Các nghiên cứu khoa học đã xác nhận tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi (NCT) liên quan rõ rệt với sự sụt giảm bài tiết một nội tiết tố của tuyến tùng có tên là melatonin – một chất có vai trò điều hòa nhịp thức - ngủ. Trong cơ thể người, melatonin được tiết ra từ lúc mới sinh, đến 15 tuổi, bắt đầu giảm đi và sau 45 tuổi bị cạn kiệt rất nhanh. Ngay cả khi đạt mức tối đa, lượng melatonin ở NCT cũng chỉ bằng một nửa so vớI người trẻ, đến 80 tuổi thì giảm đến mức tối thiểu.
Càng cao tuổi càng dễ mất ngủ
Điều dễ nhận thấy là trẻ càng nhỏ tuổi ngủ càng nhiều (trẻ mới sinh gần như ngủ suốt ngày, chỉ thức giấc khi đói hay tã ướt), thanh niên mỗi ngày ngủ 8-9 giờ, NCT ngủ ít hơn nhiều: chỉ 5-6 giờ hoặc 4-5 giờ, lại hay thức giấc nhất là các cụ ông. Nhưng, theo các nhà sinh lý học, vấn đế cốt lõi không phải ở số giờ ngủ mà ở chất lượng giấc ngủ: một giấc ngủ êm dịu, không mộng mị, chập chờn; thức dậy thấy thoải mái, dễ chịu, hào hứng bước vào một ngày mới. Điều này cũng có nghĩa là, không thể đòi hỏi NCT phải ngủ được nhiều như những người trẻ tuổi.
Điều tra dịch tễ học cho thấy, số đông NCT thường phàn nàn về giấc ngủ. Có cụ vào giấc ngủ rất khó nhưng rồi ngủ được. Có cụ vừa đặt lưng đã ngủ nhưng nửa đêm tỉnh giấc rồi mắt “chong chong” đến sáng. Nhưng phần lớn ngủ chập chờn, không say, giấc ngủ bị đứt quãng nhiều lần, khi thức dậy cảm thấy không thoải mái, uể oải. Các cụ bà hay bị mất ngủ hơn các cụ ông; trên 70 tuổi, tỷ lệ mất ngủ ở các cụ bà cao gấp đôi các cụ ông.
Mất ngủ có thể nhất thời xảy ra (gọi là mất ngủ cấp tính). Mất ngủ cấp tính chủ yếu do rối loạn thích nghi, có đặc điểm là mất ngủ ngắt quãng (có những lúc tỉnh giấc), ban ngày mệt mỏi, buồn ngủ và ngủ bù; nhưng khi stress được giải tỏa, giấc ngủ sẽ trở lại bình thường. Thời gian mất ngủ trung bình 1-2 tuần lễ tùy theo tuổi tác, cá tính và tính chất stress. Chẳng hạn: tiếng xe cộ qua lại, tiếng nhạc ầm ĩ, chói tai, mùi các con vật nuôi trong nhà... đều có thể là những stress.
Khi stress không được loại trừ hoặc xuất hiện các nhân tố làm cho nó tiếp tục tồn tại, mất ngủ vẫn tiếp diễn và kéo dài thậm chí thành mạn tính. Một số thói quen như giờ giấc đi ngủ thất thường, thường xuyên nằm trên giường xem ti-vi nhiều giờ liền, ăn uống tại phòng ngủ; uống rượu, hút thuốc lá, uống cà phê, trà đặc buổi tối hay lo lắng quá mức về tình trạng mất ngủ... có thể làm mất ngủ kéo dài. Gọi là mất ngủ mạn tính khi thờI gian mất ngủ kéo dài từ 3 tháng trở lên.
Những nguyên nhân gây ra mất ngủ
Mất ngủ có thể là một triệu chứng của một bệnh, hay do nhiều nguyên nhân gây ra. Mỗi nguyên nhân lại có những dấu hiệu mất ngủ đặc trưng, chẳng hạn:
- Mất ngủ do các sự cố (như phải thay đổi chỗ ở, ốm đau bệnh tật, mất việc làm, hôn nhân tan vỡ, đau buồn tang tóc...) thường rất khó vào giấc ngủ.
- Mất ngủ có trầm cảm: ngủ không yên hay thức giấc, dậy quá sớm trước giờ thường lệ, kèm theo suy nghĩ miên man, tâm trạng buồn chán, sụt cân.
- Mất ngủ do bệnh tim: khó thở khi nằm ở người bị suy tim, do khó thở kịch phát trong cơn tăng huyết áp, loạn nhịp tim làm thức dậy đột ngột giữa lúc đang ngủ.
- Mất ngủ do đau (đau khớp, đau vùng trước tim...): khó vào giấc ngủ, nhiều lần phải thức giấc.
