Đã từ lâu, trong tủ thuốc gia đình của chúng ta, ngoài bông băng thuốc sát khuẩn, không bao giờ thiếu vắng vài viên thuốc kháng viêm, hạ sốt, giảm đau. Thật vậy, việc bị cảm mạo phong hàn khi thời tiết thay đổi quả chẳng phải là việc của riêng ai.
Đã từ lâu, trong tủ thuốc gia đình của chúng ta, ngoài bông băng thuốc sát khuẩn, không bao giờ thiếu vắng vài viên thuốc kháng viêm, hạ sốt, giảm đau. Thật vậy, việc bị cảm mạo phong hàn khi thời tiết thay đổi quả chẳng phải là việc của riêng ai.
Nước ta có chiều dài trải trên nhiều vĩ tuyến nên khí hậu các vùng miền có nhiều khác biệt trong cùng một thời điểm. Trong khi miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng thì các tỉnh từ Trung Trung Bộ trở ra phía Bắc lại có bốn mùa rõ rệt, trong khi miền Nam đang là mùa mưa thì miền Trung và Bắc lại đang trong mùa hè cháy nắng. Bất cứ sự thay đổi bất chợt nào về nhiệt độ, ẩm độ như nóng quá, lạnh quá hay chuyển mùa cũng đều có thể gây ra những bất ổn cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em và người lớn tuổi. Chính vì vậy mà mỗi gia đình đều có sẵn những loại thuốc được gọi chung là thuốc cảm, phòng khi trái gió trở trời.
Việc sử dụng những loại thuốc này đôi khi không được kiểm soát tốt và người dùng có thể bị những biến chứng đáng ngại do dùng thuốc không phù hợp. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến một số bệnh thường gặp, chúng ta có thể tạm thời tự giải quyết bằng các thuốc kháng viêm giảm đau, cũng như lưu ý quý độc giả một số biện pháp dùng thuốc sao cho hiệu quả và an toàn.
Các loại thuốc kháng viêm giảm đau thông dụng
Vấn đề đầu tiên là những thuốc nào được khuyến cáo nên có trong tủ thuốc gia đình? Đầu bảng là paracetamol (hay acetaminophen), thuốc có tác dụng hạ sốt nhiều hơn là giảm đau và có thể dùng ở hầu hết các lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn tuổi, dung nạp tốt và ít có tác dụng phụ. Nhóm thuốc này được sản xuất đa dạng về chủng loại, phù hợp với nhiều đối tượng như tiêm truyền (chỉ sử dụng tại bệnh viện), viên nén, nhộng, sủi bọt, kể cả tọa dược (nhét hậu môn). Liều dùng thông thường đối với trẻ em là 15mg/kg, dùng không quá 4 lần trong ngày. Đối với người lớn, liều dùng từ 1.000mg (2 viên) - không quá 4.000mg mỗi ngày, có thể chia thuốc trong ngày ra từ 2 - 4 lần. Để tăng tác dụng giảm đau, người ta có thể phối hợp paracetamol với codein, cafein, tramadol, các chất này có thể gây trạng thái ngầy ngật, buồn ngủ, ảnh hưởng khả năng vận hành máy móc, tàu, xe… vì thế khi sử dụng thuốc cần phải xem kỹ các thành phần.
Danh mục thuốc không cần kê toa còn có thêm các loại thuốc kháng viêm giảm đau như ibuprofen, naproxen, aspirin,…
Ibuprofen là thuốc kháng viêm không steroid thông dụng có thể được dùng khi người bệnh có sốt kèm theo đau nhức cơ khớp. Tương tự, chúng ta có thể sử dụng naproxen uống 1-3 lần trong ngày hoặc aspirin. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý các thuốc kháng viêm không steroid thường gây ra biến chứng đường tiêu hóa đôi khi rất nặng nề nếu dùng ở người trên 65 tuổi hay dùng liều cao kéo dài. Để giảm thiểu nguy cơ đối với đường tiêu hóa, hiện nay, các nhà bào chế thường phối hợp paracetamol với các hoạt chất trên nhằm tăng thêm hiệu quả đồng thời giảm thiểu tai biến.
Bên cạnh những bệnh nhiễm theo mùa, trong sinh hoạt, chúng ta cũng thường đối diện với những đau đớn do chấn thương hoặc những bệnh thông thường khác. Trợt té vài bậc thang, một cơn đau nhức xuất hiện ở khớp gối hay ở bàn chân sau một buổi tập luyện thể dục thể thao quá hăng say, hay có khi là những cơn đau thắt lưng đến và đi nhiều khi không báo trước cũng là những lý do khiến ta phải cầu cứu tới thuốc men và các loại dầu xoa bóp hoặc cao dán... Thiết nghĩ, đối với những tình huống như thế, hầu hết chúng ta đều có thể “tự xử” một cách nhẹ nhàng và đơn giản.
Và lưu ý khi sử dụng
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng các loại thuốc kháng viêm giảm đau là không bao giờ cố kéo dài thời gian sử dụng thuốc quá 5 - 10 ngày mà không có tư vấn của thầy thuốc. Đối
với trường hợp sốt cao, paracetamol hay acetaminophen luôn là sự lựa chọn đầu tiên nhờ hiệu quả và độ an toàn. Các loại thuốc kháng viêm như ibuprofen, naproxen, aspirin tuy cho kết quả giảm đau và hạ sốt nhanh nhưng dễ gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa hay loét đường tiêu hóa, do đó không được dùng cho người bị sốt xuất huyết, người có tiền sử bệnh tiêu hóa như viêm hay loét dạ dày, thuốc cũng có thể gây dị ứng hay cơn hen cấp tính nặng cho người có cơ địa dị ứng hay hen suyễn...
Các loại thuốc kháng viêm cổ điển khác và các thuốc thế hệ mới hiện chưa được khuyến cáo cho sử dụng không qua ý kiến bác sĩ vì những lý do an toàn cho người dùng.
Lưu ý chung cho mọi trường hợp, đó là nên chú ý và đưa người bệnh đến khám tại cơ sở y tế gần nhất khi thấy sau 3 ngày dùng thuốc mà bệnh không thuyên giảm, trái lại có vẻ mệt hơn hoặc xuất hiện thêm triệu chứng mới như mệt lả, nôn ra máu, tiêu phân đen, khó thở… Trước khi cần đến thuốc, nên bắt đầu bằng các biện pháp ngoài thuốc như chườm mát cho người bị sốt, nghỉ ngơi cho người bị đau hay mệt mỏi, chườm đá vùng cơ thể bị chấn thương… Trước khi uống thuốc, nên xem kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Cuối cùng, xin đừng ngần ngại xin ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay nhân viên y tế khi cần.
(BV Nguyễn Tri Phương, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học TP. HCM)