Nhà máy xay lúa của ông Trương Văn Bền ở Chợ Lớn |
Tôi sinh ra đúng vào năm ông Trương Văn Bền mất. Khi lớn lên trong tuổi học trò ở trung học, tôi vẫn còn được nghe nhiều người nhắc đến ông và sản phẩm xà bông Việt Nam mà công ty ông sản xuất với niềm tự hào, kính phục pha lẫn nuối tiếc. Vài năm gần đây, khi bắt đầu tìm hiểu và viết về lịch sử người Minh Hương ở Nam bộ, tôi lại có dịp hiểu ông hơn.
Theo nhiều tài liệu, có thể bắt đầu từ Vương Hồng Sển hay Hứa Hoành, thì Trương Văn Bền là người Minh Hương gốc Triều Châu, nhưng thật ra không đúng vậy. Theo người cháu nội của ông, anh Phillipe Trương, hiện đang sống ở Pháp, gốc ông ở Phước Châu, Phúc Kiến, ngay tại Ngũ Hổ Sơn. Thủa thiếu thời, như nhiều gia đình khá giả và học thức, lúc đầu Trương Văn Bền học chữ Hán. Năm 1896, ông theo học chương trình Pháp. Năm 1899, chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức kỳ thi Brevet élémentaire (cao đẳng tiểu học) lần đầu tiên, Trương Văn Bền ghi tên và thi đậu dễ dàng. Ông được bổ nhiệm chức vụ Ký lục thượng thư. Phi thương bất phú Năm 1901, ông bỏ không làm cho chính quyền Pháp mà quay về nghề buôn bán của cha ông. Lúc đầu ông bán đậu phộng, đậu xanh và đường trong một cửa tiệm nhỏ ở Chợ Lớn. Năm 1905, ông mở một xưởng tinh chế dầu ở Thủ Đức. Một năm sau, ông mở một nhà máy xay gạo ở Chợ Lớn và một ở Rạch Các. Ông cũng có một khách sạn và một tiệm mỹ phẩm ở Chợ Lớn. Trong các cơ sở làm ăn thời đó, chỉ có cơ sở sản xuất dầu ở Thủ Đức là thành công. Đến năm 1918, ông mở thêm một cơ sở sản xuất dầu nữa ở Chợ Lớn. Xưởng này sản xuất đủ loại dầu, từ dầu ăn, dầu salad đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong công nghiệp. Từ những thành công ban đầu này, năm 1918, ông bắt đầu tham gia tích cực vào đời sống kinh tế chính trị trong xã hội. Ông được bầu làm hội viên trong Hội đồng quản hạt Nam kỳ (Conseil Colonial) vào năm 1920. Năm 1924, ông là nghị viên Phòng Thương mại (Chambre de Commerce). Năm 1932, ông là người Việt Nam đầu tiên được bầu làm Phó chủ tịch Phòng Thương mại và giữ chức này cho đến năm 1941. Ngoài ra ông còn là nghị viên Phòng Canh nông (Chambre d’ Agriculture, 1922), thành viên của Hội đồng quản trị (board of directors) của Thương cảng Sài Gòn (Port Commerce de Saigon) và ứng viên Hội đồng quản trị Sở Lúa gạo Đông Dương từ năm 1924. Ở thập niên 1920, ông nhảy vào lĩnh vực canh nông. Lúc đầu ông mua 300 mẫu ruộng ở Mỹ Tho. Năm 1925, ông cùng một số người khác thành lập Công ty Canh nông Tháp Mười (Société Rizicolte du Tháp Mười). Công ty có hơn 10.000 mẫu đất và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người ở miền Tây Nam bộ. Vai trò quan trọng của ông trong địa hạt phát triển canh nông, kỹ nghệ, kinh tế tài chính được đánh giá cao trong xã hội. Ông được bầu làm hội viên của Đại hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et financiers de l’Indochine) năm 1929. Ngoài kinh doanh lúa gạo, Trương Văn Bền còn nhận thấy nhiều tiềm năng cho các sản phẩm canh nông khác ở miền Nam như dừa. Là người có tầm nhìn và biết tìm hướng đi mới, năm 1932, ông mở thêm nhà máy làm xà bông từ dầu nông sản. Vào thời gian này và trước đó, hầu hết xà bông dùng trong nước và ở Đông Dương được nhập từ Pháp. Chỉ có một số ít xà bông do các xưởng thủ công nhỏ ở Chợ Lớn sản xuất, chất lượng kém. Xà bông là sản phẩm mang lại cho ông nhiều tiếng tăm. Tên của Trương Văn Bền gắn liền với xà bông Việt Nam, xà bông “Cô Ba”. Hãng xà bông của ông, Trương Văn Bền và các con - Dầu và xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam), tọa lạc trên đường Rue de Cambodge (nay là chợ Kim Biên, quận 5). Vào năm 1943, thời kỳ khó khăn ở nhiều nước do Đệ nhị thế chiến, xưởng dầu của ông ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và hãng xà bông Trương Văn Bền sản xuất khoảng 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine. Trên thị trường, xà bông Việt Nam và xà bông thơm “Cô Ba” đánh bạt xà bông thơm “Mac Xây” (Marseille) của Pháp nhập từ chính quốc. Ngoài Việt Nam, xà bông “Cô Ba” được dùng rộng rãi ở Lào và Campuchia, được xuất khẩu qua Hồng Kông, Caledonie và một số nước châu Phi. Trong hồi ký của mình, ông viết về sự chọn lựa tên sản phẩm xà bông như sau (1): “Tôi đang tìm kiếm tên nào kêu, dễ gọi, dễ nhớ để đặt tên cho xà bông mà chưa kiếm ra. Ngoài Bắc, phong trào Cách mạng Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu nổi lên nhiều chỗ và đã bị thất bại đau đớn, đến lúc bị Tây xử tử ở Yên Bái thì mười người như một, trước khi đút đầu vô máy chém đều bình tĩnh hô to: “Việt Nam vạn tuế” gây một luồng dư luận sôi nổi ở trong nước và thế giới. Tôi không bỏ lỡ, nhân cơ hội này lấy tên Việt Nam đặt cho xà bông, gọi Savon Việt Nam để nêu lòng ái quốc đang bồng bột ở trong xứ, xà bông Việt Nam là của người Việt làm cho người Việt, người Việt yêu nước phải dùng đồ Việt Nam”. Chỉ huy trưởng kỹ nghệTrong ký sự Một tháng ở Nam Kỳ (1918), ông Phạm Quỳnh có nhắc đến ông Trương Văn Bền như sau: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc Kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp”. Nhà máy Savon Việt Nam.
Với sự ra đời của hãng xà bông Trương Văn Bền ở Nam kỳ năm 1932, Việt Nam hãnh diện có một xưởng công nghệ quy mô, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trong thời kỳ phôi thai.
Trong việc tiếp thị sản phẩm trên thị trường cạnh tranh lúc đầu và sau này cho đến khi ông mất, để khuếch trương thương hiệu, Trương Văn Bền đã khôn khéo sáng tạo không kém những doanh nhân nổi tiếng hiện nay. Trên báo chí ở Việt Nam, từ khi xà bông Việt Nam được sản xuất vào năm 1932, trong mục quảng cáo thường đăng “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” hoặc “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam” của hãng Xà bông Trương Văn Bền. Trong các cuộc triển lãm được mở cửa hàng năm tại Sài Gòn và các tỉnh, bao giờ gian hàng của ông Bền cũng được thiết kế ấn tượng, và sản phẩm được bán với giá rẻ hơn bên ngoài đến 25%. Sau đây là vài đoạn trong nhật ký của ông: “Thấy xà bông bán chạy tôi làm thêm một chảo nữa. Nay nhiều thêm thì phải làm quảng cáo nhiều mới bán được. Phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà bông Việt Nam về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, chúng xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán, chỉ trừ khi nào món đồ ấy đã được thông dụng đem cho chúng một mối lợi hàng ngày thì chúng mới chịu mua. Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Việt Nam bán không? Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu: “Sao không buôn xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”. Hết người này tới người khác, thét rồi chủ tiệm cũng phải để ý lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất của xà bông Việt Nam, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu xà bông Việt Nam. Nói tóm lại tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà bông Việt Nam bán chạy lắm”. “Nhờ sức mạnh của quảng cáo, xà bông Việt Nam tiến phát mau lắm, chỗ nào cũng buôn xà bông Việt Nam, ai nấy chỉ dùng xà bông Việt Nam thôi. Thấy mối lợi như vậy nhiều người chóa mắt cũng làm xà bông để tranh giành, như bà Đốc phủ Mầu ra xà bông “Con Cọp”, Balet ra xà bông “Nam Kỳ” cũng đầu người đờn bà như Việt Nam, Nguyễn Phú Hữu ra xà bông “3 sao” ở Cần Thơ… nhưng tranh đua không lại xà bông Việt Nam. Năm 