- Mất ngủ do hội chứng ngừng thở khi ngủ (như bị viêm phế quản tắc nghẽn, hen suyễn...): ngủ đủ số giờ cần thiết nhưng khi thức dậy thấy không dễ chịu, người mệt mỏi; bị nhức đầu lúc mới thức dậy buổi sáng, khó tập trung chú ý, rối loạn trí nhớ; ban đêm ngáy như sấm, ra nhiều mồ hôi, trằn trọc, nhiều lần thức giấc.
Để được giấc ngủ ngon
Để được ngon giấc, các bậc cao niên cần quan tâm đến một số yêu cầu sau đây:
- Tránh mọi tác nhân kích thích: ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ không uống ruợu; sau 4 giờ chiều không hút thuốc lá (nếu bỏ thuốc lá, thuốc lào thì càng tốt), không uống cà phê; cũng không nên dùng các thức ăn, đồ uống có caffein trước khi đi ngủ.
- Tập luyện đều đặn, tốt nhất là tập vào cuối buổi chiều nhưng cần tránh tập các môn hoạt động thể lực mạnh sau 6 giờ chiều. Các bài tập như: đi bộ, xoa bóp, thư giãn rất tốt cho tuổi già và giấc ngủ.
- Bữa tối nên ăn nhẹ; không dùng sôcô- la, các thức ngọt; không uống nhiều nước; có thể tắm nước ấm hoặc lau ngườI bằng nước ấm trước khi đi ngủ.
- Phòng ngủ phải yên tĩnh, ánh sáng thích hợp, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; không có gió lùa nhất là về mùa rét.
- Chỉ lên giường khi đã sẵn sàng cho giấc ngủ. Vào giường ngủ, không nói chuyện, không đọc sách báo, không xem ti-vi, không nghe nhạc hay suy tính công việc làm ăn...
- Mỗi sáng nên thức dậy vào một giờ nhất định. Buổi trưa nên ngủ vào một giờ nhất định và chỉ nên ngủ 30-45 phút hoặc thư giãn chừng 30 phút.
Các biện pháp không dùng thuốc
Nếu bị mất ngủ, trước tiên nên áp dụng các biện pháp không dùng thuốc hay dùng dược thiện, tùy theo hoàn cảnh cụ thể:
- Gõ ngón trỏ (gõ mạnh vừa phảI bằng mô đốt ngón 3) lên đầu lông mày hai bên, mỗi bên 30-60 lần. Xong vuốt nhẹ lông mày 2 bên từ đầu đến đuôi lông mày.
- Gãi chân tóc từ trán ra sau gáy trong 2-3 phút bằng 10 đầu ngón tay hoặc bằng lược.
- Xoa nóng 2 bàn chân.
- Ngâm chân nước ấm 38-43oC trong 20 phút, mỗi ngày 2 lần, trong đó có một lần trước khi đi ngủ buổi tối.
- Gối đậu đen rang nóng (theo Nam dược thần hiệu của Thiền sư Tuệ Tĩnh): rang nóng đậu đen, rồi cho vào gối, gốI suốt đêm.
- Hoa chuối 30g rửa sạch, thái nhỏ; Tim lợn một quả, rửa sạch, bổ tư ; xào chín với hoa chuối, ăn cả cái lẫn nước.
- Hoa thiên lý xào với tim lợn hoặc nấu canh với thịt nạc, ăn hàng ngày.
- Tâm sen 2-4g/ngày, hãm với nước sôi, uống thay trà.
- Lá vông nem (chọn lá bánh tẻ) rửa sạch, luộc hoặc nấu canh ăn; cũng có thể hãm trà 2-4g/ngày hoặc dùng dướI dạng cao lỏng (2-4g/ngày), uống trước khi đi ngủ buổi tối.
- Lạc tiên: lấy ngọn non, rửa sạch, luộc chín; ăn vào buổi chiều hoặc vài giờ trước khi đi ngủ buổi tối.
- Nước ép quả cà chua pha với mật ong, uống buổi tối.
Nếu vẫn không cải thiện được giấc ngủ mới phải dùng thuốc. Theo khuyến cáo của các nhà lão khoa, các cụ chỉ nên dùng thuốc ngủ hay các thuốc an thần gây ngủ tân dược khi thật cần; và nên bắt đầu bằng một loại thuốc ngủ có nguồn gốc thảo dược như: mimosa, rotundin... sau mới dùng đến hóa dược như benzodiazepin, barbituric... và cũng chỉ nên sử dụng trong dăm bảy tối để tránh độc cho gan, thận và tránh lệ thuộc thuốc ngủ. Cũng nên kết hợp với thư giãn hoặc thở bụng (thở 4 thì: hít vào hết sức cho bụng phình lên tối đa ngừng vài giây thở ra hết tới khi bụng hóp lại hết cỡ thở ra)... tạo điều kiện đi vào giấc ngủ dễ dàng.
( theo suckhoedoisong)
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.