Áp-xe là một bệnh nhiễm trùng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em và người cao tuổi thường mắc bệnh nhiều hơn.
Áp-xe nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây nên nhiều biến chứng, đặc biệt là gây nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm tính mạng.
Áp-xe nếu không phát hiện và điều trị tích cực thì sẽ bị hủy hoại tổ chức càng ngày càng nặng và lan rộng sang các vùng xung quanh gây thêm các ổ áp-xe mới (gan, cơ hoành, cơ thắt lưng, chậu). Bên cạnh đó, biến chứng nhiễm trùng huyết là một bệnh cực kỳ nặng.
Tại sao bị áp-xe?
Áp-xe là một bọc kín như một cái túi, trong đó có chứa mủ bao gồm tế bào và các bạch cầu bị chết do vi khuẩn hoặc vi nấm gây ra. Áp-xe thường xảy ra sau một vị trí bị nhiễm trùng ở một cơ quan nào đó trong cơ thể (da, cơ vân, cơ hoành, gan, tổ chức phổi). Áp-xe có thể xảy ra quanh năm, bất cứ lúc nào, nhưng các loại áp-xe da, dưới da thường xảy ra vào mùa nắng nóng, oi bức nhiều hơn vì mồ hôi ra nhiều thêm vào đó vệ sinh da kém có thể mắc các bệnh lở loét da, chốc đầu hoặc mụn nhọt (mụn nhọt chính là các ổ áp-xe nhỏ).
Khi vi khuẩn đi sâu vào cơ thể thì gây nên áp-xe ở trong các tổ chức sâu hơn của cơ thể (áp-xe cơ hoành, áp-xe cơ đùi, áp-xe cơ thắt lưng chậu, áp-xe gan, áp-xe đường mật). Áp-xe gan còn có thể do ly amíp gây nên. Áp-xe da, cơ cũng có thể xuất hiện do chấn thương phần mềm (da, niêm mạc, cơ vân) hoặc sau một phẫu thuật nào đó của cơ thể không được tuyệt đối vô khuẩn (áp-xe cơ thắt lưng chậu có thể do sau phẫu thuật nào đó ở ổ bụng). Loại vi khuẩn hay gặp nhất gây nên áp-xe da, cơ là họ cầu khuẩn, bao gồm tụ cầu (tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh), liên cầu (liên cầu nhóm A) hoặc do trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginoza), trực khuẩn kỵ khí, vi khuẩn lao (Mycobacterium).
Trong thực tế, để bệnh áp-xe xảy ra, ngoài các điều kiện vừa nêu ở trên thì còn có một số điều kiện thuận lợi làm cho bệnh áp-xe xuất hiện. Đó là ở các trẻ em ra nhiều mồ hôi, bị nhiều mụn nhọt, chốc đầu. Đó là ở người cao tuổi, sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân không tốt, đặc biệt những bệnh nhân sử dụng thường xuyên thuốc corticoid dưới các dạng khác nhau (bệnh nhân viêm cầu thận mãn, hen suyễn, mề đay mãn tính, bệnh khớp,…). Đó là ở người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh lupus, viêm cứng bì, viêm đường sinh dục - tiết niệu (dễ gây nên áp-xe cơ thắt lưng chậu) hoặc ở người bị suy giảm miễn dịch.
Triệu chứng của áp-xe
Tại ổ áp-xe ở nông (dưới da, cơ) sẽ xuất hiện sưng tấy đỏ, đau, sờ vào thấy nóng. Toàn thân (kể cả áp-xe nông hoặc sâu) đều có biểu hiện nhiễm trùng rõ rệt, sốt cao 39 - 40oC, đột ngột, rét run (nhất là áp-xe phổi, áp-xe gan), sốt dao động, môi khô, lưỡi trắng bẩn, mệt mỏi, hốc hác (do sốt cao làm mất nước, chất điện giải và nhiễm độc độ tố vi khuẩn). Với áp-xe phổi hoặc áp xe gan hoặc áp-xe do vi khuẩn lao, mỗi loại còn có biểu hiện lâm sàng đặc thù riêng (áp-xe gan gây rét run dữ dội đau tức vùng hạ sườn bên phải; áp-xe lao còn gọi là áp-xe lạnh) sẽ được trình bày ở một dịp khác.
Khi bị áp-xe, xét nghiệm công thức máu, số lượng bạch cầu sẽ tăng cao, nhất là bạch cầu trung tính. Bên cạnh đó tốc độ máu lắng, số lượng fibrinogen và globulin đều tăng cao. Trong trường hợp nghi có nhiễm trùng huyết thì lấy máu tĩnh mạch để xét nghiệm vi khuẩn, vi nấm (gọi là cấy máu). Những trường hợp áp-xe ở sâu (cơ đùi, cơ hoành, phổi, cơ thắt lưng chậu hông, gan, mật) rất cần thiết siêu âm để xác định. Trong trường hợp cần thiết có thể chọc ổ nghi áp-xe. Chọc ổ nghi áp-xe vừa để chẩn đoán có ổ áp-xe và trên cơ sở đó chọc hút lấy mủ, dịch làm xét nghiệm tìm vi khuẩn hoặc lỵ amíp (áp-xe gan mật). Nếu có điều kiện có thể chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner), tốt hơn nữa là chụp cộng hưởng từ (MRI).
Nguyên tắc điều trị và dự phòng
Tùy theo mức độ nặng, nhẹ, ở nông hay ở sâu mà bác sĩ có quyết định phác đồ điều trị. Có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) hoặc điều trị ngoại khoa (chọc hút, bơm, rửa, dẫn lưu). Cần dùng kháng sinh sớm, mạnh, đủ liều. Giai đoạn đầu khi chưa có kết quả kháng sinh đồ thì phải dựa vào phác đồ điều trị của Bộ Y tế, sau khi có kết quả kháng sinh đồ thì nên dựa vào đó để lựa chọn kháng sinh cho phù hợp. Song song, cần điều trị triệu chứng (hạ sốt, giảm đau) và nâng cao thể trạng, bù nước, chất điện giải nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Để phòng bệnh, ở gia đình, các lớp nuôi dạy trẻ, ngoài vệ sinh môi trường tốt, cần vệ sinh cá nhân, nhất là không để viêm nhiễm da, viêm đường tiết niệu. Với người cao niên cần vệ sinh cá nhân hàng ngày, nên có chế độ ăn uống hợp lý. Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh các bệnh lây nhiễm đường ruột, trong đó có phòng bệnh kiết lỵ là bệnh có thể gây áp-xe gan.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.