại nhất, có tốc độ cao nhất và được thèm muốn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, “phiên bản” này của Ducati mới xuất hiện chưa lâu. Trước năm 1985, hãng này bị đổi chủ tới 7 lần và chưa hề sản xuất được những sản phẩm thực sự là đỉnh cao. Những sáng kiến kỹ thuật của Ducati khi đó không thể cất cánh vì tình trạng thiếu vốn thường xuyên, chưa kể những hạn chế do quy mô nhỏ và tính chất làm ăn theo cảm hứng của hãng xe motor Italy này.
Vào năm 1985, Ducati được tập đoàn Cagiva mua lại và nhanh chóng bắt tay vào việc sản xuất những chiếc xe phân khối lớn vào hàng “khủng” của thế giới, bao gồm các mẫu 851, 888 và 916. Với mẫu 916, chỗ đứng của Ducati trong thế giới xe motor đã được đảm bảo vĩnh viễn. Cùng với thành công của xe Ducati trong các cuộc đua, vị thế của hãng đã mở ra cánh cửa cho thương vụ thâu tóm của hãng Texas Pacific Group. Tiếp đó, Ducati lại bị bán cho InvestIndustrial SpA vào năm 2005 và Performance Motorcyles vào năm 2008. Một sự thật có thể khiến nhiều người khó tin là, công ty quản lý quỹ Hospitals of Pension Plan có trụ sở tại Canada hiện đang là một trong những cổ đông lớn nhất của Ducati.
“Ducati đồng nghĩa với những chiếc xe motor tốt, nhưng không phải là một công ty kinh doanh tốt. Trong hầu hết quãng thời gian, Ducati không hề làm ăn có lãi. Các nhà cung cấp của hãng này thường xuyên bị thanh toán chậm. Ducati nợ chồng chất, nhưng doanh số hàng năm chẳng chịu vượt qua 50.000 xe”, ông Michael Uhlarik, một chuyên gia trong lĩnh vực xe motor cho biết.
Số tiền 1,12 tỷ USD mà Volkswagen bỏ ra để mua Ducati nghe qua có vẻ là lớn. Nhưng trong thế giới của những doanh nghiệp khổng lồ, đây có thể cũng chỉ là một khoản “tiền lẻ”.
Ông Jon Alain Guzik, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực motor, so sánh thương vụ thâu tóm Ducati của Volkswagen với vụ mạng xã hội Facebook mới đây mua công ty ứng dụng Instagram. “Facebook vừa mua Instagram với giá 1 tỷ USD. Với vụ thâu tóm này, Facebook có thêm 35 triệu người sử dụng, còn với vụ mua Ducati, Volkswagen có thể sản xuất 40.000 chiếc motor mỗi năm”, ông Guzik nói. Theo chuyên gia này, mức giá mà Volkswagen trả để có Ducati có lẽ là rẻ, vì tài sản và thương hiệu của Instagram kém xa nếu so với Ducati.
Đối với một công ty lớn như Volkswagen, thì số tiền 1 tỷ USD đúng là không lớn. Năm ngoái, tập đoàn gồm 11 thương hiệu này (Ducati là thương hiệu thứ 12), đạt doanh số 8,4 triệu xe, doanh thu 209,1 tỷ USD. “Mỗi năm, Volkswagen có thêm 8 tỷ USD tiền mặt nhàn rỗi. Họ phải tìm cách để đầu tư hoặc phải dùng số tiền dư thừa này để trả cổ tức cho cổ đông”, nhà phân tích Michael Tyndall thuộc Barclays Capital nói với hãng tin Reuters.
Nhiều ý kiến cho rằng, Volkswagen muốn Audi có Ducati để thương hiệu này có thể cạnh tranh tốt hơn với hãng BMW. Cách nhìn nhận này có thể sai lầm hoàn toàn. Mảng motor của BMW chẳng có nhiều ý nghĩa với hãng này, cũng như 40.000 chiếc xe motor mà Ducati sản xuất mỗi năm đối với Volkswagen. Vào năm 2011, BMW Group đạt tổng doanh thu 90 tỷ USD, trong đó chỉ có 1,8 tỷ USD là đóng góp của bộ phận motor mang tên Motorrad. Hãng tin Reuters gọi mức đóng góp này là “hạt cát giữa sa mạc”.
Cũng có người cho rằng, Volkswagen muốn có được công nghệ của Ducati, nhất là công nghệ động cơ cỡ nhỏ. Nhưng những lời đồn đoán như vậy cũng chỉ giống như “đếm cua trong lỗ”. Ducati sản xuất ra những động cơ dung tích 1.199cc với công suất 195 mã lực. Volkswagen sản xuất động cơ 1,6 lít với công suất 100 mã lực. Công nghệ của hai bên xem ra chẳng có gì tương thích. Thêm vào đó, một hãng như Ducati - với sản lượng 40.000 xe motor mỗi năm so với sản lượng 8 triệu xe ôtô mỗi năm của Volkswagen - hẳn không có thứ công nghệ mà “đại gia” Volkswagen cần.
