Kính thuốc - khó quản lý
Muốn tốt cho mắt phải… mang kính
Đây là lời khuyên của hầu hết các chủ cửa hàng sau khi đo mắt cho khách. Chỉ cần nói với họ rằng thời gian gần đây thấy mắt mỏi, nhìn mờ... là nhận được lời khuyên "cần phải đeo kính ngay”, nếu không sẽ hỏng mắt. Em H.A - sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội ấm ức: "Cách đây 3 tháng em ghé vào một cửa hàng kính mắt trên đường Trần Nhân Tông (Hà Nội) đo mắt và làm kính. Kết quả mắt phải cận 2 độ, mắt trái cận 2 độ 25. Cửa hàng bán cho em tròng kính Mỹ với giá 420.000 đồng/cặp. Sử dụng 6 ngày em thấy chóng mặt, buồn nôn, nhìn không rõ. Sau đó em đến BV Mắt Trung ương khám, đo lại mắt. Kết quả mắt phải của em chỉ cận 1 độ, mắt trái cận 1,5 độ. Anh ĐVH (42 tuổi, ở Nam Thành Công) tháng trước thấy mỏi mắt, nhân có việc đi qua phố Lương Văn Can ghé vào một hàng kính. Chủ cửa hàng đo mắt phán cận độ 1, phải đeo kính ngay. Trước đó đi khám, bác sĩ (BS) BV Mắt Hà Nội bảo anh bị viễn thị độ 1.
Hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng
Hiện nay, số người mắc tật khúc xạ như cận, loạn và viễn thị đang tăng, buộc phải sử dụng đến kính thuốc. Nhiều cửa hàng chớp cơ hội béo bở, không đủ điều kiện kinh doanh kính thuốc, không có chuyên môn, nghiệp vụ... cũng tự trang bị máy khám mắt, đo thị lực rồi cấp đơn mua kính tại chỗ. Qua tìm hiểu được biết, các loại kính mà họ bày bán đều được nhập không chính thức từ Ý, Pháp, Mỹ, Trung Quốc... Đặc biệt chất lượng kính hầu như không có kiểm định và quản lý giá. Nắm bắt tâm lý ham rẻ, lại hợp thời trang của người tiêu dùng, nhiều chủ cửa hàng nhập các loại kính "siêu rẻ” về bán.
Trong lần kiểm tra hoạt động kinh doanh của 19 cửa hàng dọc các tuyến phố Lê Duẩn (Hoàn Kiếm) và Bà Triệu, Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) cuối tháng 4 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 964 chiếc kính, gọng kính có dấu hiệu làm giả, mang nhãn hiệu Gucci, LV, D&G. Mở rộng kiểm tra tại các cửa hàng lân cận, lực lượng chức năng còn phát hiện và tạm giữ thêm 3.738 chiếc kính cùng 1.425 chiếc gọng kính không có hóa đơn chứng từ nghi là hàng lậu. Theo khai nhận của một chủ cửa hàng trên phố Lê Duẩn, phần lớn số hàng đang kinh doanh đều được thu gom trôi nổi trên thị trường với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/chiếc sau đó về dán nhãn mác giả và bán lại cho người tiêu dùng.
Các BS BV Mắt Trung ương cho biết: kính chưa được kiểm tra chất lượng sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng. Sau một thời gian sử dụng, kính sẽ bị biến chất làm cho mắt người đeo phải điều tiết liên tục, dẫn đến các tật về mắt như: cận thị, viễn thị… Ngoài ra, nếu việc mài lắp kính không chuẩn, kết hợp với mắt kính không đạt chất lượng… sẽ ảnh hưởng đến thị giác.
Quản lý chặt dịch vụ kinh doanh kính thuốc
Các cơ sở dịch vụ kính thuốc cũng là một dịch vụ y tế liên quan đến sức khoẻ của người dân. Vì vậy từ năm 2011, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu cơ sở kính thuốc phải có tối thiểu bằng Trung học y tế. Theo đó cơ sở dịch vụ kính thuốc nào không đáp ứng được điều kiện về người đứng đầu thì phải ngừng hoạt động. Ngoài ra, các cơ sở dịch vụ kinh doanh kính thuốc đó phải đáp ứng đủ mọi điều kiện khác như cơ sở trang thiết bị, có chứng chỉ về trang thiết bị y tế (thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt) do cơ sở được Bộ Y tế chỉ định đào tạo và cấp. Theo ý kiến của các BS nhãn khoa, ngoài qui định người quản lý có trình độ trung cấp y trở lên, mỗi cơ sở kinh doanh kính thuốc cần phải có một BS chuyên khoa mắt để bảo đảm chất lượng kính thuốc cho sức khoẻ của người dân. Để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho đôi mắt của mình, các BS nhãn khoa khuyên người dân nên đến đo khám tại BV chuyên về mắt hoặc những cơ sở cung cấp kính thuốc có đăng ký và có giấy phép của Sở Y tế tỉnh, thành phố....
Theo Đại đoàn kết