Kén ở trong ổ bụng thường là toàn bộ hay một phần ruột non được bao bọc bởi một màng collagen gây ra tắc ruột cấp hay mạn tính. Tắc ruột cấp tính là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không phẫu thuật kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Kén ổ bụng gây tắc ruột là bệnh ít gặp nên khó chẩn đoán, điều này làm tăng tỷ lệ rủi ro cho bệnh nhân. Nếu chúng ta hiểu biết bệnh này có thể phát hiện và cứu chữa kịp thời cho người thân.
Cho đến nay, nguyên nhân gây kén ổ bụng chưa được biết rõ. Các nhà chuyên môn đưa ra một số nhận định rằng: kén ổ bụng có thể là bệnh nguyên phát hoặc thứ phát; kén ổ bụng nguyên phát có thể phát sinh do phản ứng với tình trạng nhiễm virut gây viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn phụ khoa hoặc trào ngược kinh nguyệt ở phụ nữ. Tình trạng này đã được phát hiện ở trên 10 trẻ em nữ sau khi bắt đầu có kinh nguyệt khoảng 2 năm với các triệu chứng của tắc ruột và được cho rằng các bệnh nhân này đều bị viêm phúc mạc do trào ngược kinh nguyệt dẫn đến sự hình thành kén trong ổ bụng. Nhưng trên thực tế, kén ổ bụng nguyên phát đã gặp xảy ra ở mọi lứa tuổi và ở cả nam giới.
Hình ảnh kén ổ bụng (mũi tên chỉ) trên phim chụp cắt lớp vi tính.
Các nguyên nhân thứ phát gây kén ổ bụng bao gồm: tụ dịch ổ bụng lâu ngày, cấp cứu thẩm phân phúc mạc, bệnh nhân mắc bệnh luput ban đỏ hệ thống, tai biến do sử dụng povidine rửa ổ bụng, ảnh hưởng do dùng các thuốc chẹn alpha practolol, đặt shunts não thất, các bệnh như sarcoidosis, xơ gan, u cơ trơn tử cung, u nội mạc tử cung hoặc khối u của buồng trứng, bệnh lao... cũng là những nguyên nhân gây ra kén bụng.
Phát hiện bệnh cách nào?
Trên thực tế lâm sàng, hầu hết các bệnh nhân có kén ổ bụng thường có những triệu chứng như tắc nghẽn đường tiêu hóa cấp và mạn tính, đường ruột bị nén lại ở những khu vực có kén. Có trường hợp bệnh nhân có thể xuất hiện khối kén trong ổ bụng do sự gói cụm của những quai ruột bị giãn nở. Có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: đau bụng kèm nôn ói và căng trướng bụng; khám thấy bụng trướng, ấn đau giữa bụng và âm ruột tăng; chụp Xquang bụng đứng thấy hình ảnh nhiều mức nước hơi với các quai ruột non giãn, gợi ý tắc ruột.
Chụp cắt lớp vi tính là kỹ thuật hữu ích cho việc chẩn đoán kén ổ bụng trước phẫu thuật. Hình ảnh tổn thương cho thấy từng nhóm quai ruột non giãn bên trong một cấu trúc túi, gợi ý kén ổ bụng, hay giãn về phía vùng rốn. Tuy nhiên, chẩn đoán xác định bệnh kén ổ bụng thường dựa vào giai đoạn phẫu thuật hoặc thông qua những phát hiện ở mô bệnh học. Một phần đường ruột của tất cả các bệnh nhân đều bị bao phủ bởi một lớp xơ kén. Vì vậy, kén bụng là loại bệnh ít gặp gây tắc ruột, chẩn đoán còn nhiều nghi ngờ vì các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu. Siêu âm bụng hoặc chụp phim có chuẩn bị có thể thấy hình ảnh “súp lơ” xuất hiện trong các quai ruột non như được sắp xếp bị ấn bẹp từ hai đầu với đáy hẹp.
Điều trị thế nào?
Việc điều trị cho những ca tắc ruột do kén ổ bụng chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ lớp màng dư ở bụng dẫn tới việc tiêu giảm dần mảng dính ở vòng ruột. Phẫu thuật cắt bỏ ruột là không cần thiết trừ trường hợp phải loại bỏ những đoạn ruột đã bị hoại tử. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi phúc mạc và gỡ dính, kết quả thường là tốt.
Lời khuyên của bác sĩ
Kén bụng là nguyên nhân không thường gặp gây tắc ruột, có thể phát sinh như là một bệnh nguyên phát khi không có nguyên nhân rõ ràng hoặc là thứ phát bởi các bệnh và yếu tố đã trình bày trên đây. Các trường hợp bệnh nguyên phát phổ biến hơn nhiều so với thứ phát và thường gặp ở phụ nữ trẻ, đặc biệt là từ các nước nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Siêu âm, chụp phim Xquang có chuẩn bị và chụp cắt lớp vi tính thấy hình ảnh tắc ruột có ích cho chẩn đoán bệnh. Vì là bệnh tắc ruột ít gặp nên khó chẩn đoán.
Trong các nguyên nhân thứ phát gây kén ổ bụng, có nhiều nguyên nhân có thể phòng tránh được như: thẩm phân phúc mạc đảm bảo vệ sinh, đề phòng tai biến do sử dụng povidine rửa ổ bụng; tránh các tác dụng phụ do dùng các thuốc chẹn alpha practolol... Đối với các bệnh là nguyên nhân gây kén ổ bụng gồm: luput ban đỏ hệ thống, sarcoidosis, xơ gan, u cơ trơn tử cung, u nội mạc tử cung, khối u của buồng trứng, bệnh lao..., cần đi khám và điều trị tích cực để tránh nguy cơ gây ra kén ổ bụng.
Theo SKDS