Cho dù mùa hè cũng không được uống quá nhiều nước!
Ngộ độc vì không khát nước vẫn uống 3 lít/ngày
Chị Gia Hân ở Mê Linh, Hà Nội có thói quen uống rất ít nước hàng ngày, ăn cơm cũng ít khi ăn canh, hoa quả cũng không ăn nhiều.
Chẳng rõ có phải do thiếu nước hay "có tuổi" mà gần đây chị Hân thường thấy da bị khô, bong tróc, tóc cứng.
Nghe bạn bè mách uống nhiều nước có thể cải thiện tình trạng trên, chị Hân nhanh chóng lên kế hoạch mỗi ngày phải uống nhiều nước, không khát cũng uống, sao cho đủ 3-4 lít/ngày. Hậu quả là chị bị ngộ độc do uống nước quá nhiều dẫn tới tình trạng liên tục bị choáng váng, người mệt mỏi.
Có nhiều người nhầm lẫn một điều rằng uống nhiều nước vào mùa hè vừa giúp giải khát vừa tăng cường đào thải chất độc hại ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, không phải càng uống nhiều nước trong ngày nắng nóng thì càng tốt. Nhiều người dù không khát, không vận động ra nhiều mồ hôi nhưng vẫn cố uống cho đủ 2-3 lít nước mỗi ngày. Uống nước như vậy không những không hữu ích mà còn có hại, đặc biệt nó còn gây nguy hiểm đến tính mạng đối với những người mắc bệnh thận, tim, huyết áp…
Thừa nước nguy hiểm hơn thiếu nước
Nước chiếm từ 60 – 70% cơ thể, thực hiện nhiệm vụ đào thải các chất độc hại ra ngoài qua nước tiểu, mồ hôi. Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể. Nhưng nếu uống quá nhiều nước so với nhu cầu sẽ khiến thận làm việc quá sức, thậm chí dẫn đến rối loạn chức năng thải lọc thận. Khi bị rối loạn, thận có thể thải các chất đã được chuyển hóa và cả các dưỡng chất, nguyên tố vi lượng có lợi khác.
BS.ThS Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, con người có thể bổ sung nước từ đồ uống hoặc đồ ăn như rau tươi, trái cây.
Nếu ăn chế độ ăn gồm các thực phẩm chứa nhiều nước như cháo, súp... thì nhu cầu uống nước ít hơn, ngược lại nếu ăn toàn đồ khô thì nhu cầu uống nước tăng lên. Chúng ta chỉ nên bổ sung nhiều nước trong trường hợp cơ thể bị mất nước nhiều như trong trường hợp sốt cao, mất nước hoặc thời tiết quá nóng khiến bạn đổ mồ hôi nhiều, khi tập thể thao, khi bị nôn, hay đi tiêu chảy....
Nếu không uống đủ nước, chức năng của tế bào và các cơ quan sẽ rối loạn. Thận yếu đi, không đảm đương được nhiệm vụ của mình, khiến cơ thể tích lũy nhiều chất độc hại. Những người thường xuyên không uống đủ nước sẽ thấy da bị khô, tóc dễ gãy, mệt mỏi, đau đầu, táo bón, hình thành sỏi ở thận và túi mật.
Tuy nhiên một số người lại lầm tưởng rằng uống càng nhiều nước thì sẽ càng tăng cường thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể và tránh được các tình trạng trên. Nhưng thực chất, uống nhiều nước không chỉ gây quá tải cho thận, ngoài việc thải các sản phẩm chuyển hóa, các chất độc hại, cơ thể thừa nước còn thải các dưỡng chất và nguyên tố vi lượng khi lượng. Tình trạng dư thừa nước tự do trong cơ thể sẽ gây ra rối loạn các chất điện giải trong máu. Nồng độ các thành phần điện giải này trong máu có thể thấp do bị nước pha loãng, ảnh hưởng đến các tế bào và hoạt động của tế bào trong cơ thể, đặc biệt là tế bào não.
Vì vậy, không nên uống quá nhiều nước trong một ngày. Lượng nước vào cơ thể quá nhiều có thể làm tăng tổng lượng máu toàn cơ thể, gây gánh nặng cho tim và mạch máu, dẫn tới tình trạng ngộ độc nước vì thận không kịp bài tiết. Nước xâm nhập tế bào sẽ làm mất thăng bằng muối khoáng, dẫn đến rối loạn điện giải, các chức năng tế bào bị đình trệ, đưa đến hôn mê, thậm chí có thể chết người.
Theo bác sĩ Hải, tốt nhất sáng ngủ dậy bạn nên uống 1- 2 ly nước đun sôi để nguội, vừa tỉnh ngủ lại tốt cho cơ thể. Uống nước vào sáng sớm còn có tác dụng làm sạch đường tiêu hoá. Nên uống nước 10 phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn. Vì uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và đưa dịch vị dạ dày xuống ruột nhanh chóng, khiến cho việc tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa, vừa uống, vừa ăn có thể khiến bạn nuốt thức ăn khi chưa nhai kỹ, điều này không có lợi cho dạ dày.
Uống nước không nên uống một lần quá nhiều mà chia làm nhiều lần trong ngày. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc, tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm một, để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu.
Theo AF