Huyết khối tĩnh mạch sâu gây thuyên tắc phổi và hội chứng sau tắc tĩnh mạch sâu với tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng khó khắc phục.
Vì vậy, mọi người cần hiểu biết căn nguyên hình thành huyết khối và các yếu tố nguy cơ gây bệnh mới có thể phòng tránh tử vong và tàn phế do căn bệnh nguy hiểm này.
Vì sao bị huyết khối tĩnh mạch sâu?
Có 3 yếu tố hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu và một số yếu tố nguy cơ gây bệnh mà bạn cần hiểu biết để tránh tử vong do căn bệnh nguy hiểm này gây nên.
Các yếu tố hình thành:
Bất thường về dòng máu chảy: các cục huyết khối đều bắt nguồn từ các vị trí có dòng máu chảy chậm hoặc ứ trệ. Trên thực tế gặp nhiều yếu tố nguy cơ của huyết khối đều liên quan đến tình trạng bệnh nhân nằm lâu và tình trạng dòng máu chảy chậm. Ở đáy của các van tĩnh mạch, khi dòng máu ứ trệ, sẽ xuất hiện tình trạng thiếu ôxy tại chỗ. Hậu quả là các tế bào nội mạc sản sinh ra các yếu tố kích thích cytokin và kết dính bạch cầu, dẫn đến tổn thương của nội mạc và tạo lập cục máu đông.
Huyết khối tĩnh mạch sâu đùi phải.
Rối loạn đông máu: tình trạng tăng đông và ức chế quá trình tiêu sợi huyết là yếu tố thuận lợi cho việc hình thành cục máu đông. Rối loạn đông máu thường gặp trong các trường hợp: bệnh tăng đông, sau một cuộc phẫu thuật, sử dụng thuốc tránh thai hoặc thuốc chữa bệnh ung thư.
Tổn thương nội mạc mạch máu: tổn thương thành tĩnh mạch có vai trò rất rõ ràng trong sự hình thành huyết khối ở bệnh nhân bị chấn thương và vết thương tĩnh mạch, phẫu thuật tạo hình khớp háng... Bình thường, lớp nội mạc mạch máu có khả năng kháng đông do sản xuất prostacyclin, các yếu tố kháng đông... Nhưng khi bị tổn thương, lớp nội mạc có thể chuyển sang trạng thái tiền đông máu, do phóng thích ra các yếu tố nội mô, von Willebrand, fibronectin... Khi đó bề mặt tế bào nội mạc cũng xuất hiện nhiều thụ thể kết dính bạch cầu và tiểu cầu, tạo điều kiện cho việc hình thành cục máu đông...
Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: người cao tuổi; bệnh nhân sau một cuộc mổ lớn; bất động lâu như bó bột, ngồi lâu khi đi máy bay đường dài; phụ nữ thai nghén và thời kỳ hậu sản; chấn thương và vết thương cẳng chân; dùng thuốc uống tránh thai, dùng hormon thay thế nhất là thuốc uống; mắc bệnh nhiễm khuẩn, một số bệnh tự miễn...
Ngoài ra còn có yếu tố di truyền: thiếu hụt antithrombin, thiếu hụt protein C, thiếu hụt protein S (týp I), rối loạn fibrinogen máu, những người có nhóm máu A, B, AB; protein S tự do thấp, yếu tố đông máu VIII cao, fibrinogen cao...
Thuyên tắc phổi do huyết khối tĩnh mạch sâu.
Biểu hiện bệnh
Triệu chứng hay gặp của huyết khối tĩnh mạch sâu là: phù, nóng chi bị bệnh, đỏ hay biến đổi màu, căng các tĩnh mạch bề mặt chi. Tuy nhiên các triệu chứng đơn độc không đủ độ đặc hiệu để chẩn đoán, nhưng khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ nói trên thì có thể giúp xác định khả năng bị bệnh.
Có một hình thái nặng nhưng ít gặp là phù, xanh tím, đau chi bệnh, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Thể bệnh này có đặc điểm là tắc cấp tính gần như toàn bộ tĩnh mạch của chi, kể cả các tĩnh mạch chậu và đùi. Chân thường đau, tím tái do thiếu ôxy và phù do ứ đầy dịch, có thể dẫn đến hoại tử chi. Tuy nhiên còn có khá nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng gì, nên không biết mình bị bệnh.
Phương pháp điều trị
Dùng thuốc chống đông là phương pháp điều trị cơ bản, phổ biến nhất, được phối hợp với các phương pháp điều trị khác. Sử dụng các thuốc chống đông, tiêu sợi huyết cho những trường hợp có nguy cơ thấp xảy ra biến chứng nhồi máu phổi, huyết khối buồng tim hoặc điều trị dự phòng tái phát. Phẫu thuật lấy huyết khối. Tiêu sợi huyết trực tiếp qua catheter. Các phương pháp khác như: lấy huyết khối qua da, tiêu sợi huyết bằng sóng siêu âm, đeo tất hỗ trợ điều trị và phòng bệnh...
Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh rất nguy hiểm có thể gây tử vong hoặc tàn phế, việc điều trị cũng rất khó khăn, vì vậy phòng ngừa bệnh có ý nghĩa rất quan trọng. Biện pháp hữu hiệu nhất là loại trừ các yếu tố và căn nguyên gây huyết khối nói trên. Bệnh nhân sau một cuộc mổ lớn, bất động lâu như bó bột cần năng vận động sớm để tăng tốc độ tuần hoàn. Chú ý phòng tránh các chấn thương do tai nạn giao thông, té ngã trong sinh hoạt. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.