Các thuốc giảm đau, chống viêm thường được sử dụng trong điều trị các bệnh về xương khớp. Bên cạnh hiệu quả điều trị các thuốc đều có những tác dụng không mong muốn. Người bệnh cần nắm được các nguy cơ này để phòng, hoặc hạn chế các tai biến do thuốc gây ra…
Thuốc giảm đau paracetamol
Paracetamol (acetaminophen) là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường, được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa. Thuốc không được dùng cho người bệnh nhiều lần bị thiếu máu hoặc có bệnh nghiêm trọng về tim, phổi, thận hoặc gan; Người bệnh quá mẫn với paracetamol; Người bệnh thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase...
Ở liều điều trị, paracetamol tương đối không độc. Tuy nhiên, đôi khi người dùng gặp những phản ứng da gồm ban dát sần ngứa và mày đay, Những phản ứng mẫn cảm khác gồm phù thanh quản, phù mạch, và những phản ứng kiểu phản vệ ít khi xảy ra. Thuốc có thể gây độc cho gan (nhất là khi dùng liều cao, kéo dài). Việc uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của thuốc (nên tránh hoặc hạn chế uống rượu khi dùng thuốc).
Không được dùng paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi có ý kiến của thầy thuốc, vì đau nhiều và kéo dài như vậy có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị có giám sát bởi thầy thuốc.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
Đây là một trong những loại thuốc được sử dụng khá phổ biến trong các bệnh cơ-xương-khớp như viêm khớp, bệnh gút, thoái hoá khớp, viêm cơ… Cần lưu ý, thuốc chỉ có tác dụng chữa triệu chứng (viêm, đau) mà không chữa được nguyên nhân gây bệnh nên bên cạnh chữa triệu chứng phải tìm nguyên nhân để điều trị.
Tác dụng của thuốc là ức chế cyclo-oxygenase nên ức chế tổng hợp prostaglandin nên làm giảm đau và viêm. Một số thuốc thường dùng bao gồm ibuprofen, indometacin, naproxen, piroxicam, diclofenac, ketoprofen hay parecoxib, celecoxib, rofecoxib…
Tuy nhiên, mỗi NSAID là một chất hóa học khác nhau, và mỗi người lại có đáp ứng khác nhau với thuốc. Có những người bệnh đáp ứng bất cứ một thuốc NSAID nào, nhưng lại có những người có thể không đáp ứng với một thuốc này nhưng lại đáp ứng với một thuốc kia. Sự khác nhau giữa các thuốc NSAID chủ yếu là tỷ lệ và các biểu hiện của tác dụng không mong muốn.
Các tác dụng phụ của NSAID có thể từ nhẹ như kích ứng dạ dày đến nghiêm trọng bao gồm cả viêm loét, chảy máu và thủng dạ dày và ruột (nên người từ 65 tuổi trở lên, cũng như những người có tiền sử loét hoặc xuất huyết tiêu hóa, nên sử dụng NSAID một cách thận trọng).
Trong khi sử dụng thuốc nếu thấy có các biểu hiện sau đây thì phải ngừng thuốc ngay và báo cho thày thuốc biết. Đó là, dị ứng, ngứa mẩn, đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng dữ dội (thủng dạ dày), chảy máu cam, chân răng, dưới da, lên cơn hen, choáng váng, chóng mặt… Khi dùng thuốc chống viêm, giảm đau kéo dài, phải theo dõi chặt chẽ, phát hiện các tác dụng phụ, tai biến để kịp thời xử trí.
Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã cảnh báo, việc sử dụng lâu dài của các thuốc NSAID, hoặc sử dụng bởi những người có bệnh tim, có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Vì vậy, điều quan trọng là lựa chọn thuốc cho là an toàn nhất và hiệu quả nhất trong từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới tương tác giữa NSAID và các thuốc điều trị bệnh khác khi dùng cùng, vì NSAID có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của các thuốc đó. Vì vậy, cần thông báo cho bác sĩ, hoặc dược sĩ về các thuốc đang dùng trước khi dùng NSAID để tránh những tương tác bất lợi cho người bệnh.
Cũng cần lưu ý thêm, hầu hết các thuốc chống viêm, giảm đau đều có ảnh hưởng không tốt đến niêm mạc tiêu hoá, chức năng gan, thận và đông máu, do đó không dùng thuốc cho các đối tượng sau: loét dạ dày, tá tràng đang tiến triển, tiền sử hen phế quản, hiện tại đang có xuất huyết, suy thận, suy gan nặng. Không dùng cho trẻ < 6 tuổi, phụ nữ có thai, đang cho con bú.
Một số thuốc dạng kem, mỡ, gel hoặc thuốc dán dùng ngoài da (bôi hoặc dán vào chỗ đau) có chứa các chất có tác dụng giảm đau, viêm như salicylat, capsaicin, tinh dầu hoặc một số loại kháng viêm không steroid… cũng có tác dụng giảm đau, viêm trong một số trường hợp nhẹ và vừa và thích hợp với những người không dùng được thuốc giảm đau theo đường uống.
Nhóm kháng viêm corticoid
Do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch nên nhóm kháng viêm corticoid như prednisolon, cortisone, solumedrol, và hydrocortisone... được sử dụng để điều trị nhiều bệnh thấp khớp. Thuốc có thể được dùng dưới dạng uống, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trực tiếp vào khớp bị viêm đau hoặc có thể được dùng dưới dạng kem bôi da. Đây là các thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, nhanh nhưng lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, nên phải được dùng dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Dùng loại thuốc nào, liều lượng ra sao và thời gian dùng thuốc phụ thuộc vào chẩn đoán bệnh trên từng bệnh nhân cụ thể. Khi cần ngừng thuốc phải giảm liều từ từ, bệnh nhân không nên ngừng dùng thuốc đột ngột.
Một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như tăng sự thèm ăn, tăng cân... thường dừng lại khi ngưng thuốc. Khi sử dụng lâu dài có thể gây rạn da, loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm trùng và đục thủy tinh thể...
Cho đến nay, các corticoid vẫn là một nhóm thuốc quan trọng có phạm vi áp dụng điều trị rộng rãi. Để sử dụng an toàn và hiệu quả nhóm thuốc này, việc quan trọng là không tự dùng thuốc, hạn chế đến mức tối đa việc chỉ định sử dụng nhóm thuốc này. Khi bắt buộc phải dùng thì nên sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Không được sử dụng các chế phẩm có chứa corticoid khi bị nhiễm nấm hoặc virus. Phải theo dõi điều trị và theo dõi bệnh nhân cẩn thận trong và cả sau khi điều trị dài ngày, áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa các tác dụng phụ.
Có thể nói rằng trong dùng thuốc nói chung và các thuốc giảm đau, chống viêm các bệnh xương khớp nói riêng, người bệnh cần hiểu rõ về thuốc mình sử dụng và những tác dụng phụ có thể xảy ra do dùng thuốc để có biện pháp dự phòng, khắc phục, hạn chế thấp nhất tai biến do thuốc gây ra cho người dùng.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.