Gặp ‘vua’ cam trên đất Tuyên Quang
Nhìn dáng vẻ thư sinh, lanh lợi của anh Trình Ngọc Huynh ở thôn 65 xã Yên Lâm, Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, ít ai nghĩ rằng người đàn ông này lại là một nông dân thực thụ, một người biết làm giàu từ mồ hôi, công sức trên chính mảnh đất do vợ chồng anh khai phá.
Tiếp tôi trong ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trị giá gần 1 tỉ đồng, anh không giấu nổi nụ cười rạng rỡ khi được hỏi về vụ cam vừa rồi. Người được mệnh danh là tỷ phú cam này hồ hởi nói: Sau Tết giá cam được hơn 3.500 đồng/kg mà không có hàng để bán, chứ không bị ép giá như hồi trước Tết - thời điểm giá cam chỉ bán được 1.000-2.000 đồng/kg. Như vậy, với sản lượng khoảng 190 tấn cam anh thu hoạch được trong vụ 2008 vừa qua, thu nhập từ cam của gia đình anh đạt hơn 400 triệu đồng. Sản phẩm của gia đình được lái buôn rải khắp các chợ đầu mối ở Hà Nội, Bắc Giang, Vinh, Thái Bình... Ngoài 8,5 ha cam, gia đình anh còn trồng 51 ha keo và bồ đề, một ha nhãn vải theo mô hình trồng cây lâm nghiệp dưới chân đồi. Trong năm anh đã khai thác 3,7 ha rừng, thu được 250 triệu đồng.
Nhớ lại những ngày đầu quyết định lập nghiệp tại mảnh đất này, anh Huynh tâm sự: Năm 1986 ra ở riêng, anh chị cấy được 50 cành cam đầu tiên trên diện tích đất khởi nghiệp là 0,4 ha do chính tay vợ chồng anh khai hoang. Sau ba năm cây cho thu hoạch. Nhận thấy tiềm năng địa phương với lợi thế đất đai phù hợp cho trồng cây cam và cây lâm nghiệp, anh đã nhân rộng mô hình của mình, quyết tâm xây dựng cam sành thành cây đặc sản. Anh cho biết, trong những năm đầu sản xuất, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng phải chịu đói khổ, tần tảo sớm khuya, song "ước mơ làm giàu thì luôn ở trong tâm trí tôi". Lúc đầu do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên anh không phát huy được tiềm năng đất đai. Để ổn định kinh tế gia đình, anh đã chọn hình thức luân canh gối vụ, trồng xen canh giữa cây ngắn ngày và cây lâu năm để nuôi cây dài ngày. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế những năm đầu không cao, chỉ đủ nuôi sống gia đình. Đó là chưa kể có những năm giá cam rớt mạnh.
Tin tưởng vào tiềm năng phát triển kinh tế trang trại tại địa phương, anh đã mạnh dạn vay vốn, học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, tham quan các mô hình làm kinh tế trang trại giỏi ở những nơi khác. Những kiến thức này đã giúp gia đình anh mở rộng sản xuất. Việc phát triển kinh tế trang trại dần đi vào ổn định và ngày càng đạt năng suất, hiệu quả cao. Thu nhập của gia đình anh tăng dần qua các năm. Sau những năm tháng lao động vất vả, bằng mồ hôi nước mắt của mình, đất và cây đã không phụ công lao động của anh.
Không những làm kinh tế giỏi, anh Huynh còn giúp đỡ hàng chục hộ gia đình khó khăn phát triển kinh tế, như cho vay vốn không tính lãi; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm tổ chức, kinh doanh để giúp họ phát triển sản xuất. Anh đã giúp cho nhiều gia đình không những thoát nghèo mà dần ổn định đời sống và có tích luỹ, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ là con em đồng bào dân tộc mà lúc cao điểm lên tới 50 người. Hàng năm anh còn thường xuyên tham gia ủng hộ tặng quà cho Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh; tặng sách vở, bút viết cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn của trường tiểu học, trung học cơ sở xã. Hiện anh cũng đang nhận đỡ đầu cho một cháu dân tộc Dao mồ côi mẹ từ khi chào đời.
Với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế trong 5 năm qua, anh Huynh đã được công nhận là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc và Đại hội Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc. Anh chia sẻ: Để có được thành công ngày hôm nay, mình phải luôn tin tưởng vào hướng đi đã lựa chọn để vượt qua khó khăn...
(TTXVN)
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)