hotline Hotline: 0977 096 677

“Dấu xưa” cù lao Ông Chưởng

Dinh Ông ở thị trấn Chợ Mới. Ảnh: Phương Kiều

 “Bao phen quạ nói với diều / Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”. Theo câu hát xưa, chúng tôi tìm về vài “dấu xưa” trên mảnh đất cũng đã rất xưa lắm rồi: cù lao Ông Chưởng, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí: “Lễ công giang thượng khẩu tục gọi là vàm Ông Chưởng; cửa sông nầy rộng 8 tầm, sâu 8 thước ta. Trước cửa sông có cù lao nhỏ và nhân tên sông mà gọi tên cù lao ấy (cù lao Ông Chưởng), ở cách phía tây đạo Đông Khẩu 90 dặm rưỡi. Sông chảy vào nam 60 dặm rưỡi đến hạ khẩu rồi hợp lưu với Hậu Giang. Bờ phía tây có sở thủ ngự Hùng Sai, bờ phía tây thượng khẩu có miếu thờ Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh) vì dân ở đấy cho rằng ông có công dẹp yên Cao Miên, khai thác đất này, nên nhân dân nhớ công đức mà lập miếu thờ”. Sự kính trọng Nguyễn Hữu Cảnh trong lòng người dân cù lao Ông Chưởng còn được Nguyễn Liêng Phong nhấn mạnh trong “Nam kỳ phong tục diễn ca” (năm 1909):

Sông Lễ Công chỗ cù lao,

Miếu quan Chưởng Lễ thuở nào lưu lai.

Đồng Nai cũng có miễu ngài,

Nam Vang, Châu Đốc lại hai chỗ thờ.

Coi ra hiển hách bây giờ,

Cù lao Ông Chưởng tư cơ đứng đầu”.

Dấu ấn ngài Chưởng binh

Dinh Ông ở thị trấn Chợ Mới. Ảnh: Phương Kiều

Có thể nói trên đất cù lao Ông Chưởng có rất nhiều miếu thờ Nguyễn Hữu Cảnh mà người dân trân trọng gọi là “Dinh thờ Ông Lớn” hoặc “Dinh Ông”, còn tên chính thức thì tùy theo từng dinh.

Gia Định thành thông chí chép chi tiết: Đêm 26 tháng 4 Canh Thìn (1700), gió mưa tầm tã, nơi đầu cù lao đất lở sụp, gây tiếng vang như sấm. Đêm ấy ông (Nguyễn Hữu Cảnh) nằm mộng thấy một người cao lớn mặc áo gấm, tay cầm cây búa vàng, mặt như thoa phấn đỏ, râu mày bạc trắng, đến trước mặt ông mà bảo rằng: “Tướng quân nên kéo quân về cho sớm, không nên ở lâu nơi ác địa này”. Ông thức dậy, lo buồn.

Bấy giờ việc biên cảnh chưa hoàn thành, dư đảng giặc còn núp trong rừng núi. Trong lúc ông do dự chưa biết nên rút lui hay nên ở thì phần lớn quân sĩ lại mang bịnh dịch. Ông cũng nhiễm bịnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạc tướng sĩ, rồi ông trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14, ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm) rồi mất”.

Để tưởng nhớ công ơn mở cõi đất phương Nam của ông, nhân dân nhiều nơi khu vực này đã lập đền thờ ông. Ở cù lao Ông Chưởng có hai dinh quan trọng: Dinh Ông Long Kiến và Dinh Ông Kiến An. Dinh Ông Kiến An về sau vì đất lở nên chia hai, thêm Dinh Ông thị trấn (Chợ Mới).

Dinh Ông ở Vàm Sau. Ảnh: Phương Kiều

Dinh Quan Chưởng binh Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở thị trấn Chợ Mới tọa lạc trên diện tích khoảng 2.000m2 với lối kiến trúc đặc trưng Nam bộ cùng một số công trình đậm nét văn hóa dân tộc. Trước cổng dinh là một cây da um tùm tàn lá, gốc rất lớn, áng chừng cây có trên 300 năm tuổi. Dinh đã được tỉnh An Giang công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử.

