Cứ mỗi 30 giây, trên thế giới có một bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) bị đoạn chi. Tháng 5 năm nay có 18 bệnh nhân nhập khoa nội tiết Bệnh viện 115, TP.SG nhiễm trùng chân, chiếm 20% trường hợp nhập viện do ĐTĐ.
Một nửa trong số đó bị cắt một vài ngón, một phần bàn chân hoặc cắt cao hơn qua khỏi cổ chân, qua gối... Thời gian nằm viện trung bình 20 ngày, có trường hợp sáu tháng vì những nhiễm trùng cơ hội khác.
Mỗi cái chân là một câu chuyện dài. Phần lớn nhiễm trùng chân khởi đầu nhẹ nhàng như làn khói mỏng từ một đám cháy xa. Một cái miểng chai, chiếc đinh, chiếc gai, mảnh xương cá... đâm vào chân, một cái vấp chân nơi bậu cửa, một vết xước nhỏ xíu... hay những vết thương "tự nhiên thành" kiểu một cái bóng nước nhỏ phồng lên, một vết đen như đầu đinh tự nhiên xuất hiện trên đầu ngón chân, lan to dần, không đau đớn; một vết chai nhỏ rồi to dần, rồi thủng thành một cái lỗ dưới bàn chân...
Bộ tứ gây loét chân
Nhiều vết thương ở người ĐTĐ bị trầy, đứt… tự lành vì họ kiểm soát tốt đường huyết và vết thương không nghiêm trọng. Đa số bệnh nhân khác bị bệnh bàn chân đều tiến triển nặng nề do cơ chế phức tạp của một bộ tứ "thần kinh, mạch máu, vi trùng, đường huyết tăng".
Biến chứng thần kinh khiến bạn không biết đau ngay cả khi đang mang một cây đinh bảy ngày trong chân, làm bạn trì hoãn nhập viện.
Biến chứng mạch máu gây tắc mạch. Một khi đã tắc hẹp thường tắc hẹp nhiều chỗ trên một đoạn dài làm việc tưới máu kém, vết thương lâu lành hoặc đoạn chân đó chết hẳn. Trước đây chụp mạch máu tắc tới đâu cưa tới đó. Hiện nay có kỹ thuật mổ bắc cầu mạch máu nhưng tốn kém vô kể và không phải lúc nào cũng thành công.
Vi trùng nhiễm vào các vết thương thường nhiều loại cùng lúc, độc tính cao và kháng nhiều loại thuốc, khiến việc chọn lựa thuốc khó khăn và chi phí cao.
Quan trọng nhất vẫn là kiểm soát tốt đường huyết vì đường huyết tốt tức thần kinh, mạch máu ít bị biến chứng và như vậy cơ hội của bốn yếu tố nguy cơ loét chân trên hầu như không còn.
Khởi đầu rầm rộ hơn là bỏng do pô xe, giẫm bẫy chuột, do tai nạn và do tự ý. Bỏng tự ý xảy ra ở bệnh nhân đã bị biến chứng thần kinh khiến chân tê nhức không ngủ được nên ngâm chân vào nước hoặc rang muối đắp. Chân bị bỏng do giảm cảm giác nóng. Sau đó lại thêm "màn" đắp lá thuốc làm vết thương nhiễm thêm tá lả vi trùng...
Lỗ đáo sinh chuyện
Nhiều trường hợp nhiễm trùng từ lỗ đáo, vết trầy và bóng nước. Bà T.N.N. ở Q.7, TP.SGnhập viện tháng 8-2006 bị ĐTĐ không điều trị. Bà bị một lỗ đáo ở ngón cái khoảng một tháng và được hướng dẫn ngâm chân bằng thuốc tím mỗi ngày. Nhiễm trùng làm hoại tử toàn bộ thịt dưới ngón cái. Sau khi ngâm một tuần, chân càng ngày càng thối, bà nhập viện. Vi trùng nhờ sự hỗ trợ của thuốc tím dẫn dắt bầy đàn "ăn nhậu" hết toàn bộ phần ngón trỏ, giữa, áp út, hành quân qua cả cổ chân và gây sốt cao.
Có nhiều cuộc hội chẩn, nhiều ý kiến khác nhau, cả lời đề nghị "làm gọn" đến 1/3 trên cẳng chân (sát gối). Sau gần ba tháng nỗ lực với chi phí mỗi ngày 1 triệu đồng đã giữ được chân ấy với gót chân, ngón cái và ngón út. Mặc dù xấu xí nhưng vẫn vững như kiềng ba chân.
Phải tốn rất nhiều công của để giữ lại một ngón chân hay một bàn chân. Tuy nhiên, có những ca dù cố đến đâu đi nữa cũng đành phó thác cho số phận do nhiễm trùng nghiêm trọng đe dọa sức khỏe hoặc có biến chứng mạch máu đi kèm.
Cây hết nước tưới
Ông N.V.C., 76 tuổi, nhà ở Hóc Môn, TP.SGhập viện tháng 1-2008 với ngón trỏ và ngón giữa hoại tử đen như than, ĐTĐ đã nhiều năm, tăng huyết áp và suy thận. Ông hút thuốc lá khá nhiều. Thuốc lá cộng hưởng thêm vào những tàn phá do ĐTĐ làm các mạch máu xơ vữa và chít hẹp, máu tưới không đủ, ngón chân khô héo dần rồi chết đi như những nhánh cây khô.
Kiểm soát tốt đường huyết nhằm đề phòng những biến chứng của bệnh đái tháo đường
Ông C. nằm viện từ ngày 14-1, chụp mạch máu cho thấy tắc hẹp nhiều đoạn do mảng xơ vữa và được một giáo sư từ Mỹ sang mổ bắc cầu mạch máu thành công. Chỗ hoại tử lại nhiễm trùng lan rộng khiến ông phải cắt cao bàn chân chỉ chừa lại gót chân. Cuối cùng, vào tháng tư, ông xuất viện với phần gót còn lại, tháng sáu mới lành.
Ông N.V.N. kém may mắn hơn. Ông nhập viện ngày 17-6-2008. Sáu tháng trước ông bị một lỗ đen nhỏ ở ngón giữa chân trái, điều trị tại địa phương. ĐTĐ kiểm soát kém và hút thuốc lá hai gói/ngày trong 38 năm, mỗi ngày uống ba chai bia. Vào viện với tình trạng nhiễm trùng chân rất nặng lan đến gối và mạch máu bị hẹp nhiều đoạn lên đến gần gối. Mổ lần 1 cưa dưới gối nhưng mủ quá nhiều không thể giữ lại, đành mổ lần 2 cưa cao đến trên gối ngày 26-6-2008.
Giữ chân mất mạng
Có những người mất luôn cả mạng sống của mình vì giữ bàn chân. Năm 2004, ông L.V.T. bị bỏng chân do pô xe, nhập viện sau hai tuần. Ông chần chừ vì sợ bị cưa chân không còn chạy xe ôm được nữa. Trớ trêu thay, trải qua nhiều đợt dùng kháng sinh, ông bị suy thận cấp và tử vong... Nhiều trường hợp đau đớn hơn khi bệnh nhân khởi đầu bằng nhiễm trùng chân, vào nằm viện kéo dài và tử vong vì các nhiễm trùng cơ hội khác như nhiễm trùng tiểu, suy thận, viêm phổi bệnh viện...
Bài học chung cho những mất mát đau đớn trên bắt đầu từ những sai lầm rất đơn giản. Một vết thương thông thường có bốn tính chất cần theo dõi bao gồm: sưng, nóng, đỏ, đau. Khi những đặc tính trên giảm là vết thương có chiều hướng tốt; khi tăng lên phải đi khám cấp kỳ và kiểm tra đường huyết ngay.
(Theo SK&ĐS)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.