Hiện nay, công nghệ tổng hợp hóa dược đã tạo ra các dẫn chất được sử dụng rất phổ biến trong lâm sàng là các thuốc glucocorticosteroid tổng hợp có hoạt tính chống viêm và ức chế miễn dịch mạnh hơn chế phẩm hormon tự nhiên glucocorticoid.
Glucocorticoid - Con dao 2 lưỡi
Các glucocorticoid (GC) hay còn gọi là corticosteroid (vì có nhân steroid) tự nhiên là hormon do vỏ thượng thận bài tiết ra, có tác dụng duy trì nhiều chức năng sinh lý quan trọng của con người. Ngoài vai trò trên chuyển hóa các chất, hormon nhóm này còn có nhiều tác dụng khác như chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch...
Các GC được ví như con dao hai lưỡi vì những tác dụng phong phú của nó. Tác dụng điều trị của GC chỉ đạt được khi nồng độ thuốc ở trong máu cao hơn nồng độ sinh lý. Tác dụng trên chuyển hóa các chất được coi là tác dụng quan trọng nhất nhưng đó lại là những tác dụng không mong muốn trong điều trị một số bệnh vì trong quá trình dùng thuốc lại xuất hiện các bệnh mới như bệnh tăng đường huyết do thuốc, bị teo cơ, chậm liền sẹo khi dùng GC kéo dài, ảnh hưởng đến sự tạo xương, làm xốp xương, làm tăng lắng đọng mỡ, rối loạn phân bố mỡ gây hiện tượng Cushing (mặt tròn như mặt trăng), giữ muối - nước gây béo giả tạo... Các GC cũng tác dụng lên các mô liên kết do ức chế tổng hợp protein làm chậm liền sẹo và làm mỏng da do mất collagen. Tác dụng trên sự tạo máu của GC được lợi dụng trong điều trị ung thư bạch cầu hoặc làm tăng nhanh hồng cầu sau xạ trị hoặc hóa trị liệu chống ung thư.
Hội chứng Cushing do sử dụng không đúng glucocorticoid.
Trong thực hành điều trị bệnh khớp chủ yếu dùng thuốc GC với vai trò chống viêm và ức chế miễn dịch. Thường chỉ dùng GC trong một thời gian ngắn với liều lượng được giám sát chặt chẽ để điều trị viêm quanh khớp vai, đau thần kinh tọa mà các biện pháp điều trị nội khoa khác thất bại, bệnh gút không đáp ứng với colchicin và thuốc chống viêm không steroid, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp phản ứng. Hiện nay cũng rất hay dùng các GC được chọn lựa theo đường tại chỗ như các thuốc corticoid dạng nhũ dịch dùng để tiêm trong khớp hay cạnh khớp và các điểm bám gân trong các bệnh viêm khớp mạn tính không do nhiễm khuẩn mà sau điều trị bằng thuốc GC đường toàn thân vẫn còn tình trạng viêm đau. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có biện pháp vô khuẩn tuyệt đối để đề phòng tác dụng nguy hiểm gây nhiễm khuẩn tại chỗ tiêm.
Và những tác dụng không mong muốn (ADR)
Liệu pháp sử dụng GC nên được thông báo về nguy cơ và lợi ích cho bệnh nhân để đề phòng các ADR có thể xảy ra. Sử dụng GC liều thấp lâu dài trong điều trị các bệnh về khớp có thể gây nhiều tác dụng phụ, bao gồm tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương, xuất huyết tiêu hóa, loét đường tiêu hóa, đái tháo đường, nhiễm trùng, đục thủy tinh thể và rối loạn đáp ứng trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận. GC tiêm trong khớp thường có nguy cơ tổn thương gân, hoại tử xương, viêm bao hoạt dịch cấp, viêm khớp nhiễm khuẩn và tác dụng toàn thân. Liều GC nên được giảm nhanh chóng có thể để tới liều thấp nhất có hiệu quả khi phải dùng thuốc dài ngày. Với yếu tố dược lý thời khắc, nên dùng các GC chọn lựa tốt nhất vào buổi sáng để can thiệp ít nhất vào chu kỳ hormon ngày đêm bình thường. Điều trị bằng GC nên được giảm từ từ, theo dung nạp của bệnh nhân, khi bệnh nhân đã cải thiện hoặc các thuốc có hiệu quả khác được thêm vào.
Các ADR cần được đặc biệt cảnh báo và theo dõi chặt chẽ khi dùng GC trong điều trị như viêm loét dạ dày tá tràng, nặng có thể gây xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày; ở da gây trứng cá, teo da, đỏ mặt, chậm liền sẹo, vết rạn da; ở mắt gây đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp; hội chứng Cuhsing; tăng đường máu, giữ nước, mất kali, mất calci; tăng huyết áp, suy tim mất bù; loãng xương, hoại tử xương, yếu cơ, nhược cơ. Đặc biệt, lưu ý tai biến do dùng thuốc: cơn suy thượng thận cấp khi dừng thuốc đột ngột. Vì vậy, chỉ dùng thuốc khi có chẩn đoán chính xác, dùng trong thời gian cần thiết, giảm liều ngay khi có thể, phải theo dõi thường xuyên các tác dụng phụ của thuốc và phòng ngừa các biến chứng khi dùng kéo dài. Chú ý các thuốc điều trị bổ sung tùy theo từng trường hợp như kali, calci, vitamin D, bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng thuốc nhóm ức chế bơm proton như omeprazon khi dùng liều cao và kéo dài GC.
Việc lạm dụng các GC trong điều trị cũng đã xảy ra ở khá nhiều nơi. Bên cạnh những tác dụng "thần kỳ", làm che lấp triệu chứng hoặc gây ra nhưng biểu hiện có thể nhìn thấy trong một thời gian ngắn khiến cho nhóm thuốc này bị lạm dụng, các GC đã góp phần đưa rất nhiều người vào bệnh viện vì những phản ứng vô cùng nguy hiểm. Các GC lại có khá nhiều dạng bào chế để tiêm, uống, bôi ngoài, phun sương... nên cần phải chú ý sử dụng đúng cách và theo đúng liều lượng, thời gian quy định để tránh các tai biến nguy hiểm khi dùng thuốc.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.