Thời tiết giá lạnh thường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người, có thể là nguyên nhân khởi phát của nhiều loại bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim... Nhưng có những người luôn bị một triệu chứng bệnh biểu hiện ngay mỗi khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, đó là hiện tượng Raynaud.
Năm 1862, Maurice Raynaud nhận thấy có một số bệnh nhân có hiện tượng thiếu máu các đầu chi (ngón chân, ngón tay) khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp hoặc sau khi bị các stress về xúc cảm và ông cho đây là hiện tượng co các tiểu động mạch và các shunt động - tĩnh mạch đầu chi do các phản xạ thần kinh. Hiện tượng này sau này được ghi nhận và mang tên “hiện tượng Raynaud - Raynaud’s phenomenol”.
Hiện tượng Raynaud: các đầu ngón tái lạnh từng mảng, tím, lan nhanh ở cả hai bàn tay.
Sau khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp, pha cấp “thiếu máu” đầu chi xảy ra do co mạch. Các đầu ngón tái lạnh từng mảng, tím, lan nhanh ở cả hai bàn tay hoặc bàn chân. Sau đó, nếu được sưởi ấm, quá trình tái tưới máu trở lại bình thường và đầu chi hồng ấm lên rất nhanh. Khoảng 80% hiện tượng Raynaud là do cơ thể phản ứng quá mức với nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác với các bệnh lý như xơ vữa mạch, bệnh lý mạch máu ở bệnh nhân tiểu đường cũng gây nên các triệu chứng như trên và có thể tiến triển viêm loét, hoại tử đầu chi nếu không được xử trí kịp thời.
Tần xuất những người bị hiện tượng Raynaud thì chưa được xác định cụ thể nhưng theo ước tính, có khoảng 12% dân bị tím, đau đầu chi khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp và nếu xác định đủ tiêu chuẩn chẩn đoán thì tỷ lệ này vào khoảng 3 - 5%.
Tiêu chuẩn xác định hiện tượng Raynaud
Trước hết, cần phải phân biệt hiện tượng Raynaud tiên phát (chứng thiếu máu do co mạch đầu chi khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp, sau khi bị stress tâm lý) và thứ phát (chứng thiếu máu đầu chi do bệnh lý mạch máu). Ở hiện tượng Raynaud tiên phát, các triệu chứng xảy ra đối xứng hai bên chi, không có hoại tử hoặc loét, đầu móng tay bình thường và không có các bệnh (gây nên hiện tượng Raynaud) kèm theo, tốc độ máu lắng bình thường, kháng thể kháng nhân âm tính (phân biệt với hiện tượng Raynaud thứ phát hay gặp trong hội chứng CREST có kháng thể kháng nhân dương tính).
Hiện tượng Raynaud tiên phát thường bắt đầu từ năm 14 tuổi và chỉ có 27% số người, bệnh xuất hiện sau tuổi 40. Nhìn chung, biểu hiện của hiện tượng Raynaud thứ phát thường nhẹ và chỉ có 38% có các triệu chứng nặng đến rất nặng. Một phần tư số bệnh nhân tiền sử gia đình có hiện tượng Raynaud ở những người chung huyết
thống cùng thế hệ.
Kể cả đối với những người đã được chẩn đoán bị hiện tượng Raynaud tiên phát, vẫn cần được theo dõi ít nhất trong vòng 2 năm một lần kiểm tra lại để loại trừ hiện tượng Raynaud thứ phát. Hiện tượng Raynaud thứ phát thường xuất hiện triệu chứng với các tính chất như: xuất hiện ở lứa tuổi trên 30, cảm giác căng, đau đầu chi, tím nhiều, không đối xứng (chỉ thiếu máu ở khu vực mạch máu bị co thắt), có hoại tử, loét khu vực thiếu máu, khó hồi phục và đặc biệt là có triệu chứng của bệnh mô liên kết kèm theo như tốc độ máu lắng tăng, kháng thể kháng nhân dương tính.
Nhìn chung, hiện tượng Raynaud chỉ liên quan đến tình trạng co mạch máu, hay xuất hiện với các nguyên nhân tiên phát (do lạnh, xúc cảm) và thứ phát (gặp trong các bệnh như cơn đau tim prinzimental, xơ cứng bì, bệnh migraines). Các nguyên nhân khác gây thiếu máu đầu chi như bệnh lý mạch máu do xơ vữa, tiểu đường... thường không đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là hiện tượng Raynaud.
Điều trị thế nào?
Trước khi dùng thuốc, người có tiền sử bị hiện tượng Raynaud nên tránh các tác nhân có thể gây co mạch đầu chi như thời tiết lạnh (mặc ấm, găng tay, tất dày) và tránh các xúc cảm tâm lý quá mức. Không nên hút thuốc lá vì đây là một yếu tố nguy cơ cao gây xơ vữa mạch máu. Người bị hiện tượng Raynaud cũng cẩn thận khi sử dụng các thuốc có ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật như clonidine, ergotamine, các thuốc kích thích thụ thể serotonin...
Việc sử dụng thuốc để điều trị hiện tượng Raynaud cũng cho kết quả tốt. Hàng đầu là các thuốc chẹn kênh canxi như radipine, amlordipine... Các thuốc này làm giảm co thắt mạch đầu chi và giúp phòng ngừa tái phát hiện tượng Raynaud tới trên 50% cũng như làm giảm tốt các triệu chứng khi hiện tượng Raynaud xảy ra. Bên cạnh đó, một số thuốc khác như thuốc ức chế thụ thể angiotensin type I, nitroglycerin, prostaglandins... cũng có tác dụng khi áp dụng điều trị hiện tượng Raynaud tuy kết quả không cao.
Hiện nay, có một số phương pháp mới như cắt hạch giao cảm cổ, tiêm tĩnh mạch prostaglandin cũng đang được nghiên cứu để điều trị hiện tượng Raynaud.
Theo SKDS