Hà Nội “bất lực” với nhà siêu mỏng, siêu méo?
Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội mới đây cho biết tính đến hết tháng 3/2013, trên địa bàn thành phố vẫn còn 252/297 căn nhà siêu mỏng, siêu méo chưa thể xử lý được, trong đó nhiều nhất vẫn là quận Ba Đình với 69 trường hợp.
Nhiều trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo đều là “mặt tiền”, nằm trên các trục đường thuận lợi cho thương mại, dịch vụ. |
Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội mới đây cho biết tính đến hết tháng 3/2013, trên địa bàn thành phố vẫn còn 252/297 căn nhà siêu mỏng, siêu méo chưa thể xử lý được, trong đó nhiều nhất vẫn là quận Ba Đình với 69 trường hợp.
Theo cơ quan này, mặc dù các văn bản pháp luật để xử lý nhà đất siêu mỏng, siêu méo đã được các sở ngành thống nhất, đủ điều kiện, thành phố cũng đã có quyết định, hướng dẫn các sở ngành phương án xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý loại nhà, đất này lại không hề đơn giản. Đặc biệt là chủ trương khuyến khích người dân tự hợp khối, hợp thửa để đảm bảo diện tích đủ điều kiện xây dựng.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Đức Học cho hay việc hợp khối, hợp thửa là rất khó khăn do nhiều trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo đều là “mặt tiền”, nằm trên các trục đường thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, có giá trị chuyển nhượng cao, hoặc do các hộ dân đã sinh sống và kinh doanh từ nhiều năm nay.
Đặc biệt, việc áp dụng chính sách thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng lại càng không được người dân đồng thuận. Một số trường hợp khi thu hồi đất còn vướng cơ chế tài chính như giá thuê, thời gian thuê và thủ tục đấu thầu.
Ngay cả khi người dân chấp thuận cho nhà nước thu hồi thì việc cũng không hề đơn giản, bởi theo quy định khi thu hồi đất để xây dựng công trình công conga, chính quyền, chủ đầu tư phải thực hiện hàng loạt thủ tục liên quan, như: lập dự án đầu tư, phương án đền bù, tái định cư, trích đo địa chính, bản đồ…, đi kèm với đó là phải có kinh phí.
Thậm chí, theo Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù thành phố đã có chỉ đạo quyết liệt xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo từ mấy năm trước, song nhiều quận, huyện vẫn “bình chân như vại”, không đề ra tiến độ, mục tiêu, thời hạn xử lý. Thậm chí một số quận, huyện có tiến độ cũng không thực hiện.
Trước thực tế khó khăn trên, thêm một lần nữa, các sở, ngành được giao nhiệm đã phải xin thành phố cho “giãn” tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đến hết quý 2/2013, sau khi đã có không dưới hai lần xin lùi, giãn và được thành phố chấp thuận.
Đối với chỉ đạo khuyến khích các hộ dân có nhà, đất siêu mỏng, siêu méo, Sở Xây dựng kiến nghị thành phố cho phép chỉ hợp khối công trình, kiến trúc, không hợp khối đất để mong tiến độ xử lý được thuận lợi hơn.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, sau khi xem xét báo cáo của Sở Xây dựng, ngày 16/4, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương nghiên cứu các vướng mắc nói trên, đề xuất những biện pháp, cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến trình xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn.
(Theo Vneconomy)