Khi mới ra đời, fluoxetin được coi là thuốc chống trầm cảm huyền thoại dùng để giải lo âu như một thuốc an thần và đã tạo ra sự lạm dụng trong giới trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau này cho biết, fluoxetin chỉ thực sự có hiệu quả trên một số dạng trầm cảm và là thuốc không dễ dùng...
Chỉ định và cách dùng của thuốc
Fluoxetin có một số chỉ định nhất định, với cách dùng chặt chẽ trong các trường hợp sau:
Điều trị trạng thái trì trệ kết hợp với lo âu: Sự trì trệ lo âu bao hàm ít nhất 4 trong 8 triệu chứng (thay đổi sự ngon miệng, thay đổi giấc ngủ, tâm thần vận động bối rối, chậm chạp, mất hứng thú hoạt động thông thường, giảm tính dục, tăng sự suy yếu, cảm thấy mình có lỗi, vô dụng, giảm sự tập trung, suy nghĩ chậm hoặc có ý nghĩ hay cố gắng tự sát). Trong điều trị ngoại trú, chỉ định này chỉ áp dụng cho người trên 18 tuổi và hiệu lực chỉ có sau 5 - 6 tuần điều trị. Nếu dùng quá thời gian này, cần phải đánh giá lại lợi ích của thuốc.
Điều trị trạng thái rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD): Hiệu lực của thuốc chỉ có sau 3 - 5 tuần dùng thuốc.
Ngoài ra, thuốc còn dùng trong trạng thái rối loạn hoảng sợ (PD), trạng thái rối loạn sau chấn thương (PTSD) nhưng hiệu quả không cao.
Như vậy, fluoxetin có những chỉ định khá chặt chẽ chứ không phải dùng cho mọi dạng trầm cảm, liều cho mỗi chỉ định cũng khác nhau (nếu không khám mà tự dùng rất dễ dùng sai, không đúng liều). Mặt khác, fluoxetin phải có một thời gian nhất định mới có hiệu lực đầy đủ (nếu nôn nóng muốn thấy hiệu quả tự tăng liều có thể bị tác dụng phụ).
Khi mới ra đời, thuốc được nhiều người trẻ dùng để giải lo âu như một thuốc an thần. Tuy nhiên, ngay với những chỉ định nêu trên thì tính hiệu lực và an toàn cho người dưới 18 tuổi chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Khám, tư vấn cho bệnh nhân trầm cảm.
Những bất lợi...
Các tác dụng không mong muốn của fluoxetin không hề ít hơn các thuốc chống trầm cảm khác:
Khoảng cách giữa liều dùng và liều độc của thuốc khá rộng: Do ưu thế này, khi mới lưu hành, fluoxetin được đánh giá có tính an toàn hơn nhóm thuốc trầm cảm 3 vòng. Tuy nhiên, những nghiên cứu lâm sàng rộng lớn sau này cho thấy fluoxetin có tác dụng phụ không ít hơn và cũng không nhẹ hơn nhóm thuốc này. Đáng chú ý, trên một nghiên cứu ở 4.000 người dùng cho hay có 15% phải buộc ngừng thuốc do các tác dụng không mong muốn bao gồm: gây nhức đầu choáng váng, bồn chồn lo âu mất ngủ, giảm sự tập trung, giảm khả năng suy nghĩ phán xét, giảm các hoạt động; hạ thấp ngưỡng động kinh gây run; giảm tình dục khó xuất tinh, liệt dương; mệt mỏi suy nhược. Khi mới dùng fluoxetin còn rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy và gây phát ban da, ngứa.
Fluoxetin gây tích lũy, chậm thải trừ: Người bình thường sau một đợt dùng thuốc hoạt tính của thuốc và các chất chuyển hóa còn kéo dài đến 35 ngày. Khi dùng một liều đơn, người suy giảm chức năng hay bị bệnh gan, chu kỳ bán hủy là 6 - 7 ngày. Với người suy giảm chức năng hay bị bệnh thận, sự tích lũy fluoxetin tăng cao hơn so với người bình thường. Điều này gây nên các tác hại tiềm ẩn khi dùng, đặc biệt là khi dùng với các thuốc có tương tác với fluoxetin.
Có nhiều tương tác với các thuốc khác: Dùng chung với các thuốc trầm cảm khác, fluoxetin làm tăng nồng độ máu của các thuốc này, gây độc. Ví dụ, dùng fluoxetin chung với các thuốc IMAO hoặc mới ngừng dùng fluoxetin đã dùng IMAO thì bị sốt, thiếu linh động, co giật cơ, tính không ổn định, khép kín với khả năng thay đổi thất thường dấu hiệu sống, có trạng thái tâm thần bối rối tột độ tới mê sảng, hôn mê. Một vài trường hợp có hội chứng ác tính giống như thuốc an thần kinh đặc trưng. Với lithi, khi dùng chung, fluoxetin có thể làm giảm hay tăng lithi máu; cả hai trường hợp đều gây hại. Fluoxetin làm giảm sự thải trừ, tăng nồng độ diazepam máu, gây độc. Hay khi dùng với các thuốc có gắn kết yếu với protein huyết tương thì fluoxetin đẩy các thuốc này ra khỏi phức liên kết, làm cho nồng độ máu của các chất này tăng lên (như trường hợp coumarin, digitoxin). Khi dùng với các thuốc có gắn kết mạnh với protein huyết tương thì các thuốc này đẩy fluoxerin ra khỏi phức liên kết, làm cho nồng độ máu của fluoxetin tăng. Cả hai trường hợp này đều gây độc.
Dùng sao cho an toàn?
Để dùng thuốc này an toàn, chỉ dùng trong các chỉ định cho phép, không lạm dụng cho các dạng trầm cảm khác. Nếu dùng kéo dài (trên 5 tuần), phải định kì kiểm tra, điều chỉnh liều (nếu cần thiết). Khi dùng thuốc, cần kiên nhẫn chờ hiệu quả sau một thời gian (khoảng từ 3 - 5 tuần), không nôn nóng tăng liều. Không dùng cho người dưới 18 tuổi. Không dùng cho người có tiền sử hay đang bị động kinh. Cân nhắc khi dùng cho người suy giảm chức năng hay bị bệnh suy gan, suy thận. Không được dùng chung với IMAO, nếu dùng phải nghỉ dùng IMAO đủ 14 ngày mới được dùng fluoxetin.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.