Ông Nguyễn Quang Thâm, 81 tuổi, trong ban tế tự Dinh Ông thị trấn trước kia cho biết dinh này lớn hơn hết, đối diện Dinh Ông Kiến An, giữa là sông Ông Chưởng. Lễ hội Kỳ yên (lễ giỗ Ông) lần thứ 311 (Tân Mão - 2011) vừa qua tại Dinh Ông thị trấn diễn ra trong ba ngày với nhiều nghi thức long trọng, như lễ thỉnh các vị linh thần khởi hành từ dinh đến Linh miếu Hội đồng, nghĩa trang liệt sĩ, chùa Ông, đình thần Chợ Thủ, đình thần Mỹ Luông, trở về làm lễ an vị, lễ tiên nghinh, chánh tế, xây chầu, tiếp giá đại bội... Ngoài vui chơi, thể thao, còn rước đoàn hát bội biểu diễn ba vở tuồng: “Lưu Kim Đính”, “Tiêu Anh Phụng” và “San Hậu”, thu hút rất đông người đến dự.

Là một mảnh đất cổ, nên từ xa xưa cù lao Ông Chưởng nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh với một số nghề thủ công, đó là nghề vẽ tranh kiếng và nghề mộc Chợ Thủ.

Dòng tranh kiếng Chợ Mới

Tranh kiếng được vẽ lên mặt sau, nên thứ tự nét vẽ và tô màu ngược lại với các loại tranh thông thường.

Làng nghề vẽ tranh kiếng nằm trên địa phận xã Long Điền và Long Điền B, mà những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thường gọi là “Dòng tranh Chợ Mới”. Dòng tranh Chợ Mới bắt đầu từ năm 1954 do nghệ nhân Trần Văn Ty (Mười Ty) phổ biến. Trước kia ông học nghề và làm nghề tranh kiếng theo trường phái Lái Thiêu tại Cần Thơ.

Khi về Chợ Mới ông nghiên cứu thấy người dân địa phương theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa hoặc Phật giáo Hòa Hảo thích thờ tổ tiên với bốn chữ “Cửu huyền thất tổ” nên mới sáng tác các mẫu tranh thờ đặc biệt cho vùng này. Bên cạnh đó, ông còn theo cách vẽ của họa sĩ Lê Trung, Hoàng Lương… sáng tác các loại tranh treo cửa buồng theo các tích xưa như Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ. Thị trường tranh còn mở rộng khắp Nam Bộ nên sau 20 năm hành nghề, số học trò của ông Tỵ qua mấy thế hệ đã có tới hàng ngàn người” (*).

Tranh kiếng đã được lắp vào khung gỗ chờ hoàn thiện để xuất bán. Ảnh: Phương Kiều

Hồi cực thịnh của làng nghề, khi đến chợ Bà Vệ (Long Điền) người ta thấy hai bên đường phơi đầy những bức tranh kiếng vừa mới hoàn thành. Và trên đường đi thường gặp những chiếc xe đạp hai bên yên sau cột đầy tranh kiếng tỏa đi bán khắp nơi. Nhưng bây giờ, tới đây chỉ thấy lác đác mấy bức tranh kiếng rải phơi bên đường, phải chú ý lắm mới phát hiện một cơ sở sản xuất tranh kiếng. "Bây giờ chỉ còn chừng 10 gia đình làm tranh kiếng", ông Nguyễn Thanh Hòa, 47 tuổi, chủ cơ sở tranh kiếng Thanh Hòa (ấp Long Tân, Long Điền) cho biết.

Ông Hòa tâm sự, ông vẫn đeo đuổi vì đây là nghề gia truyền và cũng kiếm sống được. Tuy nói khiêm tốn vậy nhưng cơ sở của ông nhìn cũng khá bề thế, với trên 10 thợ, lương tháng của mỗi thợ cũng được hơn 1 triệu đồng đến 4 triệu đồng. Muốn có tay nghề, hưởng lương cao, thợ phải có hoa tay và học suốt ba năm.

