Ông bà ta thường có câu: “Khôn ăn cái, dại ăn nước”. Thế nhưng còn rất nhiều người quan niệm rằng, khi ninh thịt, ninh xương các chất bổ béo đã ra hết vào nước, nên chỉ cho con ăn nước vừa dễ ăn, dễ tiêu hóa lại vừa bổ...
Hàng ngày tại trung tâm khám của Viện Dinh dưỡng, các bác sĩ gặp nhiều bà mẹ phàn nàn: “Bác ơi, em cho cháu ăn chẳng thiếu thứ gì, mất bao nhiêu công ninh nấu, mà sao cháu chẳng lên cân, da cứ xanh nhợt mà chẳng biết đi, biết đứng gì cả”. Khi được hỏi về cách chế biến thức ăn cho trẻ thì hầu hết các bà mẹ này đều chỉ ninh lấy nước thịt, nước xương nấu bột nấu cháo cho trẻ, lý do là vì sợ cháu không ăn được, sợ cháu bị hóc thức ăn, một số cháu cứ lợn cợn tý thịt là nôn.
Có những bà mẹ khi được bác sĩ cho biết là cháu bị còi xương thì nói luôn: “Ngày nào em cũng ninh nửa cân xương ống, hai đôi chân gà để nấu bột cho cháu ăn mà sao vẫn bị còi xương hở bác?”. Bác sĩ giải thích: “Khi ninh thịt và xương chỉ có rất ít các acid amin hòa tan trong nước tạo vị ngọt, thơm, còn lại phần lớn chất đạm vẫn còn lại ở bã thịt, nếu cháu chỉ ăn nước thịt sẽ bị thiếu chất đạm dẫn đến suy dinh dưỡng còi cọc và thiếu máu. Còn ninh xương thì canxi hòa tan trong nước rất ít, cháu bị thiếu canxi nên bị còi xương”. Lúc này bà mẹ mới ồ lên: “Thế mà mà em cứ tưởng nước mới là chất bổ, em ninh kỹ thế cơ mà”.
Cũng có những ông bố tâm sự: “Vợ em bận việc suốt ngày, mọi việc chăm sóc cháu đều khoán cho người giúp việc, mỗi ngày ninh 2 - 3 lạng thịt thăn để nấu bột cho cháu, phần bã còn lại chị giúp việc tiếc của nên ăn, thế mà cháu bé thì cứ gầy còm xanh xao, còn chị giúp việc cứ béo tròn, da dẻ hồng hào, bây giờ nghe bác giải thích em mới hiểu phần bã thịt nhạt nhẽo ấy lại còn nhiều chất bổ đến vậy”. Nghe những câu chuyện trên, chắc các bà mẹ cũng đã hiểu nên cho con ăn cái hay ăn nước.
Nhiều bà mẹ cho rằng nước hầm có nhiều chất bổ, giúp trẻ dễ tiêu hóa và cứng xương. Thực ra, trong nước thịt, nước xương ninh hầm có nhiều nitơ, tuy tạo được hương vị thơm ngon, kích thích sự thèm ăn nhưng lại có rất ít đạm và canxi. Còn nước luộc rau, chỉ có một ít vitamin hòa tan trong nước (vitamin C, vitamin B1) với lượng không đáng kể. Hơn nữa chỉ cho ăn nước rau sẽ thiếu chất xơ dẫn đến trẻ bị táo bón cũng không hấp thu được thức ăn cũng dẫn đến suy dinh dưỡng. Trong những năm đầu đời, cân nặng và chiều cao của trẻ phát triển rất nhanh. Do vậy, nhu cầu dinh dưỡng tính theo cân nặng của trẻ cao hơn hẳn người lớn. Nếu chỉ luộc hoặc ninh thức ăn rồi lấy nước nấu bột, trẻ sẽ không có đủ dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn cả phần cái bằng cách nghiền, xay hoặc băm nhỏ. Tất cả các thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, canxi, phốt pho, sắt, kẽm... (giúp tạo dựng nên cấu trúc tế bào của các tổ chức và tham gia vào nhiều hoạt động chức năng cơ thể) đều nằm trong phần cái của thức ăn.
Trên thực tế, cũng có bà mẹ biết rằng ăn cả cái thì tốt hơn nhưng cứ cho ăn là trẻ lại nôn nên phải ăn nước. Vậy phải làm thế nào cho trẻ ăn được cái?
Điều quan trọng là ngay từ bữa ăn dặm đầu tiên, bà mẹ đã phải cho con ăn cả cái, chỉ có điều tập ăn ít một, lúc đầu xay băm nhuyễn, sau đó tăng dần độ thô của thức ăn lên, những miếng ăn đầu tiên cháu có thể ậm ọe muốn nôn, nhưng nếu kiên trì tập trẻ sẽ quen và không nôn nữa. Khi trẻ bắt đầu có răng, nhất là có răng hàm (từ trên 1 tuổi) thì không dùng máy xay sinh tố nữa mà phải cho ăn thô: chỉ băm thức ăn, thái rau, ăn cháo hạt hoặc cơm nát, mì, bún phở để cho trẻ tập nhai, khi nhai thức ăn kích thích tuyến nước bọt tiết men tiêu hóa giúp trẻ ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt, động tác nhai cũng giúp xương hàm phát triển, sau này bé không bị mọc răng lệch do cung hàm hẹp, cho ăn thô sớm cũng phòng ngừa được chứng biếng ăn ở trẻ. Như vậy, câu nói của ông bà ta “khôn ăn cái, dại ăn nước” quả là không sai!
Theo SKDS
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều người muốn mua một vài chai rượu ngoại để đi biếu hoặc dùng tiếp khách cho lịch sự. Thế nhưng, nếu không biết thì vô tình chúng ta bỏ tiền thật mua rượu giả và ít nhiều còn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D. Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D. Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%.
Có rất nhiều lý do khiến bé bị đau họng - khó nuốt như viêm họng, nhiệt miệng, mọc răng hoặc mắc bệnh tay chân miệng...
Mang thai là điều hạnh phúc của người phụ nữ. Cùng với những thay đổi về nội tiết trong lúc mang thai, thời kỳ này hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều.
Nếu bạn phân vân làm sao "quan hệ" an toàn mà không dính bầu thì hãy tham khảo 1 trong 5 phương pháp tránh thai sau nhé.