Giãn tĩnh mạch chân là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, người béo phì, người làm công việc phải đứng nhiều...
Đây là bệnh cần được điều trị sớm để tránh biến chứng.
Hiện nay, ở Việt Nam giãn tĩnh mạch chân chưa có số liệu thống kê cụ thể về tỉ lệ và số người mắc bệnh này. Tuy nhiên, qua thực hành lâm sàng chúng tôi thấy tỉ lệ bệnh này ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân của hiện tượng này là do tình trạng béo phì đang gia tăng ở lớp người trẻ và càng ngày do việc truyền thông phát triển, giáo dục kiến thức y học ngày càng nhiều... làm người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe của mình, do đó đến khám bệnh và khám kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Vì thế, việc phát hiện bệnh sớm và nhiều hơn.
Giãn tĩnh mạch chân là gì?
Giãn tĩnh mạch là biến chứng của suy van tĩnh mạch. Tức là sau một thời gian bị suy van tĩnh mạch, hiện tượng viêm và ứ trệ tuần hoàn trong lòng tĩnh mạch sẽ làm cho thành của các tĩnh mạch bị yếu đi và giãn lớn ra. Hệ thống tĩnh mạch ngoại biên của cơ thể con người bao gồm tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên có tác dụng nối hai tĩnh mạch nông và sâu lại với nhau. Do đó, cũng có 3 loại giãn tĩnh mạch: giãn tĩnh mạch nông, giãn tĩnh mạch sâu và giãn tĩnh mạch xuyên. Trong đó, giãn tĩnh mạch nông là hay gặp nhất.
Tĩnh mạch bị giãn nổi lên trông như những con giun trên bắp chân và đùi
Ngoài giãn tĩnh mạch ở chân ra còn có thể gặp giãn tĩnh mạch ở tay, thường làm mất thẩm mỹ và là nguyên nhân khiến một số bệnh nhân nữ trẻ tuổi rất khó chịu và giãn tĩnh mạch ở các cơ quan nội tạng trong cơ thể như: giãn tĩnh mạch gan gặp trong xơ gan, giãn tĩnh mạch lách gặp trong cường lách, giãn tĩnh mạch mạc treo ruột thường là bẩm sinh...
Nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch chân?
Nguyên nhân chính của giãn tĩnh mạch là do tình trạng suy van tĩnh mạch và ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch cùng với hiện tượng viêm của thành tĩnh mạch. Bệnh này cũng có yếu tố di truyền, chẳng hạn như mẹ có thể di truyền cho con gái.
Những đối tượng có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch chân cao?
Những đối tượng hay bị giãn tĩnh mạch nhất là phụ nữ vì phụ nữ có nội tiết tố nữ, nếu hàm lượng nội tiết tố nữ tăng cao sẽ làm suy thành tĩnh mạch và dễ gây hình thành cục máu đông trong đó. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác như: di truyền, tuổi tác càng lớn càng dễ suy và giãn tĩnh mạch (các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy rằng 2/3 những phụ nữ trên 50 tuổi bị suy và giãn tĩnh mạch). Béo phì làm tăng áp lực khi đứng và cản trở dòng máu tĩnh mạch trở về tim, đi giày cao gót, mặc quần áo chật, đi hoặc đứng nhiều, làm việc trong môi trường nóng và ẩm thấp, sử dụng thuốc ngừa thai, có thai và sinh đẻ nhiều lần...
Triệu chứng và những dấu hiệu nhận biết bệnh theo các cấp độ?
Triệu chứng ban đầu của suy giãn tĩnh mạch là triệu chứng tê chân, cảm giác bồn chồn ở chân, nặng hơn là nặng chân, phù chân khi đi hay đứng nhiều, chuột rút về đêm, đau chân và cuối cùng là giãn tĩnh mạch nông, nổi thành từng búi hay giãn toàn bộ trông như những con giun trên bắp chân và đùi.
Có tất cả 6 cấp độ suy giãn tĩnh mạch theo phân loại của Hội Tĩnh mạch học Thế giới:
- Cấp độ I: cảm giác nặng chân, tê chân.
- Cấp độ II: phù chân khi đi lại hay đứng nhiều.
- Cấp độ III: giãn và nổi tĩnh mạch ngoằn ngoèo trên bắp chân và đùi.
- Cấp độ IV: giãn tĩnh mạch và có thay đổi sắc tố da của chân: chân sạm màu.
- Cấp độ V: giãn tĩnh mạch và có những vết loét dinh dưỡng ở chân.
- Cấp độ VI: các vết loét dinh dưỡng này điều trị mãi vẫn không lành.
Những biến chứng có thể xảy ra do giãn tĩnh mạch chân?
Các biến chứng khác đó là tình trạng viêm tĩnh mạch đi kèm và hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, nhất là ở các tĩnh mạch sâu, khi có điều kiện thuận lợi như thay đổi áp lực như: khi đi máy bay, ngồi quá lâu... cục máu đông sẽ theo tĩnh mạch chạy về tim và gây tắc động mạch phổi tạo nên tình trạng đột tử. Một số các biến chứng khác cũng hay gặp: phù chân và đau chân làm bệnh nhân rất khó chịu, giảm đi chất lượng của cuộc sống.
Cần làm gì để đề phòng chứng giãn tĩnh mạch chân?
Một số biện pháp khá hữu hiệu để phòng bệnh suy và giãn tĩnh mạch:
- Hạn chế đứng hoặc đi lại nhiều quá.
- Nên tập đi bộ chậm hay bơi lội 30 phút mỗi ngày.
- Tránh béo phì.
- Chế độ ăn nhiều chất xơ và vitamin, đặc biệt là vitamin C.
- Không mặc quần áo chật quá, không đi giày cao gót.
- Nơi làm việc phải thoáng mát.
- Không sử dụng thuốc ngừa thai hay sinh đẻ quá nhiều lần.
Những phương pháp điều trị
Hiện nay có một số phương pháp điều trị cơ bản sau đây tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh:
Thay đổi chế độ làm việc và cách sống hay sinh hoạt hàng ngày; sử dụng vớ áp lực, dùng thuốc tăng cường sức bền thành tĩnh mạch và chống với hiện tượng viêm của tĩnh mạch; chích xơ với các tĩnh mạch thường xuyên bị giãn; sử dụng laser và sóng cao tần để triệt mạch với những tĩnh mạch hiển lớn bị giãn và có dòng trào ngược từ tĩnh mạch sâu qua tĩnh mạch nông (hiện tại trong cả nước chỉ có vài bệnh viện làm được kỹ thuật này, trong đó có Bệnh viện Minh Anh là nơi đặt trung tâm nghiên cứu bệnh lý tĩnh mạch) và cuối cùng là phẫu thuật lấy đi tĩnh mạch giãn.
Hội Tĩnh mạch học TP.HCM đang kết hợp với phòng nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc của Đại học Khoa học tự nhiên nghiên cứu khả năng sử dụng tế bào gốc trong việc sửa van tĩnh mạch ở những bệnh nhân suy van tĩnh mạch giai đoạn sớm, đó là phương pháp điều trị hiện đại nhất và là xu hướng mới của các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.