Nguyên nhân đau nhức khớp vào mùa lạnh là do không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da bởi các lỗ chân lông, làm cho mạch máu tại các vùng da đó co lại.
Thời tiết chuyển mùa, đặc biệt khí hậu lạnh là điều kiện thuận lợi cho các bệnh xương khớp xuất hiện ở người cao tuổi (NCT) làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của họ.
Viêm khớp là hiện tượng đau nhức khủng khiếp ở các khớp, sưng nề, bầm, đi lại, cử động khó khăn hoặc mỗi khi đụng vào rất đau. Các triệu chứng này thường xuất hiện ngày càng tăng thêm và có thể đưa đến thoái hóa khớp, do đó, mỗi khi thời tiết thay đổi, nhất là mưa, lạnh thì NCT có cảm giác khó chịu ở các khớp xương nhiều hơn.
Nguyên nhân gây đau nhức khớp mùa lạnh
Nguyên nhân đau nhức khớp vào mùa lạnh là do không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da bởi các lỗ chân lông, làm cho mạch máu tại các vùng da đó co lại, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít gây nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, nuôi dưỡng các màng hoạt dịch và sụn khớp, chúng bị kích thích gây nên đau nhức khớp. Hơn nữa, một số NCT thường ngày đã bị các bệnh về khớp mãn tính (thoái hóa cột sống, thoái hóa sụn khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm dây chằng, lao cột sống) hoặc đã, đang bị viêm khớp gây đau nhức, nay gặp thời tiết lạnh càng đau nhiều hơn.
Ngoài ra, ở những NCT bị bệnh gút mãn tính, loãng xương cũng gây đau nhức xương khớp, nếu bị lạnh bệnh lại càng gia tăng. Đau nhức xương khớp mùa lạnh có thể gặp ở NCT béo phì, thừa cân do các khớp phải chịu trọng lực của cơ thể đè lên các xương khớp, thêm vào đó còn có trọng lực của áo quần mùa đông vừa nặng vừa gây khó khăn trong vận động càng làm cho xương khớp bị đau nhức.
Với NCT khi vào mùa lạnh, bị đau nhức xương khớp gây cho họ cảm giác khó chịu, đau nhức, tê buốt ở các khớp xương khớp, dai dẳng ám ảnh, “hành hạ” nhất là về đêm. Đặc biệt, ở những NCT có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu quần áo ấm, thiếu chăn, nhà ở không kín gió thì bệnh đau nhức xương khớp càng hành hạ nhiều hơn, khổ cực hơn. Do cảm giác chân, tay tê buốt, đau nhức lưng, đầu gối, bàn tay, ngón tay, khiến cho NCT gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn cảm thấy buồn phiền. Một số trường hợp đau dây thần kinh liên sườn do thoái hóa cột sống lưng làm cho người bệnh nhầm tưởng là mắc bệnh về tim mạch hoặc bệnh phổi nên càng hoang mang lo lắng. Điều đáng nói là càng bị đau, nhức xương, khớp thì người bệnh càng sợ cử động dẫn đến các khớp trở nên tê cứng, khó cử động và càng ngày bệnh càng nặng thêm gây cứng khớp. Thêm vào đó nếu không phát hiện sớm để điều trị và dự phòng thì hậu quả khó lường trước.
Nguyên tắc phòng và chữa trị
Khi bị đau nhức khớp, nhất là vào mùa lạnh, người cao tuổi (NCT) nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để xác định nguyên nhân (tổn thương thực thể, thoái hóa khớp hay chỉ là do viêm khớp phản ứng). Trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị tốt hơn. Người bệnh hoặc người nhà không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và không tự mua thuốc để điều trị, đặc biệt là thuốc loại corticoid (prednisonlon…) hoặc không steroid (voltagen...). Bởi vì, chúng có nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm nếu chưa có ý kiến của bác sĩ khám bệnh chỉ định, đặc biệt là những NCT có thêm các bệnh về hô hấp (hen suyễn), bệnh về tiêu hóa (viêm loét dạ dày - tá tràng…).
Đau nhức ở vị trí nào thì hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó
Người bệnh có thể tự làm là, mỗi khi có dấu hiệu đau, nhức khớp, tê, mỏi xảy ra, nhất là khi ngủ dậy ở vị trí nào thì hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách cạo gió, thoa bóp dầu (dầu gió, dầu cao sao vàng…). Mục đích của việc tự làm này là làm nóng vùng xunh quanh đó để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp, do đó sẽ giảm đau.Những trường hợp đã bị viêm khớp, thoái hóa khớp mãn tính cần có các loại thuốc giảm đau dự phòng để mỗi khi gió lạnh, đông về đau nhức khớp có thể dùng tạm khi chưa đến phòng khám ngay được. Cần lưu ý là các loại thuốc giảm đau nhức khớp phải được bác sĩ chỉ định.
Về phòng bệnh, dù có bệnh lý khớp từ trước hay không, trong mùa lạnh, NCT cũng cần giữ ấm cơ thể mình, trong đó đặc biệt lưu ý các khớp. Để làm tốt điều đó cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm, tay đi găng, chân đi tất. Khi ra khỏi nhà cần mặc ấm hơn để không cảm lạnh. Về chế độ dinh dưỡng, lý tưởng nhất là có chế độ hợp lý để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân và đầy đủ các vi chất cần thiết, cần tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi. Hàng ngày nên vận động nhẹ nhàng các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay, nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khớp.
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.