Quảng cáo và văn hóa doanh nghiệp
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh quyết liệt về nhiều mặt để tồn tại, bắt buộc nhà sản xuất phải nghĩ đến vấn đề tiếp thị, quảng bá sản phẩm rộng rãi ra công chúng chứ không đơn thuần là tập trung cho mỗi khâu chất lượng. Bởi người tiêu dùng hiện tại đã có những chuyển đổi trong xu hướng mua sắm, và cách mà họ tiếp cận một sản phẩm cũng khác đi: Họ cần được nghe, nhìn, trước khi đi đến quyết định dùng thử một sản phẩm nào đó!
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh quyết liệt về nhiều mặt để tồn tại, bắt buộc nhà sản xuất phải nghĩ đến vấn đề tiếp thị, quảng bá sản phẩm rộng rãi ra công chúng chứ không đơn thuần là tập trung cho mỗi khâu chất lượng. Bởi người tiêu dùng hiện tại đã có những chuyển đổi trong xu hướng mua sắm, và cách mà họ tiếp cận một sản phẩm cũng khác đi: Họ cần được nghe, nhìn, trước khi đi đến quyết định dùng thử một sản phẩm nào đó!
Như vậy, các bước để nhà sản xuất đưa sản phẩm của mình tiếp cận khách hàng cũng buộc phải thay đổi, và nhiều doanh nghiệp lớn, năng động đã có hẳn một chiến lược quảng bá sản phẩm mà họ gọi là chiến lược Marketing, với kinh phí đầu tư không hề nhỏ. Các chuyên viên thiết kế quảng cáo phải đầu tư vào đó nhiều chất xám để làm bật lên tính ưu việt của sản phẩm và làm hài lòng công chúng để mong chiếm được vị trí trên thương trường.
Một chương trình quảng cáo tốt, cũng giống như một tác phẩm hay, có sức lan tỏa để chinh phục tình cảm người đọc và thành công từ đây cũng rất lớn. Nhiều người cho rằng Giày BITIS’ với câu slogan “Nâng niu bàn chân Việt” xuất hiện ở mọi nơi đã có sức chinh phục cao tình cảm người tiêu dùng khiến cho thương hiệu từ đó tỏa sáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít chương trình quảng cáo xem vừa nhức mắt, vừa phản cảm nhưng vẫn xuất hiện nhan nhản trên tivi khiến không ít bạn đọc viết thư phàn nàn. Ngoài thị trường, trước đây đã có không ít các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong khâu quản lý để tha hồ áp dụng những chiêu khuyến mãi “mua hàng trúng thưởng” nhưng không có người trúng, hoặc những trò ma mãnh hòng thu lợi riêng cho mình và làm thiệt hại đến những sản phẩm cùng loại khác. Khi có sự tham gia giám sát của cộng đồng thông qua các Hiệp hội ngành nghề, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bên cạnh sự tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, các hoạt động gian lận trong quảng cáo hiện có giảm đi, nhưng dường như việc đánh mất niềm tin trong lòng người tiêu dùng thì còn nguyên vẹn. Người ta thường quay lưng với các màn cào trúng thưởng trong sản phẩm cũng như những hứa hẹn về những phần thưởng rất lớn mà không biết ai trúng, trúng bao giờ, và có thật sự minh bạch hay không? Chính vì vậy, mà những thương hiệu làm ăn chân chính hiện đang tìm đến những giải pháp giải quyết vấn đề một cách thuyết phục, vừa đảm bảo đạo đức kinh doanh vừa thể hiện văn hóa doanh nghiệp. Ví dụ như nhãn hàng Uniliver với mặt hàng kem đánh răng PS. Vừa rồi, trong một chuyến đi thực tế địa bàn tận vùng nông thôn, chúng tôi đã gặp một hình ảnh đầy thân thiện: Khách hàng chỉ cần mang đến một vỏ hộp bao bì PS cũ đã mua, để tham gia quay số nhận phần thưởng. Và ai quay số cũng trúng thưởng, với một trong 3 món: Một bàn chải đánh răng PSx30, một hộp kem đánh răng PS ngừa sâu răng, hoặc một chai nước súc miệng ngừa sâu răng xinh xắn. Ngoài ra, chương trình quảng cáo còn trưng bày những khẩu hiệu chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua những khuyến cáo về vệ sinh răng miệng một cách trực quan, dễ tiếp thu.
Cách khuyến mãi này xem ra khiến người tiêu dùng rất hài lòng. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền ra để mua một hộp kem mới đúng với giá quy định, bóc vỏ hộp ngay để quay số và nhận về những phần quà của chương trình, dù nhỏ bé nhưng phù hợp với điều kiện thực tế. Theo họ, đây là cách “ăn chắc mặc bền”, chứng tỏ nhà sản xuất đảm bảo quyền lợi cho khách hàng một cách thiết thực, chứ không phải những lời hứa hảo to tát nhưng không có cơ hội nhận thưởng!
Theo anh Lê Minh Tâm, người thực hiện chương trình Marketing cho nhãn hàng Uniliver, nhờ phương pháp này, mà nơi đâu bà con nông thôn cũng tích cực hưởng ứng. Nhiều khi hàng bán hết rất nhanh khiến cho những khách hàng “lỡ đò” cảm thấy tiếc nuối và chỉ còn cách hẹn lại lần sau.
Thực hiện chương trình quảng cáo này, nhà sản xuất đã có một động thái đẹp, là thông qua việc giới thiệu sản phẩm, họ cũng đã góp một phần đáng kể trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Mong sao, ngành quản lý có những giải pháp tích cực hơn nữa trong việc giám sát, quản lý các chương trình quảng cáo, khuyến mãi, để động viên khen thưởng những thương hiệu thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và chế tài đối với các hình thức quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng…
(Theo T.N // Báo An Giang )