• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng: Có “trần” này, thiếu “trần” kia

    Sau hai đợt hạ trần lãi suất liên tiếp trong hai tháng vừa qua, hầu hết các DN, đặc biệt là đối tượng DNNVV, vẫn còn hy vọng sẽ có thêm những quy định mới được ban hành, có ấn định cụ thể về mức trần lãi suất cho vay…

    Chẳng TCTD, nhà băng nào lại muốn có thêm một cái “vòng kim cô” là trần lãi suất cho vay ở trên đầu
    Sau hai đợt hạ trần lãi suất liên tiếp trong hai tháng vừa qua, hầu hết các DN, đặc biệt là đối tượng DNNVV, vẫn còn hy vọng sẽ có thêm những quy định mới được ban hành, có ấn định cụ thể về mức trần lãi suất cho vay…

    Trong một nền kinh tế đang nỗ lực hướng tới cơ chế thị trường, mọi loại “trần”, dù là trần lãi suất huy động hay trần lãi suất cho vay, đều không phải là điều mà các chuyên gia kinh tế mong đợi.

    Giảm lãi vay vẫn khó tiếp cận

    Nếu không tính các gói lãi suất cho vay trị giá lớn mà nhiều TCTD đã công bố ngay sau đợt giảm lãi suất huy động xuống còn 13% hồi tháng 3/2012, nhìn trên bề mặt lãi suất cho vay của toàn hệ thống NH hiện nay, mức lãi dường như đã giảm. Riêng với các gói tín dụng cho vay mới được triển khai từ tháng 4 theo các NH là đã có điều chỉnh lãi suất, thì nhẩm tính sơ sơ tổng trị giá cũng đã lên tới hơn 15.000 tỉ đồng. Đó là chưa tính những cam kết hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, không hạn chế hạn mức với lãi suất cho vay bình quân chỉ từ 14-16%/ năm, từ các “ông lớn” Viettinbank, BIDV đưa ra. Cũng chưa tính những gói cho vay với mức lãi “bất ngờ” chỉ 12% dành cho DN thu mua lúa gạo xuất khẩu hay 13% -13,5% dành cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, DN sản xuất vừa và nhỏ cũng của hai “ông lớn” này, hay những thông tin hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp khoảng 1-2% so với lãi suất hiện hành, dành cho nhiều đối tượng DN và cá nhân vay tiêu dùng, các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn,… của một số NHTMCP quy mô lớn như ACB, OceanBank, hay NH “ngoại” HSBC...

    Một thị trường tín dụng đang đồng loạt giảm lãi vay ồ ạt, ở bình diện rộng như vậy, nhưng lại vẫn xuất hiện tình trạng, cũng trên bình diện rộng, là DN tiếp tục “kêu than” không tiếp cận được tín dụng giá rẻ, hẳn là một nghịch lý khó tin. Nhưng đây chính là phản hồi mạnh mẽ nhất của giới chủ DN tại cuộc gặp mặt DN phía Nam mới đây của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Theo các DN, dù lãi suất huy động đã giảm và người gửi tiền hầu đã phải chịu điều chỉnh của trần lãi suất mới, nhưng DN, người đi vay thì lại vẫn phải vay mới mức lãi suất cũ của cách đây vài ba tháng, từ khoảng 18 - 20% cho các loại hình sản xuất – kinh doanh. Tràn đầy bức xúc, ông Việt Anh - Giám đốc Cty Nhựa Nam Thái Sơn nói với báo giới: “Những quyết định hạ trần lãi suất huy động không gây bất cứ cảm xúc nào cho các DN, nhất là DN sản xuất. Điều họ mong đợi là thông tin về một mặt bằng lãi suất cho vay cố định, ổn định, chứ không phải là hạ lãi suất đầu vào để mang lại lợi ích cho các NH. Hiện tại, lãi suất mà DN vay được vẫn hầu như không đổi. Tại sao có thể có một trần lãi suất đầu vào, mà lại không có được một trần cho lãi suất đầu ra?”.

    Có “trần” này, sao không có “trần” kia? Nhiều DN đã đặt vấn đề như vậy và khẳng định: Một mức trần lãi suất cho vay mới chính là “chìa khoá” để thực sự mở ra cánh cửa vốn tín dụng cho hầu hết các DN đang vô cùng khó khăn vì đói vốn, phần khác là bị neo vốn vào hàng tồn kho, vào guồng quay sản xuất – kinh doanh đang có tiến độ ngày một chậm lại mà chi phí vốn lại không ngừng tăng.