Chưa kể, Ducati cũng chẳng có nhiều nhân tài hay bí quyết công nghệ đặc biệt nào. Động cơ motor là một cuộc chơi rất khác so với lĩnh vực động cơ xe hơi. Động cơ motor có công suất đầu ra cao hơn, nhưng cũng có giá bán cao hơn (tỷ trọng của phần động công trong tổng mức chi phí của một chiếc motor cao hơn so với ôtô), có mức khí thải cao hơn, vòng đời ngắn hơn, và đòi hỏi phải được chăm sóc kỹ lưỡng hơn.
Một khi bắt đầu tung ra những chiếc Ducati Golf với công suất động cơ 175 mã lực, giá 75.000 USD, cứ đi 3,4 km lại ngốn 1 lít xăng, đòi tiêu 5.000 USD phí bảo dưỡng sau mỗi quãng đường 6.440 km, và bị “về hưu” sau khi chạy 32.200 km, thì Volkswagen chắc chắn sẽ gặp một vài thách thức mới.
Đây không phải là lần đầu tiên Volkswagen mua lại một công ty Italy quy mô nhỏ. Vào năm 1998, Volkswagen thâu tóm hãng Lamborghini với giá 110 triệu USD. Trong 14 năm có qua, Volkswagen đã biến Lamborghini từ một thương hiệu xe bị coi là dành cho những người thích khoe của kiểu đồng bóng thành một thương hiệu xe để thể hiện đẳng cấp thực sự. Cùng với đó, Lamborghini cũng có thêm những dòng sản phẩm mới, tiếp cận với những đối tượng khách hàng mới. Năm 1997, Lamborghini tiêu thụ được 209 chiếc Diablo. Năm 2007, trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra, hãng bán được 2.580 chiếc Murcielago và Gallardo - mẫu xe mới, nhỏ hơn và có giá rẻ hơn.
Có lẽ, tín hiệu tốt lành nhất cho số phận của Ducati dưới quyền sở hữu của Volkswagen là cả thương hiệu Lamborghini và sản phẩm của thương hiệu này đến nay đều không bị coi là suy yếu hay bị pha loãng. Dưới quyền sở hữu của Volkswagen, Lamborghini đã trở nên mạnh hơn và sản xuất được nhiều sản phẩm hơn nhà sáng lập Ferruccio từng mơ ước.
Vậy có thể kỳ vọng gì ở Volkswagen cho Ducati? “Vụ mua lại này sẽ tốt cho Ducati. Có khả năng Ducati sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và mở rộng dòng sản phẩm. Vấn đề nằm ở chỗ Ducati cần bảo vệ được hình ảnh thương hiệu khi đi vào giai đoạn sản xuất với mức chi phí thấp, để vừa đảm bảo được tính kinh tế nhờ quy mô mà không gây tác động xấu tới thương hiệu. Từ trước đến nay, chưa ai làm được điều này trong lĩnh vực xe hai bánh”, ông Uhlarik nói.
Nói cách khác, Ducati đã tìm được một mái nhà yên ấm và an toàn. Trong thời gian tới, hãng sẽ tiếp tục sáng tạo và sản xuất những chiếc siêu motor mới cùng các hàng hóa cao cấp khác. Mẫu xe 1199 hứa hẹn sẽ là siêu motor đỉnh cao nhất từ trước đến nay và những mẫu xe về sau của Ducati còn có thể hấp dẫn hơn nữa. Tuy nhiên, khó có chuyện “ông chủ” Volkswagen sẽ cho Ducati sản xuất với số lượng sản phẩm lớn hơn hay thêm nhiều sản phẩm giá rẻ. Bởi thế, hãng Honda có lẽ không cần phải lo lắng nhiều.
“Cũng giống như Ducati, Lamborghini từng không biết đến lợi nhuận trong suốt 20 năm và từng bị đổi chủ 5 lần. Volkswagen đã thâu tóm Lamborghini và đem đến cho thương hiệu này sức sống mới. Nếu có một công ty thực sự hiểu về ngành sản xuất công nghiệp của Italy và đem đến hiệu quả cho các hãng công nghiệp của Italy, thì đó chính là Volkswagen”, ông Uhlarik nói thêm.
Vậy đâu mới là lý do thực sự để Volkswagen thâu tóm Ducati? Trở lại năm 1985, Chủ tịch hiện nay của Volkswagen Group là Ferdinand Piech đã bỏ lỡ một cơ hội mua lại Ducati với mức giá mà ông cho là “bèo”. Từ đó trở đi, ai cũng biết ông Piech luôn nung nấu ý định sở hữu một hãng sản xuất xe motor.
“Động cơ mua lại Ducati của Volkswagen là sự đam mê của Volkswagen đối với các thương hiệu, thay vì những lý do liên quan tới công nghệ hay tài chính. Ducati chỉ là một cuộc chơi bên lề của Volkswagen mà thôi”, ông Arndt Ellinghorst, nhà phân tích của Credit Suisse, nói với Reuters.
“Về mặt chiến lược thì Ducati không quan trọng đối với Volkswagen. Doanh thu của Ducati lớn hơn của Lamborghini và Bugatti cộng lại, nhưng đối với hoạt động sản xuất ôtô của Volkswagen, thì Ducati cũng giống như một món phụ kiện vậy”, ông Christophu Stuermer, chuyên gia của hãng nghiên cứu IHS Global Insight nói với tờ Business Week.
(Theo Vneconomy)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.