Trong những năm gần đây, rất nhiều loại thuốc diệt virut mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn đã ra đời. Tuy nhiên, các thuốc này đều có nguy cơ gây độc cho thận, nhất là khi được dùng phối hợp ở những bệnh nhân mắc bệnh phức tạp.
Tổn thương thận do thuốc là một trong những nguyên nhân quan trọng gây suy thận cấp trên lâm sàng, chiếm 2-15% tổng số các suy thận cấp phải nhập viện điều trị. Dưới đây, xin được đề cập đến các tổn thương thận do thuốc diệt virut để độc giả tham khảo.
Nhiễm độc ống thận cấp
Đây là loại nhiễm độc ống thận trực tiếp có thể gây suy thận cấp và rối loạn chức năng ống thận do làm thoái hoá và bong tróc các tế bào biểu mô. Dạng tổn thương này có thể gây ra do nhóm thuốc giống acyclic nucleotide phosphonates, acyclovir và một số thuốc diệt virut khác. Các loại thuốc gây độc là:
Cidofovir: Là một chất tương tự nucleotide với tác dụng rất tốt chống lại cytomegalovirus (CMV). Tác dụng gây độc thận của thuốc này phụ thuộc liều dùng và chủ yếu gây rối loạn chức năng ống lượn gần của thận. Nhiễm độc thận do cidofovir gây xuất hiện protein trong nước tiểu, suy thận, suy chức năng ống lượn gần và viêm thận kẽ mạn tính. Các rối loạn này thường hồi phục khi giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc. Để giảm bớt nguy cơ xảy ra các biến chứng này, cần giảm liều dùng cidofovir ở bệnh nhân có suy thận và các tổn thương khác ở thận và tránh dùng thuốc này cùng với các thuốc có khả năng gây độc cho thận như foscarnet, amphotericin B, gentamycin...
Adefovir dipivoxil: Tác dụng gây độc thận của thuốc này cũng phụ thuộc vào liều dùng. Ở liều 120mg/ngày, 22-32% bệnh nhân sẽ xuất hiện các biểu hiện suy chức năng ống lượn gần. Các biểu hiện này thường nhẹ và ít gặp hơn ở liều 30mg/ngày và không xảy ra ở liều 10mg/ngày.
Tenofovir disoproxil fumarate: Là một chất ức chế men sao chép ngược, được dùng trong điều trị HIV, thuốc này có nguy cơ gây độc ống thận đặc biệt là khi dùng liều cao, kéo dài. Biểu hiện sớm thường gặp là xuất hiện đường, protein trong nước tiểu ở mức độ nhẹ, thường xảy ra sau điều trị khoảng 20 tuần và hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc 1 - 10 tuần.
Foscarnet: Là một chất tương tự pyrophosphate, chủ yếu dùng trong điều trị các trường hợp viêm võng mạc CMV và nhiễm HSV kháng aciclovir. Foscarnet có thể gây nhiễm độc thận ở khoảng 27% số bệnh nhân với các mức độ khác nhau, truyền dịch tích cực giúp giảm rõ rệt nguy cơ này. Nhiễm độc thận do foscarnet có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào của quá trình điều trị và thường hồi phục trong vòng 1 tuần sau khi giảm liều hoặc ngưng thuốc.
Thận bị hỏng (trái) và thận bình thường.
Bệnh thận do tinh thể
Sự lắng đọng các tinh thể ở thận có thể gây ra suy thận, tổn thương thận do tinh thể chủ yếu xảy ra do các tinh thể kết tủa ở ống lượn xa.
Acyclovir: Do thuốc này ít tan trong nước tiểu nên dễ có nguy cơ kết tủa thành các tinh thể ở trong ống thận và gây tắc ống thận, nhất là trong những trường hợp truyền nhanh tĩnh mạch liều cao và lưu lượng nước tiểu quá ít. Suy thận do acyclovir xảy ra ở 12-48% số người dùng thuốc, đa số ở mức độ nhẹ, không triệu chứng và thường sau dùng thuốc 24-48 giờ.
Indinavir: Thuốc ít tan ở môi trường nước tiểu và được ghi nhận có thể gây bệnh thận do tinh thể, đái ra cặn sỏi hoặc sỏi thận. Các triệu chứng tiết niệu xảy ra ở khoảng 8% và tinh thể trong nước tiểu được tìm thấy ở 20% số bệnh nhân điều trị bằng indinavir. Hầu hết các trường hợp suy thận do indinavir là ở mức độ nhẹ và có hồi phục, chỉ khoảng 0,5% có các triệu chứng nặng như sỏi thận, đái máu, đau thắt lưng và phải ngưng dùng thuốc. Sỏi thận chứa indinavir và các chất chuyển hoá của nó có thể được hình thành ở bất cứ thời điểm nào của quá trình dùng thuốc. Để giảm nguy cơ lắng đọng indinavir trong nước tiểu, bệnh nhân cần được cung cấp ít nhất 3 lít nước mỗi ngày.
Ganciclovir: Một số trường hợp kết tủa ganciclovir ở trong ống thận gây suy giảm chức năng thận cũng đã được ghi nhận.
Bệnh lý cầu thận
Bệnh lý cầu thận được ghi nhận sau dùng cả interferon (IFN) và foscarnet. Khoảng 25% bệnh nhân dùng IFN xuất hiện protein trong nước tiểu mức độ nhẹ đến vừa và 10% có suy chức năng thận, hầu hết các trường hợp này xảy ra ở người có bệnh máu hoặc viêm gan. Một số trường hợp suy thận do lắng đọng tinh thể trisodium foscarnet ở mao mạch cầu thận cũng đã được phát hiện.
Khi điều trị kéo dài với indinavir và cidofovir được ghi nhận có thể gây suy thận mạn, teo thận trong một số trường hợp.
Do vậy, để tránh những biến chứng của thuốc gây hại cho thận, với bất kỳ bệnh nhân nào cũng cần được theo dõi chặt chẽ chức năng thận khi phải dùng các thuốc diệt virut vừa nêu ở trên.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.