Hành hương mang theo túi thuốc
Mùa xuân là thời điểm đông người cùng nhau trẩy hội, lên chùa cầu bình an, may mắn. Người hành hương nên lưu ý có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe trong chuyến đi như: phương tiện vận chuyển, thời tiết, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, bệnh tật có trước đó...
Mùa xuân là thời điểm đông người cùng nhau trẩy hội, lên chùa cầu bình an, may mắn. Người hành hương nên lưu ý có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe trong chuyến đi như: phương tiện vận chuyển, thời tiết, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, bệnh tật có trước đó...
Người mắc bệnh phổi khi hành hương nhớ tránh hít nhiều khói nhang (ảnh có tính minh họa) - Ảnh: T.T.D. |
Ông B.A.T., 54 tuổi, bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Sau khi leo nhiều bậc thang lên đến chùa và vào chính điện khấn phật thì lên cơn khó thở. Người nhà nhanh chóng đưa ông ra ngoài và cho ngửi thuốc giãn phế quản nên cơn khó thở mới qua khỏi. Nguyên nhân làm ông T. khó thở là do gắng sức khi lên dốc và ngửi quá nhiều khói nhang.
Một số bất thường về sức khỏe có thể xuất hiện trong chuyến đi, ngay cả ở những người khỏe mạnh. Ví dụ như:
Say tàu xe gây ngầy ngật, chóng mặt và ói mửa.
Huyết khối tĩnh mạch chân do ngồi lâu, cục máu đông từ đây có thể trôi dạt về tim lên phổi gây thuyên tắc phổi, nếu nặng có thể gây chết người.
Mất nước do nhịn khát vì sợ mắc tiểu gây bất tiện, do bệnh đái tháo đường.
Bệnh truyền nhiễm (cảm cúm, tiêu chảy...).
Chấn thương (bong gân, rách da, té gãy xương...).
Đem theo thẻ bảo hiểm
Chuẩn bị trước là điều cốt yếu, thậm chí cần thiết cả cho người khỏe mạnh. Nên mang theo túi thuốc chứa các vật dụng sơ cứu như cồn sát trùng, bông băng, gạc vô trùng; thuốc giảm đau hạ sốt như paracetamol; thuốc trị cảm mạo, trung hòa dịch vị; thuốc chống say tàu xe; kháng sinh; thuốc cầm tiêu chảy loperamide; thuốc thoa ngoài da chữa côn trùng đốt; thẻ bảo hiểm y tế để sử dụng khi cần.
Với những người có sẵn bệnh nên đi bác sĩ kiểm tra lại trước khi khởi hành để chắc chắn tình trạng bệnh của mình đang ổn định, có cần thay đổi thuốc hay không.
Viết chi tiết các thông tin về bệnh tật, bao gồm: thuốc men đang dùng, kết quả xét nghiệm chẩn đoán mới nhất, phương pháp trị liệu. Những người dễ bị bất tỉnh thình lình như mắc bệnh đái tháo đường, động kinh, dị ứng nặng...nên mang vào tay hoặc vào cổ thẻ y khoa chứa thông tin cá nhân, tóm tắt bệnh tật và hướng xử trí khi bất tỉnh, để người cùng đi biết cách giúp đỡ khi cần thiết.
Nhớ mang theo thuốc đầy đủ suốt thời gian hành hương vì các thuốc này thường khó mua ở vùng xa xôi hẻo lánh.
Tránh khó thở và hạ đường huyết
Đau thắt ngực không nên hành hương Người bị bệnh đau thắt ngực, suy tim, rối loạn nhịp tim khi nghỉ ngơi hoặc khi gắng sức nhẹ, nhồi máu cơ tim trong vòng sáu tuần... không nên đi hành hương. Người được đặt trong cơ thể các giá đỡ nong động mạch vành, thiết bị phá rung, máy tạo nhịp... bằng kim loại, không nên tiếp xúc máy kiểm tra an ninh (khi đi máy bay) quá 15 giây để tránh bị nhiễu. Người bị tăng huyết áp nên đem theo máy đo huyết áp và thuốc hạ áp khẩn cấp dạng ngậm dưới lưỡi. |
Với người mắc bệnh suyễn, COPD, khí phế thũng... có thể di chuyển an toàn bằng ôtô, xe lửa, tàu thủy. Tuy nhiên, nếu đi máy bay có thể bị khó thở do lên cao không khí loãng đi.
Các bệnh nhân này triệu chứng sẽ xấu đi nếu hành hương đến những vùng không khí lạnh, bị ô nhiễm, hoặc do hít khói nhang nồng nặc ở nơi thờ cúng. Vì vậy cần mang theo thuốc giãn phế quản dạng xịt và corticoid để kiểm soát bệnh.
Với những người mắc bệnh đái tháo đường, cần kiểm soát tốt đường huyết trước khi hành hương. Nên đem theo máy thử đường huyết, thuốc men, luôn mang bên người bánh ngọt và kẹo để phòng ngừa khi bị hạ đường huyết.
Nếu đang sử dụng thuốc insulin chích, không nên chích cách quá xa bữa ăn dễ gây tụt đường huyết (tốt nhất là trước khi ăn 30 phút). Khi chuyến đi kéo dài nhiều ngày không thể bảo quản insulin trong tủ lạnh, nên để thuốc insulin chỗ mát, tránh ánh nắng và nơi nhiệt độ cao.
Một số người bệnh khi đi hành hương thấy dùng insulin gây bất tiện nên tự ý đổi từ dạng chích sang uống thuốc viên hạ đường huyết, hoặc ngưng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ, đây là điều không nên.
Trong thời gian hành hương, nên thường xuyên kiểm tra đường huyết nếu có thể. Bởi vì các hoạt động thể lực và chế độ ăn uống thường ngày bị đảo lộn so với ở nhà vì thế khó kiểm soát đường huyết. Nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày, tránh đi chân trần để phòng ngừa tổn thương và nhiễm trùng bàn chân. Người bệnh cũng cần uống đủ nước hằng ngày để tránh cơ thể bị mất nước.
(Theo Tuổi Trẻ)