Truyền dịch là một liệu pháp điều trị được áp dụng hết sức rộng rãi ở mọi cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương, trong bệnh viện, bệnh xá và thậm chí ngay… tại nhà! Việc lạm dụng truyền dịch cũng như chưa quan tâm đầy đủ đến những mặt trái của truyền dịch dẫn đến nhiều biến chứng đáng tiếc, thậm chí tử vong…
Đối tượng nào cần truyền dịch?
Không phải người nào khi bị ốm cũng cần truyền dịch. Truyền dịch chỉ được áp dụng cho những trường hợp sau: Thứ nhất là cho những bệnh nhân mất nước cấp tính mà không thể bù được lượng dịch đã mất bằng con đường uống. Những trường hợp này là những bệnh nhân bị tiêu chảy cấp (tả, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn…); bệnh nhân nôn nhiều, bệnh nhân bị bỏng nặng, bệnh nhân sốt cao mất nước, bệnh nhân bị hẹp môn vị không ăn uống được... Mục tiêu của truyền dịch trong trường hợp này là bù đủ lượng dịch mà cơ thể đã bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể.
Trường hợp thứ hai là truyền dịch cho những bệnh nhân ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân không thể ăn trong những ngày đầu sau phẫu thuật ống tiêu hóa (như cắt dạ dày, cắt đoạn ruột…), bệnh nhân nặng, bụng chướng chưa có khả năng tiêu hóa thức ăn ở những khoa hồi sức cấp cứu, bệnh nhân cần một lượng calo lớn mà chế độ ăn qua đường tiêu hóa không cung cấp đầy đủ hoặc những bệnh nhân cần một chế độ ăn đặc biệt phải cung cấp qua những loại dịch truyền tĩnh mạch để nuôi dưỡng. Mục đích của truyền dịch trong trường hợp này là để nuôi dưỡng bệnh nhân.
Mục đích thứ ba của truyền dịch là truyền dịch có pha thuốc để điều trị như pha thuốc truyền các loại kháng sinh, hóa chất điều trị ung thư, các thuốc trợ tim, nâng huyết áp (như dopamin, dobutamin, adrenalin, noradrenalin), thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp trong một số bệnh lý cấp cứu… được chỉ định cho những bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, viêm phúc mạc, bệnh lý ung thư, suy tim, cơn tăng huyết áp cấp cứu… và cuối cùng, truyền dịch để nhằm mục tiêu điều trị như truyền albumin trong bệnh vàng da nhân não ở trẻ sơ sinh, truyền dịch để tăng thể tích nước tiểu (tăng bài niệu) trong một số bệnh lý nhiễm độc.
Những tai biến có thể gặp khi truyền dịch
Truyền dịch, cũng như tất cả các liệu pháp điều trị khác, đều có thể gây nên những tai biến với một tỷ lệ nhất định. Sốc phản vệ là tai biến đáng sợ và nguy hiểm nhất có nguyên nhân là do các thành phần trong dịch truyền, do thuốc pha trong dịch truyền gây nên. Tai biến này có thể xảy ra ngay khi vừa truyền dịch với những biểu hiện như tức ngực, khó thở, co thắt thanh quản, co thắt phế quản, vật vã, tím tái, mạch nhanh, huyết áp tụt… và bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Loại tai biến thứ hai, hay gặp hơn, đó là phù phổi cấp do truyền một lượng dịch quá nhiều hoặc truyền với tốc độ quá nhanh. Một lượng dịch khá lớn vào tim phải sẽ được bơm lên phổi và ứ tại đây do tim trái không kịp đẩy dịch ra ngoại biên và kết quả là dịch thoát vào phổi, ngăn cản quá trình trao đổi ôxy tại phổi gây suy hô hấp. Phù phổi cấp thường xảy ra sau khi một lượng khá lớn dịch đã được truyền vào bệnh nhân hoặc tốc độ truyền quá nhanh. Biểu hiện sớm nhất của tai biến này là mạch nhanh, tức ngực, khó thở, muộn hơn bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở dữ dội, tím môi đầu chi hoặc tái nhợt, ho, khạc bọt hồng, nghe phổi có nhiều rales ẩm hai bên, chụp Xquang phổi có đám mờ hình cánh bướm hai phế trường.
Loại tai biến thứ ba của truyền dịch đó là những biểu hiện dị ứng không phải sốc phản vệ. Những biểu hiện này có thể xảy ra sớm trong khi truyền dịch hoặc muộn hơn sau khi đã truyền xong dịch. Triệu chứng của dị ứng rất dễ phát hiện khi bệnh nhân cảm thấy khó chịu, bứt rứt, nổi mẩn ngứa khu trú hoặc toàn thân… Đây cũng là một tai biến có nguyên nhân do các thành phẩn trong dịch truyền hoặc do thuốc pha trong dịch truyền gây nên.
Truyền dịch cũng có thể gây nhiễm khuẩn tại chỗ đặt kim truyền hoặc nhiễm khuẩn toàn thân, thậm chí nhiễm khuẩn huyết hết sức nguy hiểm. Các loại dịch truyền luôn được sản xuất và bảo quản sao cho được vô khuẩn tuyệt đối nhưng trong một số trường hợp vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua bộ dây truyền dịch, chai dịch bị rò rỉ, bị nhiễm khuẩn, do sát khuẩn khu vực đặt kim truyền không đảm bảo... Biến chứng này xảy ra muộn hơn, thường là một vài ngày sau khi truyền dịch.
Mặc dù ít gặp, nhưng cũng phải kể đến những biến chứng khác có thể xảy ra khi truyền dịch như chảy máu, tụ máu nơi đặt kim truyền; tắc mạch phổi do để khí vào dây truyền; hạ thân nhiệt khi truyền dịch không được làm ấm vào mùa lạnh. Truyền dịch cũng có thể làm tăng đường máu (với dịch có chứa đường), làm tăng natri máu (với dịch có chứa muối)... ở một số đối tượng bệnh nhân đặc biệt.
Cần chú ý gì khi truyền dịch?
Cách tốt nhất để tránh những tai biến do truyền dịch là chỉ truyền dịch khi thực sự cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ. Để tránh những tai biến có thể gặp khi truyền dịch, cần phải chú ý một số điểm như truyền dịch với một số lượng vừa đủ và tốc độ truyền hợp lý; khi truyền dịch phải theo dõi thường xuyên tình trạng của bệnh nhân; phải luôn trang bị những phương tiện và thuốc cấp cứu sốc phản vệ như adrenaline; Truyền dịch phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện và khả năng xử trí những tai biến do truyền dịch trừ một số trường hợp đặc biệt cấp cứu phải truyền tại nhà bệnh nhân hoặc trên đường, trên phương tiện giao thông…; Tuyệt đối không nên lạm dụng truyền dịch ví dụ như chỉ truyền “nước biển” để hạ sốt, truyền đạm “hoa quả” (dịch truyền cung cấp một số loại vitamin) để cho khỏe hơn bởi vì trong nhiều trường hợp, những rủi ro đã xảy ra.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.