Glucocorticoid dùng ngoài - Thận trọng không thừa
Hiện nay, các thuốc glucocorticoid dùng để bôi ngoài được sử dụng khá nhiều trong điều trị và nhiều người tự mua ngay cả khi không có đơn của thầy thuốc. Tình trạng lạm dụng các glucocorticoid bôi ngoài đã đến mức báo động do sự thiếu hiểu biết của người dân cũng như sự lạm dụng thuốc từ phía các thầy thuốc kê đơn.
Hiện nay, các thuốc glucocorticoid dùng để bôi ngoài được sử dụng khá nhiều trong điều trị và nhiều người tự mua ngay cả khi không có đơn của thầy thuốc. Tình trạng lạm dụng các glucocorticoid bôi ngoài đã đến mức báo động do sự thiếu hiểu biết của người dân cũng như sự lạm dụng thuốc từ phía các thầy thuốc kê đơn.
->> Glucocorticoid và những điều nên biết
Glucocorticoid (GC) tự nhiên là hormon do tuyến vỏ thượng thận sản xuất, gồm hai chất là hydrocortison và cortison, có vai trò quan trọng trong điều hòa chuyển hóa các chất. GC có rất nhiều tác dụng, tuy nhiên khi nói đến các chế phẩm có chứa GC dùng tại chỗ là chủ yếu nói đến tác dụng chống viêm và chống dị ứng của thuốc. Cơ chế tác dụng của thuốc lên da và tổ chức dưới da GC chống lại các biểu hiện của quá trình viêm, dị ứng dù do bất kỳ nguyên nhân gì (cơ học, hóa học, nhiễm khuẩn, tia xạ, miễn dịch), có được tác dụng đó là do GC làm giảm tác dụng hoặc ức chế các chất trung gian gây viêm như các cytokin (interleukin, TMF, GM-CSF) ecosanoid (Prostaglandin, leukotrien) giảm phóng thích histamin từ tế bào mast; Làm giảm sự tập trung của bạch cầu tại ổ viêm như neutrophil, đại thực bào và giảm cả hoạt tính của các bạch cầu này; GC còn làm giảm chức năng của nguyên bào sợi, do đó làm giảm sản xuất collagen và glycosaminglycan, do đó giảm sự hình thành mô liên kết. Điều này góp phần ức chế quá trình viêm mạn tính nhưng cũng làm chậm lành vết thương. Ngoài ra, GC làm giảm số lượng bạch cầu lympho, ức chế chức năng thực bào, ức chế sản xuất kháng thể và các thành phần bổ thể, ức chế giải phóng và tác dụng của các enzym tiểu thể, ức chế hóa hướng động và sự di chuyển của bạch cầu, do đó nó có tác dụng ức chế miễn dịch, nhưng điều đó làm mất đi đáp ứng viêm có tính chất bảo vệ, làm giảm khả năng đề kháng nên dễ nhiểm khuẩn, nhiễm nấm. Vì vậy, trong điều trị một số bệnh về da, người ta sử dụng GC để ngăn cản sự phát triển của các tổ chức sừng. Thuốc còn được dùng trong các trường hợp dị ứng, các bệnh liên quan đến phản ứng dị ứng như mày đay, viêm da tiếp xúc... Các GC bôi ngoài có tác dụng giảm viêm nhờ co mạch, ức chế chức năng bạch cầu và thay đổi phản ứng miễn dịch. Những lưu ý khi sử dụng Rất nhiều người bao gồm cả bệnh nhân lẫn không ít bác sĩ vẫn lầm tưởng sử dụng GC bôi ngoài là an toàn. Nhưng thực tế, dùng bôi ngoài vẫn bị các phản ứng có hại như thuốc dùng đường uống. Các bệnh viêm da do các nguyên nhân khác nhau như viêm da dị ứng, bệnh lở da, các vết côn trùng cắn... thường được chỉ định sử dụng GC bôi ngoài, nhưng cả thầy thuốc cũng như người bệnh thường ít chú ý đến những tác dụng phụ khi bôi thuốc trên diện rộng và dùng kéo dài. Nhiều trường hợp bôi thuốc xong còn băng kín lại nên có khả năng thuốc thấm vào máu, gây tác dụng toàn thân không kém gì dùng đường uống. Nhiều trường hợp đã bị teo da khi bôi ở mặt hoặc vùng quanh miệng. Khi bôi thuốc ở vùng khuỷu tay, chân kéo dài, GC cũng gây ra tình trạng da ban đỏ thứ phát hoặc mất sắc tố da từng phần. Chọn thuốc theo độ mạnh và dạng bào chế: Loại tác dụng mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và bôi ở diện hẹp với các trường hợp như sẹo lồi, bệnh vảy nến, lupus. Các trường hợp cần bôi trên diện rộng hoặc dùng cho trẻ em cần chọn chế phẩm có GC hoạt lực yếu hơn. Các dạng bào chế cũng rất quan trọng. Thuốc mỡ thích hợp cho các loại da khô, sần sùi, bị sừng hóa. Dạng kem thường dùng cho các tổn thương có dịch rỉ ra hoặc bôi vào các hốc sâu trong cơ thể. Dạng gel hoặc thuốc xịt thường dùng cho các vùng da bị tổn thương có nhiều lông như da đầu hoặc các vùng nách, bẹn. Người sử dụng chỉ được bôi 1 - 2 lần trong ngày cách đều nhau và không nên dùng quá 1 tuần. Chỉ băng vết bôi lại khi thật cần thiết và nếu băng phải theo dõi cẩn thận, không được để vết thương đã bôi thuốc bị băng chặt kéo dài. Những tác dụng không mong muốn cần chú ý GC được dùng trị bệnh về da như vẩy nến, eczema, bỏng da do ánh nắng mặt trời hay do nhiệt, viêm da dị ứng… Các tác dụng không mong muốn lại có rất nhiều như teo da, mỏng da, da ửng đỏ hoặc có nhiều vết lằn, có vết bầm và giãn mạch, làm trầm trọng trứng cá đỏ (Rosacea), mất sắc tố da từng phần, che đậy nhiễm khuẩn và xuất hiện nấm da. Do đó, với các thuốc GC dùng ngoài da, không được dùng trong các dạng ngứa không phải do viêm vì GC không phải là thuốc chống ngứa, không được dùng chữa mụn vì có thể gây những tác dụng phụ có hại, không được dùng trị trứng cá đỏ, nấm da, không được dùng bôi chỗ trầy xước. Các tác dụng có hại như ảnh hưởng đến sự tăng trưởng ở trẻ em, gây xốp xương, làm loét dạ dày tá tràng, ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận, cần phải luôn luôn được lưu ý nếu sử dụng kéo dài các GC, kể cả dạng thuốc bôi ngoài. Hiện nay, các GC bôi ngoài hoặc dùng để nhỏ mắt, nhỏ mũi có khá nhiều trên thị trường. Bên cạnh các tác dụng tích cực thì những tác dụng không mong muốn của thuốc cũng rất nhiều, vì vậy người dân không nên tự ý mua thuốc bôi hoặc nhỏ mắt có GC nếu không có chỉ định của thầy thuốc.Cơ chế tác dụng của GC.
Cần thận trọng khi dùng thuốc có chứa GC.
( Theo ThS.Nguyễn Thu Hiền // Báo Sức khỏe đời sống Online )