Trong tiêm chủng thường xuyên: Đối với vắc-xin sởi, tiêm mũi thứ nhất cho trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
LTS: Nhằm cung cấp những thông tin cập nhật đầy đủ về bệnh sởi, Rubella, các biện pháp phòng bệnh cũng như những điều cần biết về vắc-xin phối hợp sởi - Rubella trong Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ 1 - 14 tuổi trên toàn quốc; Dự án Tiêm chủng mở rộng - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã biên soạn cuốn “Hỏi đáp về bệnh sởi và bệnh Rubella”. Báo SK&ĐS xin cung cấp tới độc giả nội dung cuốn sổ tay hỏi đáp, hy vọng sẽ giải đáp những thắc mắc, tư vấn cho cha mẹ và cộng đồng những thông tin hữu ích trong quá trình triển khai vắc-xin này.
1. Vắc-xin phòng bệnh sởi gồm những vắc-xin nào?
Vắc-xin phòng bệnh sởi bao gồm vắc-xin sởi đơn, vắc-xin phối hợp sởi - Rubella (MR) hoặc sởi - quai bị - Rubella (MMR).
2. Vắc-xin phòng bệnh Rubella gồm những vắc-xin nào?
Vắc-xin phòng bệnh Rubella bao gồm vắc-xin Rubella đơn và vắc-xin phối hợp sởi - Rubella (MR) hoặc sởi - quai bị - Rubella (MMR).
3. Vắc-xin sởi - Rubella là vắc-xin gì?
Vắc-xin sởi - Rubella là vắc-xin phối hợp để phòng đồng thời hai bệnh sởi và bệnh Rubella. Đây là vắc-xin sống, giảm độc lực.
Vắc-xin được đóng gói dạng bột đông khô, có màu vàng trắng kèm theo lọ dung dịch pha hồi chỉnh. Vắc-xin phối hợp sởi - Rubella phải được pha hồi chỉnh trước khi sử dụng. Vắc-xin đóng gói dưới dạng lọ thủy tinh 10 liều/lọ. Dung môi được đóng 5ml/lọ.
Chỉ sử dụng loại dung môi đi kèm với lọ vắc-xin để pha hồi chỉnh vắc-xin. Tuyệt đối không sử dụng dung môi của nhà sản xuất khác để pha với vắc-xin sởi - Rubella cũng như không dùng nước cất để pha hồi chỉnh. Sử dụng dung môi không đúng có thể làm mất hiệu lực vắc-xin và gây ra những phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc-xin. Không bao giờ được làm đông băng dung môi.
Loại vắc-xin sởi - Rubella sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng năm 2014-2015 là vắc-xin sởi - Rubella do hãng Serum Institute, Ấn Độ sản xuất. Vắc-xin này đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định của Tổ chức Y tế Thế giới, do Liên minh toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ kinh phí và do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mua và cung ứng cho Việt Nam. Vắc-xin đã được sử dụng tại hàng chục nước trên thế giới.
4. Tiêm vắc-xin sởi - Rubella có hiệu quả như thế nào?
Bệnh sởi và Rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc-xin sởi - Rubella là cách duy nhất phòng bệnh chủ động và hiệu quả.
Vắc-xin phối hợp sởi - Rubella giúp bảo vệ đồng thời cho trẻ em khỏi mắc hai bệnh sởi và Rubella và phòng hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ em. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin là 95%.
Cũng như các vắc-xin khác, tiêm vắc-xin sởi - Rubella không có hiệu quả phòng bệnh tuyệt đối 100%. Đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vắc-xin, loại vắc-xin, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vắc-xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
Tại nhiều nước, nhờ tiêm chủng vắc-xin Rubella, bệnh Rubella cũng như hội chứng Rubella bẩm sinh đã giảm mạnh, ở nhiều nước châu Mỹ, châu Âu bệnh đã được loại trừ.
5. Vắc-xin sởi - Rubella được triển khai trong Chương trình TCMR như thế nào?
Vắc-xin sởi đã được triển khai trong Chương trình TCMR trên phạm vi toàn quốc từ năm 1985 cho trẻ lúc 9 tháng tuổi. Lịch tiêm mũi thứ hai vắc-xin sởi được triển khai từ năm 2006.
