Thuốc chẹn beta giao cảm trong điều trị suy tim mạn Những lưu ý khi dùng
Các thuốc điều trị suy tim là những thuốc làm tăng cung lượng tim bằng cách tác động vào các yếu tố ảnh hưởng. Phác đồ kinh điển trong điều trị suy tim như dùng các chế phẩm của digitalis (để tăng sức co bóp cơ tim), thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi niệu (để giảm ứ muối, ứ nước), thuốc giãn mạch (giảm tiền gánh, hậu gánh). Ngày nay, người ta thường phối hợp thêm một số thuốc chẹn beta giao cảm trong điều trị suy tim mạn tính.
Suy tim là trạng thái bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu ôxy cho cơ thể trong các trạng thái sinh hoạt của người bệnh. Một trong những thông số biểu hiện hoạt động của tim là cung lượng tim. Cung lượng tim phụ thuộc vào 4 yếu tố: tiền gánh, hậu gánh, sức co bóp và tần số tim. Trong suy tim, vấn đề cơ bản là cung lượng tim không đảm bảo cung cấp máu cho nhu cầu cơ thể, khi đó cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cơ chế bù trừ như: tại tim, hệ thần kinh giao cảm được kích thích để làm tăng sức co bóp của cơ tim, tăng tần số tim nhằm làm tăng cung lượng tim. Ngoài tim, sự hoạt hóa của nhiều hệ thống thần kinh thể dịch đảm bảo tưới máu cho những nội tạng cần thiết, đồng thời các nội tạng ít quan trọng sẽ nhận được ít máu hơn. Các hệ thống ngoài tim làm tăng hoạt tính của hệ giao cảm ngoại biên, hệ rennin-angotensin-aldosteron (RAA), làm tăng giải phóng arginin-vasopressin để duy trì cung lượng tim.
Người bệnh suy tim cần thận trọng trong việc dùng thuốc.
Cơ chế tác động của thuốc
Các thuốc chẹn beta giao cảm thường dùng trong điều trị suy tim mạn như propranolop, alprenolop, oxprenolop, acebutolop, practolop... Qua các nghiên cứu cho thấy, sự gia tăng của noradrenalin lâu dài sẽ dẫn đến giảm lưu lượng máu qua động mạch vành gây thiếu ôxy mô cơ tim. Khi dùng các thuốc chẹn beta giao cảm sẽ làm giảm các catecholamine, các thụ thể sẽ được bảo vệ. Vì thế, vai trò của thuốc chẹn beta giao cảm trong điều trị suy tim mạn là giảm trương lực giao cảm, giảm hậu quả xấu của noradrenalin, làm giảm thiếu máu cục bộ cơ tim. Ngoài ra, thuốc có tác dụng cải thiện chức năng thất trái.
Trên các bệnh nhân có tăng huyết áp, thuốc làm giảm tính tự động của nút xoang và các ổ chủ nhịp tiềm tàng khác nên giảm các đáp ứng giao cảm của cơ thể khi gắng sức hoặc bị stress. Do vậy, huyết áp sẽ không bị tăng đột ngột.
Một số thuốc như propranolop, alprenolop, oxprenolop làm ổn định màng tế bào nên làm giảm tính tự động, giảm dẫn truyền, tăng tính trơ của tế bào cơ tim. Các thuốc acebutolop, practolop ức chế chọn lọc beta 1 adrenergic của tim, không có tác dụng trên beta 2 adrenergic nên không gây co thắt khí phế quản, không gây co mạch.
Và lưu ý khi sử dụng
Các thuốc chẹn beta giao cảm đều được hấp thu qua đường uống gần như hoàn toàn. Các thuốc hòa tan nhiều trong nước như nadolop, atenolop, sotalop được đào thải gần như hoàn toàn qua thận, vì vậy những bệnh nhân bị suy thận khi dùng thuốc dễ bị ứ đọng. Các thuốc tan trong lipid như: propranolop, penbutolop, labetalop được đào thải gần hoàn toàn qua mật, do vậy độ thanh thải của thuốc giảm khi dùng ở bệnh nhân suy gan.
Khi sử dụng các thuốc chẹn beta giao cảm trong điều trị suy tim cần một số lưu ý như: dùng cho bệnh nhân suy tim nhẹ và vừa, chỉ dùng khi bệnh nhân đã được điều trị nền bằng thuốc lợi tiểu, ức chế men chuyển, digitalis và không còn các dấu hiệu ứ dịch (phù, gan to, tràn dịch các màng). Không dùng cho các trường hợp hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), nhịp chậm, suy nút xoang.
Dùng liều nhỏ, từ từ tăng dần liều, không dùng thuốc chẹn beta giao cảm cho bệnh nhân có nhịp chậm (dưới 60 lần/phút) và huyết áp tối đa dưới 90mmHg, block nhĩ thất độ 2, 3, hen phế quản. Ngoài ra, thuốc có kích thích trên đường tiêu hóa nên không dùng cho bệnh nhân bị loét dạ dày, tá tràng.
Do thuốc có tác dụng kéo dài thời gian trơ có hiệu lực của nút nhĩ thất nên các thuốc chẹn beta giao cảm có tác dụng chống loạn nhịp. Do vậy, khi dùng cùng với các thuốc chống loạn nhịp khác sẽ làm giảm sức co bóp cơ tim, giảm tính dẫn truyền và giảm nhịp tim.
Theo SKDS