• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp mắc tay chân miệng

     Bệnh tay chân miệng là một bệnh do vi rút gây nên, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh vì vậy người dân cần chủ động phòng bệnh.

     Bệnh tay chân miệng là một bệnh do vi rút gây nên, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh vì vậy người dân cần chủ động phòng bệnh.

    Hà Nội ghi nhận 39 trường hợp mắc tay chân miệng  

    Theo Sở y tế Hà Nội trong nửa tháng 1 năm 2015, trên địa bàn Hà Nội có 39 trường hợp mắc ở 21 xã phường của 13 quận huyện, Trong đó, đặc biệt lưu ý ổ dịch tay chân miệng tại quận Bắc Từ Liêm có 6 bệnh nhân mắc.

    Mặc dù trong 2 năm qua, dịch tay chân miệng trên địa Hà Nội đã có dấu hiệu lắng xuống nhưng tình hình bệnh trong năm 2015 sẽ diễn biến khó lường. 5 ổ dịch, trong đó có ổ đến 6 trẻ mắc cho thấy virus gây bệnh lưu hành rộng rãi, nhiều tuýp virus gây bệnh trong khi chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Theo đó, Sở y tế đặt mục tiêu 100% ca bệnh/ổ dịch được điều tra xử lý trong vòng 48 giờ kể từ khi được phát hiện để kịp thời khống chế, khoanh vùng ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.

    Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát các trường hợp nghi mắc bệnh tay chân miệng vào khám và điều trị tại các bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực và tư nhân ít; thực hiện tốt vệ sinh trường học và nơi ở, đặc biệt là phối hợp liên ngành triển khai tuần lễ cao điểm vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường mầm non, mẫu giáo đợt 1 vào tháng 2/2015 và đợt 2 vào tháng 4/2015…

    Tin từ Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận 1.551 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, có 01 trường hợp tử vong, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2014 (2.255 mắc). Bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành và mắc rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

    Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, bệnh tay chân miệng do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, trong đó hay gặp là virus đường ruột tuýp 71 (EV71), đây là một chủng virus nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng và tử vong. Virus gây bệnh có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên mắc bệnh, nhưng thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần, do virus vẫn tồn tại trong phân. Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hầu hết người lớn miễn dịch, nhưng vẫn có trường hợp mắc bệnh ở thanh, thiếu niên và người lớn. Cũng theo ông Cảm, mỗi người có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần do có nhiều tuýp virus khác nhau.

    Khó khăn lớn nhất đối với việc phòng chống bệnh tay chân miệng hiện nay là chưa có vaccine phòng ngừa. 

    Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trường hợp bị bệnh.   

     

    Ảnh minh họa

    Dấu hiệu nhận biết của bệnh

    Bệnh tay chân miệng có triệu chứng như sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng.

    Một hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má.

    Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ khổng nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông và /hoặc ở cơ quan sinh dục.

    Người bị bệnh tay chân miệng có thể không biểu hiện triệu chứng, hoặc có thể chỉ có phát ban hoặc chỉ loét miệng.

    Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

    Chủ động phòng bệnh

    Bệnh tay chân miệng là một bệnh do virus gây nên, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Để phòng bệnh Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

    Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

    Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

    Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

    Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

    Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

    Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

    Theo afamily.vn