Mùa nắng nóng, việc đi lại, lao động, luyện tập ngoài trời nắng làm con người dễ mắc các bệnh do nắng nóng. Nóng có thể gây ra các bệnh từ nhẹ đến nặng là phù, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức và say nóng. Câu hỏi đặt ra là: làm sao để phát hiện và điều trị các bệnh do nóng? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Nắng nóng gây ra bệnh gì?
Nắng nóng có thể gây ra các bệnh: phù do nhiệt (heat edema); chuột rút (vọp bẻ); kiệt sức do nắng nóng; say nóng: là rối loạn nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan, dễ tử vong.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: nắng nóng; lao động, vận động ra nhiều mồ hôi; mắc các bệnh gây sốt; người đang dùng thuốc làm tăng sinh nhiệt như hormon tuyến giáp trạng, amphetamines, thuốc làm giảm khát như haloperidol, các thuốc làm giảm ra mồ hôi như: antihistamines, phenothiazines...; do mặc nhiều quần áo khó thoát nhiệt; người béo phì; trẻ em dưới 4 tuổi, người già trên 78 tuổi; người mắc bệnh mạn tính gây mất năng lực chịu đựng như suy tim, các bệnh tâm thần, nghiện rượu, bỏng rộng...
Đưa người ngất do nắng nóng vào nơi mát, đắp khăn ướt lên trán để làm mát.
Phát hiện và xử lý các bệnh do nắng nóng
Khi bạn đi lại hay hoạt động ngoài trời nắng, tùy theo thời gian và mức độ nhiễm nóng, bạn có thể mắc một trong các bệnh do nắng nóng như sau:
Phù do nắng nóng: là tình trạng sưng nhẹ ở bàn chân và mắt cá chân trong những ngày nắng, bệnh thường trở nặng trong những ngày đầu sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Người bệnh cũng dễ bị sưng nhẹ ở ngọn chi như bàn tay và bàn chân. Nguyên nhân gây phù do nhiệt là do sự giãn mạch ở da và sự ứ dịch nơi ngọn chi. Điều trị: hiểu biết về bệnh do nắng nóng sẽ giúp bạn yên tâm khi mắc bệnh này và bạn biết rằng cần phải tránh nhiễm nắng. Bạn cũng cần ăn uống, làm việc vừa sức và tạo điều kiện để nghỉ ngơi. Khi nằm, bạn cần nâng cao chi bị phù, nếu phù nặng, cần đeo tất đè ép. Điều cần lưu ý là không nên dùng thuốc lợi tiểu vì có thể làm mất thêm nước và muối.
Chuột rút do nóng thường xảy ra trong hoặc ngay sau khi vận động gắng sức ngoài trời nắng, là tình trạng co thắt những nhóm cơ lớn như bắp chân và đùi gây đau đớn. Chuột rút cũng hay gặp khi chỉ uống bù nước mà không bù muối, dẫn đến tình trạng giảm natri huyết trong các cơ, gây co thắt những cơ lớn, nhất là ở bắp chân, đùi và vai. Điều trị cần bù nước và muối, tốt nhất là uống dung dịch oresol, truyền dịch Ringer Lactat, hoặc truyền dung dịch mặn hoặc ngọt đẳng trương. Bạn có thể phòng bệnh bằng cách uống dung dịch oresol, nước chanh pha với đường và một chút muối, nước dừa, nước chanh muối...
Ngất xỉu do nắng nóng: xảy ra do cơ thể mất nhiều nước vì ra mồ hôi, giãn mạch ngoại biên và giảm trương lực vận mạch, không uống nước đầy đủ, tình trạng đói khát khi hoạt động ngoài nắng. Bệnh thường xảy ra do ở lâu ngoài trời nắng nóng, chẳng hạn luyện tập quân sự, làm đồng, thợ xây dựng...người già và những người yếu, thích nghi kém với trời nắng nóng. Thân nhiệt tăng cao, giãn mạch và mất nước với biểu hiện khát là những triệu chứng báo trước. Điều trị: cần đặt bệnh nhân nằm trong chỗ râm mát, cho uống dịch oresol nếu bệnh nhân còn có thể uống được. Nới rộng hay cởi bỏ bớt quần áo. Lau mát cơ thể, quạt thoáng khí.
Kiệt sức do nắng nóng: là tình trạng bệnh nặng hơn, xảy ra khi cơ thể mất nước và mất muối nhiều. Biểu hiện của bệnh gồm: nôn mửa, chóng mặt, tăng thân nhiệt nhẹ, các dấu hiệu mất nước như khát, khô môi, trạng thái tâm thần chỉ bị biến đổi ít. Kiệt sức do nhiệt loại mất muối xảy ra khi bệnh nhân chỉ uống bù nước, không bù muối, hậu quả là giảm natri huyết và thể tích máu tương đối bị giảm. Kiệt sức do nhiệt loại mất nước nguy hiểm hơn, tiến triển nhanh chóng đến tình trạng mất nước và say nóng. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời, cả hai trường hợp bệnh nhân đều nhanh hồi phục. Điều trị: cần làm mát là chủ yếu, nhanh chóng đưa bệnh nhân vào nơi râm mát; bù nước và muối bằng truyền tĩnh mạch với dung dịch muối đẳng trương hay Ringer Lactat.
Say nóng: xảy ra khi cơ thể không thể thải nhiệt, khiến thân nhiệt tăng cao, dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan. Say nóng có triệu chứng nổi bật là tăng thân nhiệt và loạn năng hệ thần kinh trung ương. Hậu quả là thương tổn mô, rối loạn đông máu, suy vi tuần hoàn, suy nhiều cơ quan, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Biểu hiện say nóng gồm: choáng, biến đổi tri giác, thân nhiệt trên 40oC; có ra mồ hôi hoặc không; mất nước, nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, hạ huyết áp; trường hợp nặng có co giật, hôn mê. Điều trị: cần nhanh chóng làm mát bệnh nhân, bằng cách nhúng bệnh nhân vào nước mát, cởi bớt quần áo, quấn người bằng khăn ướt trong lúc di chuyển. Phun bụi nước ấm lên da bệnh nhân, đồng thời hướng quạt máy lên bề mặt da ẩm ướt để làm gia tăng sự bốc hơi. Có thể đặt các bọc nước đá lên bẹn và nách nhưng phải được theo dõi để tránh thương tổn da do lạnh. Ở bệnh viện, bệnh nhân có thể được rửa dạ dày, rửa bàng quang hay rửa xoang phúc mạc... nếu các cách làm lạnh bên ngoài không có kết quả.
Phòng bệnh
Khi ra ngoài trời nắng, bạn cần mặc quần dài, áo dài tay, đội nón mũ rộng vành để tránh nắng chiếu vào da. Mọi người, nhất là người già và trẻ em không nên ra trời nắng từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Mùa nắng nóng, mọi người cần thường xuyên uống nước, tốt nhất là nước oresol, nước chanh pha đường muối, nước trái cây, nước khoáng... không nên để khát mới uống mà nên uống định kỳ theo một khoảng thời gian chừng 45 phút đến 1 giờ một lần. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức chống đỡ với nắng nóng cho cơ thể. Điều trị tích cực các bệnh là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.