Bộ trưởng Bộ Y tế: “Nhiều bệnh viện đang hấp hối”
Đối thoại trực tuyến với dân về giá dịch vụ y tế tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 16/3, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ khá nhiều lo lắng, quan ngại của dân trước mức giá mới và tình trạng "hấp hối" của các bệnh viện khi giữ mức viện phí cũ.
Bộ trưởng Bộ Y tế đối thoại trực tuyến với dân về giá dịch vụ y tế - Ảnh: Chinhphu.vn |
Đối thoại trực tuyến với dân về giá dịch vụ y tế tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 16/3, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ khá nhiều lo lắng, quan ngại của dân trước mức giá mới và tình trạng "hấp hối" của các bệnh viện khi giữ mức viện phí cũ.
Ông Đặng Văn Thuý (Kiến An, Hải Phòng) đặt vấn đề, dù giá viện phí đã cũ, đã rất lạc hậu với giá thị trường và ngân sách Nhà nước cấp ngày càng eo hẹp, nhưng vì sao các bệnh viện vẫn chưa “ngã bệnh” và Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế đã bao giờ nhận được báo cáo lỗ của bệnh viện nào chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời rằng, tình trạng này rất nhiều, thậm chí có thể nói là nhiều bệnh viện đang “hấp hối”. Bộ Y tế, Sở Y tế nắm khá chắc nguồn thu chi của các bệnh viện và có thể nói mức thu hiện nay, những người quản lý chịu áp lực rất lớn. Nhiều bệnh viện nói hình ảnh là “tự ăn thịt mình”, họ khẳng định tồn tại như thế này là một nỗ lực rất lớn.
Ngày hôm qua, Bộ đã tổ chức hội nghị toàn ngành để chuẩn bị thực hiện Thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhưng các đại biểu cũng nói rằng việc điều chỉnh này mới chỉ là một phần. Do đó, nói mức thu như cũ mà không khó khăn là không đúng sự thật, Bà Tiến nói.
Bộ trưởng cũng lấy ví dụ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết năm 2011 nợ 70 tỷ đồng nếu Bộ không cấp thêm kinh phí vì lương cơ bản tăng.
Tuy nhiên, trong câu hỏi gửi Bộ trưởng, ông Vũ Nguyễn Thanh Phúc (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) phản ánh, từ khi Bộ Y tế rục rịch tăng viện phí, một số ý kiến cho rằng, đó chỉ là hình thức hợp lý hóa các khoản thu mà các bệnh viện đã “xé rào” từ lâu. Vì thế, vấn đề người dân băn khoăn hơn cả là sự minh bạch trong viện phí..
"Tôi cho rằng, nếu đã nằm trong hệ thống y tế công lập, mọi thứ được Nhà nước đầu tư từ A-Z thì bệnh viện tuyệt đối không được thu tiền của người bệnh bằng các dịch vụ với chi phí tăng thêm. Liệu Bộ Y tế có thể kiểm soát được vấn đề lạm dụng, làm ảnh hưởng đến túi tiền, đến đời sống của người bệnh? Đồng thời nay thêm phần điều chỉnh khung giá mới nữa liệu có dẫn đến tình trạng “giá chồng giá” tại các bệnh viện hay không?", ông Phúc nêu câu hỏi.
Cho rằng điều lo lắng của ông Phúc là rất đúng, song Bộ trưởng Tiến trả lời, các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế hiện nay không có chuyện được Nhà nước đầu tư mọi thứ. Đối với tuyến trung ương, ngân sách hiện nay, có những bệnh viện gần như tự chủ hoàn toàn, hoặc có những bệnh viện chỉ cấp khoảng 10-30%, đối với tuyến trung ương nói chung, chủ yếu chỉ cấp tiền lương cơ bản.
Mỗi lần tăng lương cơ bản, kèm theo phụ cấp, giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh rất lo. Vì tuyến trung ương, hỗ trợ khoảng 10-20%, tuyến tỉnh, ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 30-50%, chỉ có tuyến huyện hỗ trợ khoảng 80%. Còn lại là phải thu, mà nguồn thu đó chủ yếu từ bảo hiểm y tế và dịch vụ y tế khám theo yêu cầu, nhất là ở tuyến trên. Do đó, nói là lo từ A-Z là không có, Bộ trưởng khẳng định.
Còn với chuyện “xé rào”, theo Bộ trưởng: "sự thật này là có, nhưng không phải là xé rào, đấy là những trường hợp đi khám dịch vụ, tức là người không tham gia bảo hiểm y tế".
Bộ trưởng giải thích thêm, người không tham gia bảo hiểm y tế, tiền công khám khoảng 30.000 đồng, giá dịch vụ thu theo giá thị trường. Còn những bệnh nhân bảo hiểm y tế, giá này đã có sự thống nhất của Bộ Tài chính, Y tế, Bảo hiểm xã hội và có sự giám sát của Bảo hiểm xã hội, nên tiền khám cũng chỉ thanh toán 3.000 đồng, tức là khám ca ấy, bảo hiểm sẽ thanh toán lại cho bệnh viện 3.000 đồng, thuốc cũng nằm trong danh mục, dịch vụ trong khung giá, nên không thể xé rào.
“Xé rào" có thể đối với trường hợp bệnh nhân khám dịch vụ y tế (khám theo yêu cầu bản thân). Khám dịch vụ, ít nhất cũng phải thu đủ chi phí, bà Tiến nói.
Với quan ngại Bộ Y tế có kiểm soát được không?, Bộ trưởng cho biết, không phải hiện nay, mà từ trước tới nay Bộ đã triển khai một số biện pháp như xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn. Trong mỗi bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị bệnh viện, đơn vị giám sát (giám sát viên của Bảo hiểm), Bộ Y tế có thanh tra Bộ… Tại sở y tế các tỉnh cũng có các đơn vị tương ứng.
Còn về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tiến tới khoán, thanh toán trọn gói cho ca bệnh. Hiện nay đã làm thí điểm, còn khoán theo định suất đã làm đối với 40% số bệnh viện huyện. Lộ trình đó phải làm dần dần. Ở các nước, nhanh nhất cũng phải mất 10 năm. Hiện nay Bộ Y tế sẽ làm như vậy và tránh được vấn đề lạm dụng kỹ thuật và những vấn đề như sự lo lắng của độc giả.
Cũng liên quan đến bảo hiểm y tế, với câu hỏi của một độc giả khác, Bộ trưởng đưa ra lời khuyên: "Tôi cho rằng, mức đóng bảo hiểm y tế chỉ vào khoảng 400 nghìn đồng, trong khi mức chi có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Do đó, người dân nên mua bảo hiểm y tế".
(Theo Vneconomy)