Du lịch VN: Đột phá thế nào khi thống kê còn ì ạch?
|
Ghềnh đá đĩa, Phú Yên có nhiều tiềm năng khai thác du lịch nhưng chưa được quảng bá xứng tầm (Ảnh: ChiLê/Vietnam+) |
Thống kê du lịch ở Việt Nam cho thấy các con số hầu hết đều chung chung. Đó là kết quả từ một phương thức thống kê chưa đầy đủ và đã trở nên lạc hậu với sự phát triển của kinh tế du lịch.
Đến cuối tháng 8/2012, hoạt động thống kê dường như mới “bừng tỉnh” khi Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh chính thức chỉ đạo toàn ngành phải đổi mới và vào cuộc mạnh mẽ công tác thống kê.
Ì ạch cập nhật
Đến hẹn lại lên, cứ gần cuối tháng, ngành du lịch lại thông báo số liệu thống kê. Trong tám tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam gần 4,4 triệu lượt khách, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2011. Số liệu này do Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều tra và Tổng cục Du lịch tổng hợp trước khi công bố với giới truyền thông.
Thực tế, cũng chỉ có số liệu về khách quốc tế đến Việt Nam được công bố hàng tháng, còn số liệu về khách nội địa và tổng doanh thu từ du lịch thường chỉ được báo cáo trong các kỳ họp sáu tháng hay tổng kết năm của ngành.
Tổng kết lại, các báo cáo của ngành cũng mới phản ánh được ba chỉ tiêu là khách quốc tế đến Việt Nam (nguồn Tổng cục Thống kê), khách du lịch nội địa và tổng thu ngành du lịch (nguồn tổng hợp của Tổng cục du lịch).
Ngoài ba số liệu trên, không có thêm số liệu thống kê nào được công bố, dù chúng rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung như: trong số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có bao nhiêu lượt khách đến rồi quay trở lại; thị trường khách nào lưu trú lâu nhất và chi trả cho các dịch vụ mạnh tay nhất; khách ấn tượng nhất với sản phẩm du lịch nào; thống kê về hàng hóa du lịch và các ngành sản xuất phục vụ cho ngành du lịch....
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trần Thị Hằng cho biết, trong chương trình điều tra, thống kê quốc gia, cứ 2-3 năm đơn vị bà mới điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách nội địa đi nước ngoài và du lịch trong nước một lần.
Nếu cứ ì ạch 2-3 năm mới làm điều tra một lần như bà Hằng nói e rằng con số đó khó bắt kịp với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng qua mỗi năm của du lịch hiện nay.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận, những năm qua hoạt động thống kê du lịch ở Việt Nam luôn rơi vào tình trạng thiếu cập nhật và nhất quán, thậm chí xung đột số liệu.
Ông Tuấn cho biết, rất nhiều nước trên thế giới đang áp dụng hệ thống tài khoản vệ tinh du lịch trong thống kê nhưng ở Việt Nam vẫn chưa triển khai, mà mới dừng ở mức độ nghiên cứu, tìm hiểu nên quản lý gặp nhiều khó khăn trong công tác dự báo và triển khai các hoạt động mang tính đột phá của ngành.
Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do hệ thống tổ chức bộ máy vận hành chưa chính thức hình thành và chuẩn hóa. Chưa kể đến đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê du lịch còn mỏng, thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới.
Sẽ sớm được giải quyết?
Hoạt động thống kê có chất lượng sẽ cho ra những con số "biết nói." Số liệu càng chi tiết, đầy đủ bao nhiêu sẽ giúp các chuyên gia và lãnh đạo ngành càng dễ đưa ra những quyết sách, đường lối phát triển kịp thời cho ngành.
Theo bà Hằng, sự phát triển của du lịch và các ngành dịch vụ khác có mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh nên thông tin thống kê không chỉ dừng lại của riêng ngành du lịch mà cần sự phối hợp của vận tải, thương nghiệp bán hàng hóa, bưu chính viễn thông, khách sạn…
Do đó, một nội dung mà Tổng cục Du lịch đang xây dựng là tài khoản vệ tinh du lịch-giúp điều tra xem thông tin của những ngành khác ảnh hưởng thế nào đến du lịch, giúp tổng hợp số liệu ngành một cách nhanh chóng và chính xác nhất, đang được kỳ vọng sẽ làm "thay da đổi thịt" cho hoạt động thống kê du lịch ở Việt Nam.
Bà Hằng kiến nghị thêm, cũng cần tăng cường thống kê từ các kênh hồ sơ, hành chính, ghi chép theo dõi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách…). Vì trực tiếp quản lý nên các đơn vị này sẽ có đầy đủ thông tin từ khách trong nước, khách nước ngoài đến quốc tịch gì, số lượng bao nhiêu, lưu trú bao lâu…
“Nếu họ thực hiện được công tác báo cáo cho cơ quan quản lý thì chắc chắn công tác điều tra của ngành sẽ đơn giản và đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Chỉ có điều cần pháp lệnh, chế tài thế nào để họ báo cáo mà thôi,” bà Hằng nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại, khó có thể làm được như bà Hằng nói. Dễ gì các cơ sở lưu trú họ kê khai thật số liệu, bởi nó còn liên quan tới vấn đề nhạy cảm là tiền thuế. Thống kê càng sát càng nghiêm túc, mức thuế chi theo đó cũng tăng lên.
Trước những “bối rối” của các lãnh đạo ngành, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn trấn an, trong năm nay sẽ xây dựng một hệ thống tiêu chí để thống kê được số lượng khách du lịch quốc tế, chi tiêu của khách du lịch quốc tế; một số chỉ tiêu về thống kê số lượng khách du lịch nội địa, chi tiêu của khách du lịch nội địa và tổng thu từ hai nhóm khách này…
“Chúng tôi sẽ tiến hành phổ biến, tập huấn tới các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương ngay khi xây dựng xong hệ thống tiêu chí thống kê mới,” ông Tuấn khẳng định.
Hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu mới như ông Tuấn nói đang được các chuyên gia nghiên cứu gấp rút hoàn thiện để có thể phổ biến trong thời gian sớm nhất.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Trần Thị Hằng thì đề xuất, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê nên phối hợp trong công tác thống kê nhằm vừa “tiết kiệm” nhân lực, vật lực vừa có được kết quả thống kê hiệu quả, thống nhất.
ChiLê (Vietnam+)