Cách uống thuốc hiệu quả
Cần lưu ý thành phần của viên thuốc phối hợp và công dụng của từng loại biệt dược chứa trong đó.
Trong mấy ngày dọn nhà, tiếp xúc với nhiều bụi bặm, ông N.M.T.Ng (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM) liên tục bị hắt hơi, sổ mũi. Cho rằng mình đã bị cảm cúm do mắc mưa, ông ghé tiệm thuốc tây mua mấy viên Tiffy trị cảm cúm về uống. Tình trạng hắt hơi, sổ mũi bớt hẳn nên ông uống liên tù tì mỗi ngày 3 viên. Năm ngày sau, ông Ng. tham gia khám sức khỏe định kỳ do công ty nơi ông làm tổ chức và tá hỏa khi kết quả xét nghiệm cho thấy men gan của mình tăng vọt.
Phải chú ý thành phần
Do trước đó men gan có cao nhưng không quá mức như kết quả xét nghiệm lần này nên ông Ng. hỏi bác sĩ (BS) và cũng cho BS biết luôn về đợt “cảm cúm” vừa rồi. Sau khi hỏi về các triệu chứng, BS cho rằng ông đã… uống nhầm thuốc bởi nếu chỉ hắt hơi, sổ mũi khi dọn nhà thì có thể do bụi bặm tạo nên phản ứng dị ứng, chứ không phải do mắc mưa hay virus. Loại thuốc phối hợp trị cảm cúm ông sử dụng gồm các thành phần paracetamol 500 mg, chlorpheniramine maleat 2 mg, phenylephrin HCl 7,5 mg. Ông không hề sốt nên mỗi ngày 3 viên với tổng cộng 1.500 mg paracetamol (tác dụng giảm đau, hạ sốt) là quá dư thừa và chỉ có hiệu quả trong việc… làm tăng men gan.
BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho biết ông từng gặp khá nhiều trường hợp bệnh nhi bị cha mẹ cho uống các loại thuốc phối hợp có thành phần, liều lượng không phù hợp với trẻ nhỏ. Thường gặp nhất là các loại thuốc trị cảm cúm vốn không cần kê đơn, bao gồm Paracetamol (giảm đau, hạ sốt), Dextrometrophan (ức chế hô hấp), Epherine/Chlorpheniramine (khô đàm nhớt).
Trong đó, Paracetamol thường có hàm lượng 500 mg, trong khi liều dùng thích hợp của biệt dược này là 10-15 mg/kg cân nặng, tương ứng với một người lớn có trọng lượng 50-75 kg và đương nhiên trở nên quá liều đối với hầu hết trẻ em.
Những thành phần thường gặp khác như dextrometrophan, epherine, chlorpheniramine… cũng thuộc nhóm hạn chế sử dụng cho trẻ nhỏ. “Một số thành phần có thể dẫn đến các tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là khi trẻ có những bệnh khác. Ví dụ, Chlorpheniramine có tác dụng khô đàm nhớt nhưng nếu trẻ bị hen suyễn sẽ rất nguy hiểm vì có thể khiến trẻ khạc không ra, gây tắc nghẽn đường hô hấp; còn Epherine có thể ảnh hưởng đến huyết áp hay rối loạn nhận thức nếu dùng sai, quá liều…” - BS Tiến lưu ý.
Theo PGS-TS-dược sĩ Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM, người dùng cần phân biệt giữa tên thương mại và tên biệt dược khi sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc có phối hợp nhiều thành phần. Ví dụ, biệt dược thông dụng paracetamol hiện nay có thể nằm độc lập hoặc được phối hợp dưới một số tên thương mại như Panadol, Efferalgan, Decolgen, Acemol, Tiffy… nhưng đều là cùng một chất và có công dụng giảm đau, hạ sốt như nhau. Thông thường, thành phần và tác dụng của từng biệt dược đều được ghi rõ trên tờ hướng dẫn sử dụng.
Trường hợp chỉ mua một vỉ hay một phần của hộp thuốc và không có hướng dẫn sử dụng trong tay, có thể tìm thành phần được in nhỏ ở mặt sau vỉ thuốc, gần tên thương mại hoặc tốt nhất là hỏi ý kiến dược sĩ, bác sĩ để nắm rõ viên thuốc mình dùng chứa thành phần gì. Nếu sử dụng một loại thuốc phối hợp với một vài thành phần không đúng thì chỉ gây tốn tiền thêm mà không đạt hiệu quả điều trị, thậm chí bệnh nhân còn phải khổ sở với những tác dụng phụ do mỗi thành phần thuốc gây ra.
Coi chừng quá liều
Việc không nắm rõ các biệt dược có trong thuốc còn có thể dẫn đến tình trạng quá liều do dùng một lúc nhiều loại thuốc có chứa cùng một biệt dược. “Ví dụ, một người bị viêm khớp sử dụng thuốc phối hợp có chứa glucosamine và chondroitin nhưng lại sử dụng thêm thực phẩm chức năng trị chứng viêm khớp - vốn cũng có chứa một số thành phần tương tự thì sẽ quá liều, không chuyển hóa hết.
Glucosamine dư thừa còn ảnh hưởng đến đường huyết, rất có hại nếu người dùng đang bị tiểu đường. Có người bị cảm cúm, viêm họng, nóng sốt thì vừa mua Decolgen về uống vừa dùng thêm Paracetamol, Panadol, thế là quá liều bởi cả hai loại đều cùng có một liều paracetamol 500 mg. Ngay cả các thực phẩm chức năng, thuốc bổ cũng có thể gây họa.
Có người đang bệnh hoặc đơn giản là muốn “khỏe người” nên mua viên sủi vitamin C về dùng nhưng dùng quá nhiều hoặc phối hợp với những thứ khác cũng giàu loại vitamin này. Trong khi đó, một viên sủi thường chứa đến 500-1.000 mg vitamin C và liều trên 1.000 mg/ngày có thể gây độc, ảnh hưởng đến thận, đường tiêu hóa…” - dược sĩ Tuấn cảnh báo.
Theo NLĐ