    Dù không ủng hộ quan điểm phải có một trần lãi suất cho vay, cũng không ủng hộ cả quan điểm sử dụng trần lãi suất huy động, nhưng chuyên gia NH Lê Trọng Nhi cũng cho rằng lẽ thường, có áp đặt trần này, cũng phải có áp đặt trần kia. Ông Nhi nói với DĐDN: “Biện pháp áp đặt lãi suất trong nền kinh tế tiền tệ là một hình thức điều hành bất trắc và hẳn nhiên sẽ gây ra hàng loạt những bất trắc khác. Kinh doanh nói chung và kinh doanh tài chính nói riêng, theo cung cầu thị trường,có nhiều loại chi phí và thời hạn là biến số chứ không phải vài chi phí và thời gian cố định cho nên rất khó hoặc rất bất cập nếu áp đặt những trần lãi suất”.

    Cái lý của người cho vay

    Về phía các TCTD, dù không nói thẳng ra và dĩ nhiên càng không muốn nêu rõ tên, nhưng đại diện một số NH qua trao đổi với phóng viên, đều không giấu giếm quan điểm là chẳng TCTD, nhà băng nào lại muốn có thêm một cái “vòng kim cô” là trần lãi suất cho vay ở trên đầu. Với họ, một cái trần lãi suất đầu vào đã quá nặng. Với trần lãi suất đầu vào đang được áp đặt hiện nay, một số TCTD cũng “lãnh đủ” khi có chút sơ sảy hay bị “gài bẫy” nếu có chủ ý vượt trần. Huống gì giả dụ nay NHNN ban thêm một “vòng kim cô” ở phía lãi suất đầu ra, thì cũng đồng nghĩa với việc giúp người đi vay có câu thần chú để hạn chế quyền lực của người cho vay, cũng là bít lại mọi đường ngang, ngõ tắt trước nay vẫn hỗ trợ con đường tín dụng vốn gồ ghề của các nhà băng được thông suốt và vẫn còn cơ hội gia tăng lợi nhuận; và khi đó các nhà băng sẽ không phải chỉ chịu áp lực bị “dòm ngó”, giám sát của NHNN, mà còn của chính khách hàng lẫn của các NH khác. “Xã hội hoá giám sát không phải lúc nào cũng hay, vì bất kỳ mức trần nào, dù đầu vào hay đầu ra cũng là nguyên cớ để các nhà băng nhìn nhau với “đôi mắt mang hình viên đạn”, dễ dàng kiếm chuyện “triệt hạ đối phương”, gây ra một không khí cạnh tranh thiếu lành mạnh trong ngành kinh doanh NH”, đại diện một nhà băng có hội sở phía Nam bày tỏ.

    Hơn thế, chi phí vốn của mỗi một NH lại cũng là một yếu tố khiến việc đặt ra trần lãi suất cho vay, sẽ chẳng khác nào mở đại lộ thênh thang cho các NH lớn và bóp hẹp thêm con đường vốn đã hẹp của các NH nhỏ. Với lợi thế nguồn vốn không kỳ hạn có chi phí thấp chiếm tỉ trọng cao, dù phải hạ lãi suất cho vay về gần với lãi suất huy động thì các NH lớn vẫn làm ăn có lãi. Ngược lại, các NH nhỏ bị hạn chế đầu vào tiền gửi (bởi trần lãi suất huy động), lại  khó khăn mọi bề do cơ cấu vốn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư và DN), cũng không có nhiều tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức DN, mà nguồn vốn ổn định, dài hạn bao gồm các khoản như vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ dự trữ… thì càng không thể cạnh tranh so với những “đại gia”, các loại giấy tờ có giá lại không dễ dàng phát hành để huy động vốn, các khoản nợ trên thị trường 2 vẫn có lãi suất khá cao so với lãi suất huy động từ thị trường 1 đồng thời luôn ở trong tình trạng sẵn sàng đáo hạn ngắn hạn…, rõ ràng, các TCTD nhỏ chỉ có nước lâm nguy.

    Vấn đề là dù có khó khăn như vậy, thì hiện nay, NHNN cũng đã “đón trước” và ấn định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng rất hẹp cho các NH nhỏ. Bản thân một số NH nhỏ cũng đã đặt lên bàn “nghiên cứu” việc tái cấu trúc theo hướng sáp nhập, hợp nhất mà NHNN đặt ra. Nếu không thể vì một vài “con ngựa đau” (NHNN vẫn có thể hỗ trợ cắt cơn đau tạm thời), mà cả nền kinh tế phải chịu hệ luỵ. DN và người đi vay rất khó hưởng ứng, chịu thuyết phục bởi cái lý này.

