Viêm loét đại tràng
Nhiều người có tuổi đến phòng khám bệnh viện vì bị viêm, loét đại tràng. Họ ít biết về nguyên nhân gây bệnh và cũng không rõ bệnh có nguy hiểm không, nhất là đối với bệnh nhân tuổi cao, sức yếu.
Đại tràng và nguyên nhân mắc bệnh
Đại tràng (ruột già) là bộ phận chứa phân, bao gồm đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống. Phần đầu của đại tràng nối với ruột non, phần cuối của đại tràng nối với trực tràng. Phần nối với trực tràng là một đoạn ruột già ngắn và được gọi là đại tràng xích - ma (Sigmiod).
Nguyên nhân chính của viêm, loét đại tràng là do hoạt động bất thường của hệ thống miễn dịch trong ruột. Hệ thống miễn dịch này bao gồm: miễn dịch tế bào và miễn dịch proteins do tế bào sản xuất. Các tế bào và các protein này dùng để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân có hại như vi khuẩn, virút, ký sinh trùng (nấm, lỵ amip, giun) và các yếu tố ngoại lai có hại xâm nhập khác theo đường ăn uống (thức ăn, nước uống). Bình thường, hệ thống miễn dịch chỉ hoạt động khi cơ thể tiếp xúc với
yếu tố xâm nhập có hại. Tuy nhiên, trong bệnh viêm loét đại tràng, do sự rối loạn hoạt động của hệ thống miễn dịch xảy ra một cách thường xuyên mặc dù vẫn chưa có
yếu tố có hại xâm nhập. Do sự hoạt hoá bất thường và liên tục của hệ thống miễn dịch như vậy là nguyên nhân gây viêm và loét đại tràng mãn tính.
Triệu chứng gồm: đau quặn bụng, chủ yếu đau vùng dưới rốn. Để xác định cần nội soi đại tràng
Mặt khác, sự hoạt hóa bất thường và liên tục của hệ thống miễn dịch đường tiêu hóa không phải là do di truyền mà có liên quan tới tiền sử của người bệnh bị mắc hội chứng ruột kích thích (irritable bowel sydrome: IBS). Đây cũng là một trong các bệnh đường ruột hay gặp nhất ở nước ta, với tỉ lệ mắc khoảng chừng từ 5 - 20% dân số, trong đó nữ giới bị bệnh này có tỉ lệ cao hơn nam giới. Vì vậy, với bệnh viêm, loét đại tràng có liên quan đến người có tuổi (vì trong quá trình sống có thể đã từng mắc bệnh hội chứng ruột kích thích).
Viêm loét đại tràng nếu không được điều trị sớm thì sẽ làm cho người bệnh mất máu gây thiếu máu, nặng hơn là trụy tim mạch, nếu có tiêu chảy, mất máu và sốt. Bệnh mãn tính có thể gây viêm, loét đại tràng bùng phát, nhiễm độc và có thể gây thủng đại tràng. Thủng đại tràng là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, vì có thể dẫn đến viêm phúc mạc, sốc nhiễm khuẩn và nguy cơ tử vong rất cao, nhất là người có tuổi.
Triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng là gì?
Viêm, loét đại tràng có thể xảy ra ở khu vực đại tràng lên (đại tràng phải), đại tràng ngang, đại tràng xuống (đại tràng trái gồm cả đại tràng và đại tràng xích - ma) và trực tràng.
Triệu chứng gồm đau quặn bụng, chủ yếu đau vùng dưới rốn, cả bên trái lẫn bên phải. Khi bị đau đại tràng bên phải có thể nhầm với viêm ruột thừa, sỏi niệu quản phải hoặc bệnh của u nang buồng trứng (nữ giới), nhất là ở một số người bệnh có sốt. Người bệnh thường bị tiêu chảy làm mất nước, chất điện giải, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể bị trụy tim mạch, nhất là người cao tuổi. Người bệnh có thể đi ngoài ra máu tươi, nhất là loét ở đại tràng xích - ma. Viêm, loét đại tràng xích - ma có những triệu chứng giống với viêm loét trực tràng. Bệnh nhân bị chảy máu trực tràng, buốt, mót vùng hậu môn, cảm giác đi đại tiện cấp bách, bụng bị đau quặn, thường đau chủ yếu bên trái bụng. Có thể có hiện tượng vã mồ hôi về đêm, sụt cân do hấp thu kém chất dinh dưỡng, mất nước và thường mệt mỏi triền miên. Mệt mỏi do nhiều yếu tố tác động, có thể do độc tố (vi khuẩn, ký sinh trùng, hóa chất độc hại…).
Nguy hiểm hơn cả là khi bị viêm đại tràng bùng phát do bị phình đại tràng nhiễm độc và nguy hiểm hơn là thủng đại tràng gây viêm phúc mạc và các cơ quan có trong ổ bụng. Mặc dù viêm loét đại tràng bùng phát hiếm gặp nhưng là dạng bệnh nặng của viêm loét toàn bộ đại tràng, người bệnh mất nước, đau bụng nhiều, tiêu chảy ra máu kéo dài và thường bị choáng.
Có khoảng dưới 10% số bệnh nhân viêm loét đại tràng xích-ma và trực tràng về sau có thể biến thành viêm đại tràng lan rộng. Do đó, ban đầu bệnh nhân chỉ bị loét trực tràng, càng ngày có thể phát triển thành viêm loét đại tràng trái hoặc bị viêm loét toàn bộ đại tràng.
Chẩn đoán như thế nào?
Khi có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy và phân có máu thì cần đi khám để xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó để có hướng điều trị thích hợp. Cần lấy phân để xét nghiệm xác định vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng, đặc biệt tìm lỵ amip. Cần xét nghiệm công thức máu để xác định tế bào bạch cầu và tốc độ lắng máu phản ánh có tình trạng viêm ở đại tràng.
Để xác định một cách chắc chắn có viêm, loét đại tràng hay không thì cần phải nội soi đại tràng, trực tràng. Bác sĩ nội soi thông thường sẽ lấy một mẫu nhỏ mô đại tràng (sinh thiết) để xác định mức độ nặng của tổn thương, tìm tế bào lạ (có tế bào ung thư hay không). Nếu cơ sở y tế chưa triển khai nội soi đại - trực tràng thì có thể chụp X-quang đại tràng có bơm chất cản quang cũng có thể giúp chẩn đoán viêm loét đại tràng.
Ngoài ra, cần hỏi kỹ người bệnh xem đã từng bị bệnh kiết lỵ, bị bệnh viêm đại tràng kích thích hay không để góp phần vào chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Nếu bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú theo đơn thuốc và chỉ dẫn, tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình. Không nên tự mua thuốc điều trị hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc, nhất là không để những người không có chuyên môn về y điều trị cho mình. Khi bệnh đã ở mức độ bùng phát thì cần phải nhập viên để điều trị, người bệnh không được chủ quan tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm. Việc có phải phẫu thuật hay không phải do bác sĩ khám bệnh và điều trị cho mình tư vấn cho người bệnh biết.
Cần có chế độ ăn uống hợp lý, không nên kiêng khem quá mức dễ dẫn đến suy dinh dưỡng. Khi đã mắc bệnh và được điều trị khỏi hoặc chưa dứt điểm cần khám bệnh định kỳ đề phòng bệnh tái phát hoặc điều trị dở dang làm cho bệnh có khả năng bùng phát, nặng thêm.
Theo SKDS