Tác dụng phụ của thuốc hạ sốt nhét hậu môn
Hạ nhiệt lại tăng tiêu chảy
Thấy con gái 3 tuổi bị sốt, như thường lệ chị Thanh Ngọc ở Hưng Yên liền mua ngay thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho con. Đặt thuốc đều đặn ngày 3 lần, cơn sốt giảm hẳn nhưng đến ngày thứ 2 thì cháu bị đi ngoài.
Bình thường chị chỉ đặt vài liều là cắt đứt cơn sốt nên lần này chị cũng không đưa con đến cơ sở y tế vì sợ đông mà đặt thuốc như mọi khi. Khi thấy con chưa hạ sốt lại thêm đi ngoài, chị vội vàng đưa con đi khám thì mới biết đấy là tác dụng phụ do lạm dụng thuốc hạ sốt đặt hậu môn.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thì khi trẻ bị sốt không nên lạm dụng thuốc nhét hậu môn vì thuốc có thể gây tác dụng phụ. Tốt nhất đo nhiệt độ chính xác rồi cho trẻ uống thuốc hàm lượng phù hợp, đủ liều lượng, trường hợp bất đắc dĩ mới phải đặt thuốc nhưng cũng chỉ nên đặt vài lần.
Nếu đặt thuốc hậu môn cho trẻ vài ngày mà trẻ có triệu chứng đi ngoài thì cần dừng ngay. Bởi đặt thuốc trong trạng thái trẻ đi ngoài thuốc sẽ không có tác dụng do thuốc bị đào thải ngay ra ngoài, thậm chí còn có nguy cơ gây ngộ độc, kích thích tại chỗ.
Con chị Ngọc không phải trường hợp duy nhất, rất nhiều trẻ khác cũng bị đi ngoài, tiêu chảy, viêm trực tràng do cha mẹ quá lạm dụng thuốc đặt hậu môn để hạ sốt cho con.
Ngay từ nhỏ bé Tuấn Đạt, 3 tuổi, con chị Hương ở Hoài Đức, Hà Nội đã không chịu uống thuốc. Cứ mỗi lần mẹ cho uống thuốc là bé lại khóc ngặt, nôn ói hết ra ngoài. Khi sốt, bé quấy, khóc, không uống được thuốc nên khó hạ cơn sốt nên bé càng khó chịu và quấy nhiều hơn khiến mẹ mệt con mệt. Không thể uống thuốc để hạ sốt, mẹ bé chuyển sang dùng thuốc đặt hậu môn cho con. Từ đó, mỗi lần bị sốt, bé Đạt lại được mẹ đặt thuốc. Trước đây cần đặt 1 - 2 lần là khỏi, thì bây giờ phải đặt mấy ngày liền mới cắt được cơn sốt.
Lần sốt cao gần đây nhất, chị Hương đã phải dùng thuốc hàm lượng cao đặt cho con nhưng con vẫn sốt kèm theo đi ngoài ra máu. Đưa con đi viện khám, bác sĩ kết luận bé bị viêm trực tràng.
Trẻ bị sốt uống thuốc tốt hơn nhét thuốc hậu môn
Tâm lý chung, khi trẻ bị sốt các phụ huynh liền mua ngay đến thuốc đặt hậu môn hạ sốt vì cho rằng uống thuốc hại dạ dày, hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, thuốc đặt chưa hẳn đã là phương pháp an toàn, thậm chí lạm dụng thuốc còn kèm theo tác dụng phụ nguy hiểm.
Thân nhiệt ở trẻ em không cố định mà có thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Khoảng thân nhiệt bình thường của trẻ từ 36,5 - 37,5 độ C. Khi thân nhiệt trên 37,5 độ C là trẻ có biểu hiện sốt và sốt cao khi nhiệt độ trên 38,5 độ C.
Tuy nhiên, không phải cứ thấy trẻ nóng đầu, sốt nhẹ là cho dùng thuốc. Thuốc hạ sốt chỉ nên dùng khi trẻ bị sốt cao từ 38 độ C trở lên hoặc trẻ có dấu hiệu co giật, có tiền căn động kinh, có anh/em cũng từng bị sốt co giật.
Bác sĩ Dũng cho biết, thông thường thuốc hạ sốt sẽ có tác dụng sau 15-30 phút sau khi uống. Trong lúc đợi thuốc có tác dụng, phụ huynh có thể lau mát cho trẻ. Nếu sau khoảng thời gian đó và đã lau mát rồi nhưng trẻ vẫn còn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Thuốc hạ sốt đặt hậu môn chỉ nên dùng đối với trẻ nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà không muốn đánh thức trẻ dậy thì có thể dùng thuốc nhét hậu môn.
Tuy nhiên, hoàn toàn không nên lạm dụng thuốc đặt hậu môn vì có thể gây tác dụng phụ như ngộ độc do quá liều, kích thích tại chỗ, dùng lâu ngày có thể gây viêm trực tràng. Vì thế, nên uống thuốc thay thế đặt càng sớm càng tốt cho sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, không dùng thuốc hạ sốt đặc hậu môn khi trẻ bị dị ứng paracetamol, có bệnh nặng ở gan, bị viêm hậu môn, chảy máu trực tràng, bị tiêu chảy.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ uống thêm thuốc hoặc vừa uống thuốc vừa đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn trẻ. Việc làm này sẽ gây quá liều, ảnh hưởng đến sức khỏe và không an toàn cho trẻ.
Theo TTVN