Thời tiết thay đổi thất thường, không khí bị ô nhiễm, bụi bặm... là những điều kiện hết sức thuận lợi cho bệnh lý tai - mũi - họng (TMH). Cũng chính vì sự thường gặp của bệnh lý TMH nên dường như đã dần hình thành thói quen tự ý sử dụng thuốc của bệnh nhân mà không cần tham khảo ý kiến của cán bộ y tế, chính vì vậy đã có không ít hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Anh H.T.L. (Bắc Ninh) bị viêm mũi xoang từ nhiều năm nay, chữa bằng bao nhiêu loại thuốc Đông, thuốc Tây, kết hợp cả thuốc uống lẫn thuốc xông mà bệnh không khỏi. Mỗi đợt viêm cấp, ngoài chuyện nghẹt mũi, hơi thở hôi hám, anh còn bị đau nhức đầu, chẳng tập trung làm được việc gì. Đã thế, bệnh còn lan sang cả tai khiến thời gian gần đây anh L. bị ù tai, điếc mũi. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm tai giữa, viêm đa xoang và mất khứu giác do dùng thuốc nhỏ mũi quá nhiều... Vì sao bệnh liên quan tới TMH lại lai rai đến vậy?
Cấu tạo TMH là các hốc thông với nhau và thông với bên ngoài do đó bệnh lý của TMH không phải là bệnh riêng từng bộ phận mà có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ phận khác. Khi bị viêm họng sẽ gây nên viêm mũi, viêm thanh quản vì họng - mũi - thanh quản thông với nhau; viêm họng - mũi lại thường là nguyên nhân gây viêm xoang.
TMH thông với bên ngoài nên bệnh học TMH chủ yếu liên quan đến môi trường với 2 yếu tố cơ bản là: nhiễm khuẩn và dị ứng, ngoài ra, yếu tố khác như nhiệt độ, thời tiết cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành bệnh lý ở đây. Bệnh lý của TMH vừa có thể ảnh hưởng đến các bộ phận, cơ quan khác mà rõ rệt nhất là của bộ máy hô hấp và tiêu hóa. Do đó, khi sử dụng thuốc trong TMH, những phản ứng, hậu quả do thuốc gây ra có thể nguy hiểm tức thời đến tính mạng, đến sinh hoạt và cuộc sống. Thuốc dùng trong TMH không chỉ tác động đến TMH mà có thể tác động đến toàn thân và nhiều bộ phận, cơ quan khác.
Dùng thuốc như thế nào cho đúng?
Thuốc dùng trong TMH rất đa dạng, có thể dùng theo đường tại chỗ hay toàn thân. Sử dụng thuốc trong điều trị các bệnh về TMH cũng tuân theo những nguyên tắc chung về sử dụng thuốc trong điều trị, tuy nhiên, do những đặc điểm khác biệt về bệnh học của TMH, sử dụng thuốc trong TMH cần lưu ý đến những điểm sau:
Các tai biến phản ứng toàn thân: Vì TMH là cửa ngõ của đường ăn, đường thở, có hệ mạch máu, thần kinh rất phong phú nên luôn nhớ khi sử dụng thuốc, ngay cả khi chỉ dùng thuốc tại chỗ cũng có thể gây các tai biến, phản ứng nguy hiểm. Ví dụ, khi nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh bằng thuốc naphazolin 0,1% có thể gây tử vong. Vì loại thuốc này có độ lan tỏa và co mạch quá mạnh làm co thắt các mạch máu não đột ngột. Hoặc dùng corticoid qua đường xịt mũi hay khí dung kéo dài sẽ gây xuất huyết đường tiêu hóa ở người có loét dạ dày, tá tràng...
Các tai biến, phản ứng phụ: Vì TMH có hệ thống thần kinh giao cảm phong phú nên các phản ứng phụ thường gặp đều có liên quan đến TMH như: chóng mặt, ù tai, buồn nôn. Các phản ứng phụ của thuốc nhiều khi khó tránh khỏi, do đó nếu dùng không đúng cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngay cả thuốc điều trị bệnh lý TMH cũng có thể gây tổn thương chức năng của chính nó. Do TMH là cơ quan giữ nhiều chức năng quan trọng nên cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng các thuốc có ảnh hưởng xấu đến chức năng của các cơ quan này. Nhiều trường hợp do dùng thuốc dẫn đến điếc, đặc biệt là kháng sinh thuộc nhóm aminozid như gentamycin. Cần lưu ý với người có mẫn cảm thì chỉ với lượng nhỏ như rắc, nhỏ vào tai cũng gây nên điếc tiếp âm, không có khả năng hồi phục. Các thuốc nhỏ mũi có Hg, As sẽ gây mất ngửi, thường là không hồi phục.
Các loại thuốc nhỏ mũi, thuốc xịt cũng gây tổn hại tới niêm mạc của các cơ quan này. Niêm mạc mũi xoang với hệ thống lông - nhày hoạt động rất tinh tế. Khi làm thay đổi pH, nhiệt độ, độ nhớt sẽ gây tổn hại niêm mạc. Các thuốc dùng dài ngày cũng gây tác hại lớn như nhỏ các thuốc co mạch (ephedrin, naphazolin) tuy đúng hàm lượng nhưng dùng nhiều lần, kéo dài liên tục sẽ gây viêm mũi do thuốc làm cho hệ thống tế bào trụ có lông chuyển không được thay thế, các mạch bị xơ cứng...
Gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch: Việc sử dụng thuốc kháng sinh, hạ nhiệt trong viêm mũi họng cấp tính thông thường làm cản trở việc tạo hệ thống miễn dịch hoặc tạo hệ thống miễn dịch không hoàn chỉnh. Ngược lại, nhỏ các loại dịch thuốc chưa được nghiên cứu kỹ (như thuốc đông dược, nước ép từ các loại cây lá tươi) có thể sẽ là cách vô tình đưa các dị nguyên vào cơ thể, nếu nhỏ liên tục thì các dị nguyên này sẽ tác động đến hệ thống miễn dịch và là nguyên nhân gây các phản ứng dị ứng sau này.
Gây kích thích, phản ứng tại chỗ: TMH là các cơ quan có bộ phận cảm giác rất nhạy cảm, do đó các thuốc dùng tại chỗ phải đảm bảo không gây kích ứng để tránh tổn hại niêm mạc hoặc các phản ứng bất thường nguy hại đến cơ thể. Ví dụ, nhỏ nước tỏi tươi ép vào mũi, họng để sát khuẩn sẽ gây nóng, rát, bỏng, tổn hại niêm mạc.
Theo SKDS