Số hóa di sản văn hóa: Gần và xa
Năm 2010, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VH,TT&DL) bắt đầu triển khai dự án "Hệ thống thông tin điện tử văn hóa - xã hội" với mục tiêu quan trọng là trưng bày di sản văn hóa (DSVH) trong không gian ảo theo hình mẫu cổng thông tin quốc gia về văn hóa.
Năm 2010, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VH,TT&DL) bắt đầu triển khai dự án "Hệ thống thông tin điện tử văn hóa - xã hội" với mục tiêu quan trọng là trưng bày di sản văn hóa (DSVH) trong không gian ảo theo hình mẫu cổng thông tin quốc gia về văn hóa.
Cuộc "gặp gỡ" đầu tiên giữa các chuyên gia công nghệ 3D với các nhà nghiên cứu văn hóa tại hội thảo "Di sản văn hóa và giải pháp số hóa không gian di tích" là để tìm ra những phương án khả thi đưa dự án trở thành hiện thực.
Cuộc "gặp gỡ" đầu tiên giữa các chuyên gia công nghệ 3D với các nhà nghiên cứu văn hóa tại hội thảo "Di sản văn hóa và giải pháp số hóa không gian di tích" là để tìm ra những phương án khả thi đưa dự án trở thành hiện thực.
Cửa ô Hà Nội được phục dựng theo công nghệ 3D do nhóm 3D Hà Nội thực hiện. |
Ý tưởng hay, dù không mới
Ứng dụng công nghệ 3D trong các ngành khoa học xã hội đã khá phổ biến trên thế giới. Hàng trăm bảo tàng, công trình kiến trúc, di tích ảo đã được đưa lên internet nên ngồi một chỗ người ta vẫn có thể tìm hiểu được mọi thông tin mình quan tâm chỉ qua những cái click chuột. Một chuyên gia nhóm 3D Hà Nội thường xuyên tiếp cận với công nghệ 3D Nhật Bản khẳng định: Đây là một giải pháp ưu việt trong bảo tồn di tích (DT). DT được số hóa có thể là một vật cụ thể, đơn lẻ như trống đồng Đông Sơn nhưng cũng có thể bao gồm cả không gian rộng lớn như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành Cổ Loa, chùa Thầy…
Ông Mai Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VH,TT&DL), chủ đầu tư dự án cho biết: "Hình mẫu cổng thông tin quốc gia về văn hóa sẽ đem lại những trải nghiệm thực sự về một không gian văn hóa. Chẳng hạn khi bước vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám "ảo", du khách vừa có thể nhìn thấy các hình ảnh của DT, vừa có thể nhận biết không khí của từng mùa, từng chiếc lá rơi, từng ánh nắng vàng qua các hiệu ứng âm thanh. Ngoài ra, du khách muốn tìm hiểu về bất cứ thứ gì, viên gạch hay tấm bia đá cũng chỉ cần nhấn chuột". Còn theo PGS-TS Đinh Ngọc Vượng, Phó Viện trưởng Viện KHXH Việt Nam thì: "Khi thực hiện xong dự án, cả thế giới có thể truy cập để tìm hiểu DSVH Việt Nam. Ở đó, người ta có thể thấy cả Hoàng thành Thăng Long được phục dựng, biết hoàng cung thế nào, vua ngồi ở đâu…"
Trước dự án "Hệ thống thông tin điện tử văn hóa - xã hội", Việt Nam đã phục dựng phố cổ Hà Nội và tái hiện di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội bằng công nghệ 3D. Hai dự án này đều được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái và được dư luận đánh giá cao.
Bao giờ có bảo tàng điện tử về di sản?
Mặc dù ý tưởng xây dựng bảo tàng điện tử về di sản khá hấp dẫn nhưng chưa đủ sức thuyết phục các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa. PGS-TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: "Đã có nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài nhờ chúng tôi hỗ trợ để số hóa văn bia bằng chữ Hán, chữ Nôm nhưng đến khi làm thì mới thấy nhiều vấn đề phức tạp. Không chể chụp được toàn cảnh các tấm bia nên buộc chúng tôi phải kết hợp với bản dập để dựng một bản văn bia lên internet". PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng chia sẻ: "Khi chúng tôi thực hiện khai quật khu Hoàng thành Thăng Long, cũng có nhiều nhóm chuyên gia đề xuất vấn đề số hóa, song đến nay vẫn chưa làm được do việc nghiên cứu và phác họa di tích chưa hoàn thành, công tác quản lý nhiều chồng chéo".
Chung nỗi băn khoăn trên, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara (Phú Trạm) nêu ví dụ: "Với tháp Bà của người Chăm, người Kinh đã có công giữ hơi thở cho "tháp sống", đã biến tháp thành một thực thể mang cả hơi thở Việt và Chăm đầy tính sáng tạo, song sơn phết tượng đến mức không còn hình thù Bà như thế thì khi thực hiện số hóa đối với DT tháp Bà sẽ là tháp Bà của hiện tại hay tháp Bà trước khi tu sửa?". Đau đáu với núi rừng Tây Nguyên, nhà văn hóa Nguyên Ngọc cho rằng: "Rừng và làng là hồn của Tây Nguyên. Nhưng tôi rất tiếc phải nói rằng, ở Tây Nguyên hiện nay không còn nhiều rừng và làng nữa. Do đó, nếu tính đến chuyện số hóa những di sản Tây Nguyên bằng công nghệ 3D mà không nghĩ đến việc giữ rừng và làng thì những di sản được bảo tồn sẽ chỉ là những di sản giả".
Để một phần hóa giải những băn khoăn này, Tiến sĩ Trần Đức Minh, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Viện đã đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, đồng thời sẽ phối hợp với chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong công tác số hóa không gian DT để thực hiện dự án. Còn đại diện Công ty CP Giải pháp tích hợp vi tính viễn thông Việt Nam (IESVN) - đơn vị trúng thầu xây dựng cổng thông tin tổng hợp về di sản khẳng định: "Năm 2010, công ty sẽ tiến hành số hóa các DSVH, cả vật thể và phi vật thể ở dạng 2D và 3D, bắt đầu từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sau đó đến vịnh Hạ Long, Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế…". Tuy nhiên, đại diện của IESVN chưa khẳng định bao giờ công chúng mới được tiếp cận với bảo tàng điện tử về di sản.
(Theo Minh Ngọc // Hanoimoi Online)