Đó là thời gian đã được rút ngắn nhiều so với hồi xưa, nhờ có kỹ thuật in lụa. Kỹ thuật này do nghệ nhân Huỳnh Minh Quang bày ra từ hàng chục năm nay. Tranh kiếng in lụa theo từng chủ đề như tín ngưỡng, sự tích, phong cảnh đồng quê, vinh hoa phú quý, công cha nghĩa mẹ… Tất cả đều hoàn thành theo đơn đặt hàng của thương lái. Tranh in lụa sản xuất nhanh, sắc nét, giá rẻ nên đáp ứng được thị trường.

Tranh kiếng của ông Hòa được lái đến chở đi nhiều nơi, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, xa nhứt là Nha Trang. Ngoài tranh kiếng truyền thống Nam bộ, ông Hòa còn sản xuất tranh kiếng theo yêu cầu của bà con Khmer, theo đúng phong cách của họ, dùng chữ Khmer. Bên cạnh đó ông cũng sản xuất một số tranh vẽ tay theo yêu cầu của khách. Tranh này do vợ ông, bà Lê Thị Tám, 46 tuổi, vẽ.

Vẽ tay tranh kiếng khá phức tạp. “Theo nguyên tắc vẽ tranh giấy của dân gian thì phải qua các công đoạn: phác thảo mẫu, tô màu, tô bóng. Cuối cùng là dùng mực đen vẽ mắt mũi con ngươi, hoặc điểm các gân lá, bướu cây. Tranh kiếng là loại tranh vẽ phía sau mặt kiếng, nên những chi tiết nào đáng lẽ vẽ sau thì phải vẽ trước” (*). Với nguyên tắc đó cùng tay nghề (học và làm nghề từ năm 8-9 tuổi), bà Lê Thị Tám đã có nhiều bức tranh đẹp, mỗi bức là một tác phẩm.

Làng mộc ở Chiến Sai Thủ Sở

Không bị thu hẹp sản xuất như nghề làm tranh kiếng hiện nay, nghề mộc thủ công Chợ Thủ (Long Điền A) vẫn phát triển, làm ăn rôm rả, phát tài.

Thợ trẻ chạm trổ hoa văn cho các sản phẩm như tủ thờ...

Theo nhà văn Sơn Nam, Chợ Thủ là tên gọi tắt của Thủ Chiến Sai hay Chiến Sai Thủ Sở. Chiến Sai vốn là tên Kiến Sai (tên Khmer là Kiên Svai, có nghĩa là chòm cây xoài) nói trại ra. Thủ là đồn để canh giữ, bảo vệ việc đi lại trên sông rạch. Nhờ có gỗ súc từ Campuchia đưa về, cộng với tay nghề khéo léo của thợ từ miền Trung vào, Chợ Thủ phát triển ngành mộc, đủ sức cạnh tranh với hàng mộc từ Lái Thiêu (Bình Dương) và Biên Hòa (Đồng Nai) đưa xuống.

Ông Lê Văn Toản, 70 tuổi, chủ một cơ sở mộc tại đây cho biết đây là nghề truyền thống mà ông học được từ cha ông, kế tục ông nội ông. Sản phẩm ở đây được người Nam bộ ưa chuộng ngoài các loại hàng trang trí nội thất như tủ thờ, bàn ghế, bộ sa lông… còn có các sản phẩm cao cấp như cửa nhà, tay vịn cầu thang… Tất cả được làm bằng máy, sau đó mới chạm khắc tỉ mỉ, khéo léo, chăm chút từng đường nét, hoa văn, họa tiết bằng tay sao cho sống động, rồi đánh vẹc-ni hoặc sơn PU. Chính vì vậy mà sản phẩm bán ra, như bộ sa lông “bèo” nhứt cũng 12 triệu đồng.