    Hầu hết DN vẫn phải vay mới mức lãi suất cũ từ khoảng 18-20%.

    Cũng có thể còn một lý do khác, căn bản và sâu xa hơn khiến NHNN không áp đặt trần lãi suất cho vay, là sự kỳ vọng vào việc tạo nguồn vốn dồi dào cho các TCTD (từ việc hạ lãi suất cơ bản) để từ đó họ tự nguyện hạ lãi suất tiền vay. Tuy nhiên, các TCTD có thể dư vốn, kỳ vọng lạm phát đang xuống có thể khiến họ lạc quan hơn về giá vốn cho nền kinh tế, nhưng nếu vì thế mà không áp đặt trần lãi suất tiền vay thì xem ra lại dường như chưa thật phù hợp với thực tiễn. Rất nhiều TCTD đã đưa ra các con số trị giá lên đến hàng tỉ USD tiền dư chưa khớp được cầu vay. Và nếu không dư vốn, hẳn các TCTD cũng không đổ tiền vào kênh đầu tư trái phiếu, tín phiếu mạnh mẽ như trong quý I vừa qua. Riêng trong tuần từ ngày 9-14/4/2012, mặc dù lãi suất đã được điều chỉnh và LS tín phiếu chỉ còn 10,25-12,5%/năm, nhưng các NHTM vẫn dành đến 15.479 tỉ đồng mua tín phiếu của NHNN (nguồn: Tổng hợp từ Reuters của NDHMoney). Điều đó cho thấy, không phải các TCTD đang không dồi dào thanh khoản, mà thực tế là họ chưa có, hoặc chưa nhìn thấy động cơ để cho vay ra với lãi suất xuống thấp.

    Chuyên gia NH Lê Trọng Nhi nhận xét, “những điều hành chính sách tiền tệ luôn có những độ trễ và những độ trễ này sẽ tạo ra lợi thế cho các đối tượng hoặc ngành nghề này nhưng đồng thời tạo ra tổn thất cho các đối tượng và ngành nghề kia”. Hiểu rộng ra, với chính sách tiền tệ đang ấn định trần lãi suất một đầu như hiện nay, các ông chủ lớn, những “đại gia”  NH lớn sẽ là người được hưởng lợi trước, bởi trước mắt họ có thể rộng cửa tích luỹ lợi nhuận tốt hơn, nhanh hơn, nhiều hơn, vì vẫn sở hữu lợi thế chi phí vốn thấp mà lại không bị hạn chế đầu ra. Và dĩ nhiên - ông Nhi nói - trong một nền kinh tế với cơ chế quản lý điều hành còn loay hoay và nhiều thụ động cùng với hệ thống NHTM có quá nhiều bật cập như hiện nay, thì người đi vay sẽ là người yếu thế và dễ bị tổn thất.

    Dễ hiểu tại sao DN kêu cứ… kêu, các NH tung ra các gói cho vay trị giá lớn cứ… tung, mà vốn vào nền kinh tế vẫn rất hạn hẹp. “Nếu chúng ta có trần, thì nên áp đặt trần lãi suất đầu ra. Trần lãi suất đầu vào chỉ là hạn chế tiền gửi của dân và có lợi cho NH chứ không phải cho DN. Tôi đã nêu ý kiến này nhưng không ai nghe. Nên nếu bây giờ có ai hỏi tôi, thì tôi không ủng hộ cái trần nào cả”, ông Trương Đình Tuyển - thành viên HĐ Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, nói.

    Vẫn biết áp đặt các loại trần là bất đắc dĩ. Nhưng đã “vạn bất đắc dĩ” mà phải dùng đến phương sách, đến công cụ điều hành này, thì có lẽ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cũng phải tính tới chuyện dùng thuốc, dùng công cụ sao cho đủ liều, đủ mạnh, đúng với cơ địa của toàn hệ thống và nền kinh tế, để sớm trị dứt bệnh căn bệnh lãi suất cao, cũng là tự tạo cơ hội để sớm trở lại đúng hướng của nền kinh tế tiền tệ, và chính sách tiền tệ không còn thường xuyên bị áp đặt các loại “trần”.

    (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)