1941, tôi chịu cho sở binh lương một ít lợi quyền, nên bán được giá cao, chở đi Madagascar, Réunion…”. Ông cũng cho biết: “Trong sáu năm thế giới chiến tranh (1939-1945) mấy hãng dầu và xà bông làm ăn tấn phát lắm, một cơ hội may cho mấy hãng Tây như Borris, Mattrat và Delaunay, vì chiến tranh, việc xuất nhập cảng khó khăn. Trong ủy ban giám đốc hầu hết là người Pháp nhưng tôi là nhân viên hội đồng quản hạt, hãng xà bông của tôi lại sản xuất nhiều hơn họ nên họ phải để tôi làm chủ tịch”. Vì thế cũng không lạ gì, tên tuổi và sản phẩm của Trương Văn bền nổi tiếng và là niềm tự hào của nhiều người, nhất là ở trong Nam, họ nhắc đến ông với sự kính trọng trong tình đồng bào và tình cảm thân cận gần gũi như trong nhà. Năm 1948, Trương Văn Bền rời Việt Nam và sang sống tại Paris. Thời kỳ sau khi Trương Văn Bền mất, từ năm 1959 cũng là thời kỳ nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam. Xà bông Việt Nam của Trương Văn Bền vẫn chiếm lĩnh phần lớn thị trường cho đến khoảng giữa thập niên 1960, khi hàng hóa, xà bông, bột giặt của Mỹ bắt đầu tràn ngập miền Nam. Các công ty mới ở Việt Nam cũng thành lập, sản xuất bột giặt thay thế phần lớn nhu cầu dùng xà bông để giặt giũ. Công ty Trương Văn Bền và các con, lúc đó đã đổi thành hãng xà bông Việt Nam, vẫn nỗ lực cạnh tranh, sản xuất thêm sản phẩm bột giặt Việt Nam cạnh tranh với các loại bột giăt Mỹ và bột giặt Viso của ông Trương Văn Khôi. Sau năm 1975, Nhà nước mới trưng thu một phần cơ sở của hãng xà bông Việt Nam để trở thành Nhà máy hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1995, đơn vị này trở thành Công ty Phương Đông thuộc Bộ Công nghiệp. Tháng 7-1995, Công ty Phương Đông liên doanh với tập đoàn Procter & Gamble lập một nhà máy mới ở Bình Dương(1). Một thời quá khứ vang danh của nhà kỹ nghệ và doanh nhân nổi tiếng Việt Nam nay chỉ còn là ký ức. Người Anh, Mỹ thường gọi những người đầu đàn trong kỹ nghệ là “captains of industry” (chỉ huy trưởng kỹ nghệ). Đó là những người khai phá, lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn có sức mạnh trong công nghiệp, mang lại phúc lợi cho dân, cho nước. Vì thế tôi gọi ông Trương Văn Bền là người “chỉ huy trưởng kỹ nghệ” đầu tiên của Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Nói về kinh nghiệm trong thương trường và bí quyết thành công, trong một bài báo đăng vào năm 1939, khi phóng viên hỏi tại sao người Việt thường thất bại trong thương mại và kỹ nghệ, ông Trương Văn Bền trả lời (2): “Tại người mình ưa bắt cá hai tay, ưa làm nhiều việc quá. Việc này chưa xong, họ đã xoay qua làm việc khác, thành thử không việc nào vẹn toàn. Rốt cuộc hỏng cả”. Ông nói tiếp: “Lý do thứ nhì là do không thông thạo việc nên thất bại. Bất cứ việc gì, trước khi làm mình phải biết rõ việc ấy. Phải học, phải nghiên cứu kỹ càng mới được. Người Tây trước khi làm việc gì họ cũng học trước cả. Cho đến một việc đứng bán hàng, ta cho là tầm thường và tưởng ai ai cũng có thể làm được. Nhưng đối với họ đó là việc quan trọng cũng có sách có trường dạy hẳn hoi, dạy từ cách tiếp khách, khoe hàng sao cho khách mua rồi thì còn trở lại. Người mình có một cái rất bậy là chỉ thấy cái lợi trước mắt, chỉ cốt làm sao bán được món hàng lúc ấy mà thôi. Như tôi đây cơ sở đã vững vàng rồi mà ngày nào cũng tìm sách, tìm báo đọc thêm”. Tham khảo: (1) Phillipe Truong, theo thông tin trong các điện thư do Phillipe Truong gửi cho tác giả. (2) Khuyết danh, Trương Văn Bền (1883-1956), http://www.vinhanonline.com/index.php?option=com_content&view=article&id=467:truong-van-ben-1883-1956&catid=88:nhung-nha-kinh-te&Itemid=270Ông Trương Văn Bền
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.