Từ hơn 10 năm nay, làng nghề mộc Chợ Thủ đã được “nhân rộng” tới chợ Bà Vệ. Ông Phan Hồng Đảm, 61 tuổi, làm nghề này từ nhiều năm nay, cho biết hàng mộc ở chợ Bà Vệ không thua kém hàng Chợ Thủ, cũng đóng đủ thứ theo yêu cầu, cũng sử dụng máy móc để sản xuất. “Tủ chén đi Sóc Trăng, Cà Mau đóng không kịp lái hối liền liền”, ông nói thêm: “Ghe trên 10 tấn chở khoảng 100 cây”. Cây là bộ tủ chén đóng rồi, tháo ra, tới nơi ráp lại. Tuy không sản xuất hàng gỗ cao cấp nhiều tính mỹ thuật như Chợ Thủ nhưng hàng gỗ gia dụng ở chợ Bà Vệ cũng là một nghề đang thịnh, nuôi sống nhiều người.

Ngoài nghề mộc, ngày xưa Chợ Thủ còn có nhiều nhà thành thạo nghề ươm tơ dệt vải. Nguyễn Liêng Phong viết trong “Nam kỳ phong tục diễn ca”:

Thủ Chiến Sai, xứ quê mùa,

Nhơn dân đông đảo, miễu chùa nghiêm trang.

Trại cưa dãy dọc, dãy ngang,

Chuyên nghề ươm dệt cả làng thói siêng.

Nam phụ (lão ấu) nội thôn (Tú Điền),

Đều là biết dệt nghề riêng trong nhà.

Xung quanh mấy chỗ gần xa

Mua hàng Chợ Thủ, tiếng đà xưa nay.

Trời sanh phong thổ cũng hay,

Trên tơ lụa đủ, dưới cây ván nhiều.

Công dung ngôn hạnh mỹ miều,

Gái hay thêu dệt, người đều thanh thao…”

Trong khi nghề mộc “nở nồi” thì nghề dệt nổi tiếng đất này đã tàn lụi từ rất lâu.

Với bốn mặt sông nước bao quanh (sông Tiền, sông Hậu, sông Ông Chưởng và sông Vàm Nao), cù lao Ông Chưởng được ca dao xưa ca tụng “có nhiều cá tôm” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nghề vẽ tranh kiếng Long Điền và Long Điền B và nghề mộc Chợ Thủ mới là nét văn hóa dân gian đặc sắc rất đáng tự hào của người địa phương này.

________________________________________________________________________________________

(*) “Nghề vẽ tranh kiếng tại Nam bộ”, Trương Ngọc Tường, trong quyển “Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam bộ”, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, NXB Trẻ ấn hành, 1999.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

Thymomodulin - Davinmo - Dược phẩm Davinci Pháp
Siro Davinmo - Một sản phẩm có Thymomodulin là thành phần chính 
 

 

1001 Mẹo vặt

Cách phân biệt rượu ngoại thật, giả

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Món ngon 365 ngày

Món ngon bông mỏ quạ

Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.

Sử dụng thuốc nên biết

Tầm quan trọng của vitamin D3 với cơ thể con người

Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.

Dược phẩm   Y học   Sức khỏe   Thuốc đặc trị   Thuốc bổ   Thực phẩm chức năng    Cẩm nang thuốc     Thuốc tân dược    Thuốc đông y    Hỏi đáp về thuốc     Chăm sóc trẻ    Mang thai     Bà bầu    Tình dục    Phòng khám    Tin tức    Cuộc sống 24h    Giúp cơ thể tăng sức đề kháng    Tuần hoàn não    Trẻ phát triển chiều cao     Trái tim khỏe mạnh     Men tiêu hóa trẻ em    Giải độc gan    Bảo vệ gan  Phát triển trí não cho bé    Còi xương  Loãng xương    Xương khớp    Tăng cường trí nhớ     Trẻ biếng ăn Trẻ lười ăn    Trẻ nhác ăn    Trẻ em  ho    Trẻ chậm lớn Vitamin    Chậm lớn    Chậm phát triển Đau đầuChóng mặt Bài thuốc dân gian  Phòng khám đa khoa  Phòng khám nhi  Phòng khám da liễu  Viêm họng  Đau mắt  Dinh dưỡng  Đau lưng   Người cao tuổi    Nitroglycerin     Nifedipin Nefazodon   Nabumeton Nafarilin     Metoprolol    Metoclopramid   Methotrexat    Mesalamin    Medroxy progesteron     Meclophenamat Ung thư