“Thủ phạm” gây béo phì ở trẻ em
Hiện nay, tình trạng thừa cân, béo phì tăng nhanh ở nhiều nhóm tuổi, nhiều khu vực. Trong đó tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tiểu học là phổ biến, đáng báo động nhất.
Hiện nay, tình trạng thừa cân, béo phì tăng nhanh ở nhiều nhóm tuổi, nhiều khu vực. Trong đó tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tiểu học là phổ biến, đáng báo động nhất.
Một đặc điểm rất giống nhau giữa các bé béo phì, từ lứa tuổi nhà trẻ cho đến học sinh cấp III, là tất cả đều rất thích các loại thức ăn mà lẽ ra các bé phải nói “không”, vì đó chính là “thủ phạm” làm cho các bé tăng cân.
Đồ ăn, uống ngọt
Đó là các loại bánh snack, các món ăn “khoái khẩu” của tuổi học trò như bánh tráng trộn, kẹo bông đường, các loại kẹo trái cây, các loại nước ngọt có gas, các loại nước có đường như nước mía, nước đá màu, sirô… Các thức ăn này cung cấp năng lượng rất cao và là “năng lượng rỗng” (loại năng lượng chỉ được sinh ra từ chất đường) dễ gây tích tụ mỡ. Vậy nên các bé béo phì đều có tỷ lệ mỡ trong cơ thể rất cao.
Thức ăn giàu chất béo
Chất béo là loại chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng cao nhất: 1 g chất béo cung cấp 9 Kcalo trong khi 1g chất đạm và 1g chất bột đường chỉ cung cấp 4 Kcalo. Nhưng hầu như các bé béo phì đều rất thích thịt mỡ (thịt ba rọi) và các loại thức ăn chiên (gà chiên, tôm chiên bột…). Bé không thể giảm cân nếu trong thực đơn của bé ngày nào cũng có thức ăn giàu chất béo, tuần nào cũng được mẹ thưởng gà rán, phômai que…
Bỏ bữa ăn sáng
Việc bỏ bữa sáng với mong muốn giảm năng lượng nạp vào cơ thể là một sai lầm thường gặp khi ai đó muốn giảm cân. Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất vì nó cung cấp năng lượng cho cả ngày hoạt động vì vậy bạn không được để trẻ bỏ bữa. Việc không ăn bữa sáng sẽ khiến trẻ mệt mỏi, không có sức cho những hoạt động từ sáng tới trưa và trẻ sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn mức bình thường vào bữa trưa và bữa tối để bù lại năng lượng thiếu hụt.Vì vậy bỏ ăn sáng vô tình tạo thành nguyên nhân của chứng béo phì ở trẻ.
Trái cây ngọt
Đôi khi các bé cũng không thích ăn trái cây nhưng do cha mẹ sai lầm khi nghĩ rằng ăn trái cây sẽ giúp bé giảm cân nên ép bé ăn. Thật ra, các loại trái cây ngọt cung cấp năng lượng rất cao.
Vì vậy, các bé phải bắt đầu “hành trình giảm cân” bằng cách nói “không” với thức ăn ngọt, thức ăn giàu chất béo và trái cây ngọt.
Theo các bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Nhi đồng 1, việc điều trị giảm cân tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại không dễ thực hiện vì nó phụ thuộc nhiều vào ý chí của các bé. Cha mẹ cần giúp đỡ, khuyến khích động viên, và cùng nói “không” với các bé để việc giảm cân có hiệu quả.
Nguy cơ đối với trẻ béo phì
Trẻ béo phì có nguy cơ mắc các bệnh như:
- Cholesterol cao
- Huyết áp cao
- Bệnh tim
- Bệnh tiểu đường
- Vấn đề về xương
- Các bệnh về da: phát ban, nấm, mụn trứng cá
Biện pháp ngăn ngừa béo phì ở trẻ
- Gương mẫu luyện tập thể dục để trẻ cảm nhận được vận động cũng có được niềm vui và ảnh hưởng tích cực đến trọng lượng của trẻ.
- Các hoạt động mà cả gia đình có thể cùng trẻ tham gia như đi bộ, xe đạp, bơi lội.
- Kiên trì trong mục tiêu giảm cân của trẻ, hãy giúp trẻ thực hiện các bài tập thật thoải mái, không gây áp lực với trẻ.
- Tạo cho trẻ những bữa ăn lành mạnh, khoa học. Hạn chế cho trẻ ăn vặt.
Bất cứ phương pháp nào cha mẹ giúp trẻ giảm cân không phải chỉ để tuân theo những bài tập, chế độ ăn uống kiêng khem một cách cứng nhắc. Mà mục đích chính là giúp con bạn có cuộc sống tốt và phát triển khỏe mạnh
Theo Vnmedia