Dự án TCMR sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phối hợp sởi - Rubella cho toàn bộ trẻ từ 1-14 tuổi tại tất cả xã/phường trên toàn quốc từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015. Mục tiêu của chiến dịch nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi và Rubella, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh Rubella và hội chứng Rubella bẩm sinh.
Sau chiến dịch, vắc-xin sởi đơn và vắc-xin phối hợp sởi - Rubella sẽ tiếp tục được triển khai tiêm chủng theo lịch trong TCMR các năm tiếp theo.
6. Lịch tiêm vắc-xin sởi và vắc-xin sởi - Rubella trong Chương trình TCMR ở Việt Nam là như thế nào?
Trong tiêm chủng thường xuyên: Đối với vắc-xin sởi, tiêm mũi thứ nhất cho trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
Trong chiến dịch tiêm tiêm vắc-xin sởi - Rubella năm 2014 - 2015: Tất cả trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi được tiêm 1 mũi vắc-xin phối hợp sởi - Rubella.
Phụ nữ cần được tiêm chủng vắc-xin Rubella trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất 1 tháng.
7. Nữ tuổi sinh đẻ có cần tiêm vắc-xin Rubella?
Phụ nữ có thai chưa được tiêm phòng bệnh Rubella trước thời gian mang thai, nếu nhiễm virut Rubella trong 3 tháng đầu của kỳ mang thai có thể truyền virut sang cho thai nhi gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Vì vậy phụ nữ cần được tiêm chủng vắc-xin Rubella trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất 1 tháng.
8. Trường hợp nào cần chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm vắc-xin sởi - Rubella?
Không tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong các trường hợp sau:
Có tiền sử sốc hoặc có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vắc-xin chứa thành phần sởi hoặc Rubella như: sốt cao trên 39oC kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở, sốc.
Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc-xin, ví dụ với neomycin.
Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan).
Tình trạng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng bẩm sinh hoặc mắc phải (AIDS).
Phụ nữ có thai.
Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tạm hoãn tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong các trường hợp sau:
Mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
Trẻ sốt ≥ 37,5oC hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5oC (đo nhiệt độ tại nách).
Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch hoặc truyền máu, huyết tương trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B. Do vậy trong vòng 2 tuần sau tiêm vắc-xin không nên sử dụng sản phẩm globulin miễn dịch.
Trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày, thuốc ức chế miễn dịch khác hay điều trị xạ trị.
Mắc bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu.
Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
9. Các trường hợp dị tật, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV có thuộc diện chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm vắc-xin sởi - Rubella không?
Các trường hợp dị tật nhưng không suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy gan, suy thận và không thuộc các chống chỉ định hay tạm hoãn nêu tại câu 8 thì không chống chỉ định hoặc hoãn tiêm vắc-xin sởi, Rubella.
Trường hợp suy dinh dưỡng không thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc-xin sởi - Rubella.
Các trường hợp nghi nhiễm HIV hoặc nhiễm HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS không thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc-xin sởi - Rubella.
10. Tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho phụ nữ mang thai sẽ có ảnh hưởng gì?
Không nên dùng vắc-xin sởi - Rubella cho phụ nữ mang thai vì đây là vắc-xin sống, giảm độc lực. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc thận trọng tránh tiêm vắc-xin Rubella cho phụ nữ có thai là để phòng ngừa nguy cơ gây dị tật thai nhi theo lý thuyết mặc dù nguy cơ này chưa được chứng minh. Tuy nhiên, trên thực tế không ghi nhận tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong khi mang thai gây sẩy thai. Không ghi nhận trường hợp hội chứng Rubella bẩm sinh đối với trên 1.000 trường hợp phụ nữ mang thai vô tình được tiêm vắc-xin Rubella trong thời gian đầu thai kỳ. Do đó, nên tiêm vắc-xin trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất từ 1 tháng trở lên.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.