Bệnh khí phế thũng là một bệnh phổi tiến triển rất hay gặp ở người cao tuổi (NCT) do căng giãn thường xuyên làm giảm khả năng đàn hồi, thậm chí làm mất khả năng hồi phục của thành các tiểu phế quản, phế quản tận và phế nang. Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Những yếu tố gây bệnh khí phế thũng
Nguyên nhân gây nên khí phế thũng rất đa dạng, nổi bật nhất là viêm phế quản, tiểu phế quản, phế nang mạn tính, kéo dài. Những viêm nhiễm này có thể do vi khuẩn, virut, ký sinh trùng nhưng cũng có thể do tác động của hóa chất, bụi bẩn, khói do các chất đốt (than đá, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào), khói thải ra từ các động cơ (ôtô, xe máy, máy nổ). Nghiên cứu cho thấy, người nghiện thuốc lá, thuốc lào, đặc biệt là NCT, tỷ lệ mắc bệnh khí phế thũng rất cao. Lý do là khói của thuốc lá, thuốc lào có thể làm tê liệt tạm thời các lông chuyển của thành phế quản, tiểu phế quản và phế nang (ở người bình thường, các lông chuyển này có tác dụng đẩy các chất gây kích ứng và các mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp). Khi các lông chuyển bị tê liệt thì các chất gây kích ứng sẽ bị ứ đọng lại ở phế quản, dần dần thâm nhiễm vào các phế nang gây viêm và cuối cùng làm xơ hóa các sợi chun.
Ngoài ra, do tuổi cao nên thiếu một loại protein có tên là AAt (anpha1- antitripsin) có tác dụng bảo vệ các cấu trúc chun của phổi tránh tác động của một số men (enzym). Nếu thiếu protein AAt có thể dẫn đến tổn thương phổi tiến triển và hậu quả là bị bệnh khí phế thũng. Một số bệnh mạn tính như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phế quản mạn tính cũng làm căng giãn thường xuyên các thành phế quản, phế nang và cả hệ thống mao mạch của tổ chức phổi gây nên khí phế thũng. Lao phổi cũng là một trong những nguyên nhân gây khí phế thũng vì vi khuẩn lao làm tổn thương và xơ hóa thành phế nang. Ngoài ra, bệnh khí phế thũng cũng gặp ở những nghệ sĩ thổi kèn, công nhân thổi bóng đèn thủy tinh hoặc bị bệnh bụi phổi do phải thường xuyên tiếp xúc với bụi của hầm lò, nhà máy, công ty may, công ty bông vải, sợi...
Biểu hiện và biến chứng của bệnh như thế nào?
Biểu hiện chính của bệnh khí phế thũng là khó thở ra, nhất là lúc mang, vác nặng, lên cầu thang hoặc làm việc nặng, quá sức, mệt mỏi và giảm khả năng hoạt động thể lực. Khó thở có thể tăng lên khi nằm hoặc đang bị viêm phế quản, viêm phế quản - phổi, áp-xe phổi, hen suyễn... Khám bệnh có thể thấy người bệnh có biểu hiện khó thở, môi tím (do thiếu ôxy), lồng ngực biến dạng (người ta gọi là lồng ngực có dạng hình thùng), gõ vang, rì rào phế nang giảm, nghe phổi có ran ẩm, ran ngáy, ran rít, ran nổ. Trường hợp nặng có thể xuất hiện phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi (khi đã biến chứng).
Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như Xquang phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), đo chức năng hô hấp, xét nghiệm máu ngoại vi, xét nghiệm đờm, điện tim... rất cần được thực hiện để giúp cho việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Lưu ý một số bệnh về phổi có thể nhầm với khí phế thũng như hen suyễn, tràn khí màng phổi, kén phổi, COPD... Bệnh khí phế thũng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể để lại biến chứng nguy hiểm như tâm phế mạn (dẫn đến suy tim), suy hô hấp, tràn khí màng phổi (do vỡ bóng khí) hoặc gây tắc nghẽn động mạch phổi. Tuy vậy, nếu được phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Tập thở đúng cách giúp phòng bệnh khí phế thũng.
Phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất
Vệ sinh cá nhân hàng ngày có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng bệnh viêm đường hô hấp nói chung và bệnh khí phế thũng đối với NCT nói riêng. Cần đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ buổi tối, những người mang răng giả cũng rất cần vệ sinh hàm răng hàng ngày. Khi bị viêm đường hô hấp, cần đi khám bệnh để được điều trị đúng và không tái phát. NCT, đặc biệt là những người đã và đang mắc bệnh đường hô hấp thì tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào bởi thuốc lá, thuốc lào gây nên nhiều bệnh về phổi, đặc biệt càng làm nặng thêm bệnh khí phế thũng, COPD và ung thư phổi.
Cần trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi (khai thác than đá, đá, vệ sinh môi trường, người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, công nhân may, làm đường). Hàng ngày, nên tập thể dục đều đặn, nhất là các động tác thở làm tăng tính đàn hồi cho tổ chức phổi. Cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, không để cảm lạnh dễ dẫn đến bệnh viêm đường hô hấp.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.