• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Đại Danh Y Tuệ Tĩnh

    Tuệ Tĩnh chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, pháp hiệu (theo tên gọi của nhà chùa) là Tuệ Tĩnh. Ông sinh ra ở làng Nghĩa Phú (tục gọi là làng Xưa), thuộc tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng (gần Kẻ Sặt), phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương - ....

    Tuệ Tĩnh chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, pháp hiệu (theo tên gọi của nhà chùa) là Tuệ Tĩnh. Ông sinh ra ở làng Nghĩa Phú (tục gọi là làng Xưa), thuộc tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng (gần Kẻ Sặt), phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương - nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Thôn này ở cách ga Cao Xá trên đường sắt Hà Nội - Hải Phòng 1,5 km và cách tỉnh lỵ Hải Dương hơn 10 km.

    Vì sinh ở làng Nghĩa Phú, phủ Thượng Hồng, nên Tuệ Tĩnh đặt biệt hiệu là Hồng Nghĩa. Vì thế mà sau này ông có tác phẩm "Hồng Nghĩa giác tư y thư", và cuốn "Nam Dược Thần Hiệu", là hai tác phẩm quý giá còn để lại cho chúng ta đến hôm nay.

    Về năm sinh của Tuệ Tĩnh cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Về thanh danh của Tuệ Tĩnh, các tài liệu cũng chưa thống nhất. Tương truyền, Tuệ Tĩnh là một nhà sư thông minh lỗi lạc, thi đậu Ðệ nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp, và lại giỏi thuốc trị bệnh nên bị bắt đi cống cho nhà Minh. Ở Trung Quốc, Tuệ Tĩnh đã chữa cho Tống Vương Phi (vợ vua Minh) khỏi bệnh sản hậu nên được phong là "Ðại Y Thiền Sư". Hiện nay ở các đền thờ ông, có các câu đối ngụ ý về các sự tích đó. Thí dụ ở đền bia làng Văn Thai có câu:

    Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa,
    Thánh sư diệu dược trấn Nam Bang.
    Ðược tạm dịch như sau:
    Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng Trung Quốc
    Chữa bệnh thần diệu tài quán Nam Bang.


    Nhưng theo cuốn: "Hải Dương phong vật chí" (A.882 Fo 76b của Thư viện khoa học) chép: "Tuệ Tĩnh tiên sinh, thầy thuốc danh tiếng ở xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, chuyên dùng thuốc nam chữa bệnh rất công hiệu, có chép các tập dược tính chỉ nam và 13 phương gia giảm truyền lại đời sau".

    Sử sách còn chép lại rằng: Lúc Tuệ Tĩnh lên sáu tuổi thì cha mẹ đều mất, vì mồ côi nên ông được một hòa thượng chùa Hải Triều ở Yên Trang (sau này gọi là chùa Nghiêm Quang, tức chùa Giám, thuộc xã Tân Sơn, huyện Cẩm Bình) đem về nuôi dạy. Năm lên 10 tuổi, ông đã được sư cụ chùa Giao Thủy, ở Sơn Nam (Nam Ðịnh) đưa về cho học với các nhà sư trong chùa Dũng Nhuệ. Ở chùa này, ông có pháp danh là Tiểu Huệ, biệt danh là Tuệ Tĩnh. Ông được nhà chùa cho học chữ và học nghề thuốc để giúp việc chữa bệnh cho dân nghèo trong xã, huyện. Năm 22 tuổi, Tuệ Tĩnh đi thi Hương và đỗ nhất bảng, nhưng ông không ra làm quan mà vẫn ở lại chùa tiếp tục việc chữa bệnh, lấy pháp hiệu Tuệ Tĩnh cũng từ đó. Năm 30 tuổi, Tuệ Tĩnh trở về chùa Yên Trang làm sư trụ trì, tu sửa lại chùa và nhiều chùa khác trong huyện. Năm 45 tuổi, Tuệ Tĩnh đi thi Ðình và đỗ Hoàng giáp. Năm 55 tuổi, ông bị bắt đi sứ sang Trung Quốc, được Minh triều giữ lại làm việc ở Viện thái y, rồi mất tại tỉnh Giang Nam (không rõ tại huyện, xã nào ở tỉnh này?).

    Về sự nghiệp y học của Tuệ Tĩnh, ông đã soạn các sách "Dược tính chỉ nam" và "Thập tam phương gia giảm"... những bản nguyên tác của ông nay không còn trọn vẹn, do vào cuối thế kỷ 14, giặc ngoại xâm sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá hủy nhiều thư tịch lớn. Những bản hiện còn do người đời sau ghi chép qua truyền khẩu dân gian như: "Nam Dược Thần Hiệu" do Hòa thượng Bản Lai chùa Hồng Phúc (ở Hòe Nhai,Hàng Than, Hà Nội) biên tập, bổ sung vào năm Tân Tỵ cách đây đúng 240 năm (1761-2001).

    "Nam dược chính bản", do triều đình Lê Dụ Tông biên tập (sau đổi tên sách là "Hồng Nghĩa giác tư y thư") và được in vào năm Ất Dậu (1717) gồm: "Quyển thượng và quyển hạ".

    Trong cuốn "Hồng Nghĩa giác tư y thư", nhà xuất bản y học, Hà Nội - 1978, lại chép: sách "Hồng Nghĩa giác tư y thư" do Y viện triều Lê Dụ Tông xuất bản năm Quý Mão (1723).

    Quyển Thượng: "Nam Dược Quốc Ngữ Phú" gồm 590 tên vị thuốc nam và "Trực giải chỉ nam dược tính phú" gồm đặc tính của 220 vị thuốc nam. Quyển Hạ: "Y luận", là sách viết về các lý luận từ âm dương ngũ hành sinh hóa vào con người trong tiết khí bốn mùa, sự ảnh hưởng vào bệnh tật, cách điều trị lâm sàng. Và "Thập tam phương gia giảm" phụ "Bổ âm đơn và dược tính phú" bằng chữ Hán. Là sách hướng dẫn gia, giảm khi dùng thuốc chữa bệnh.

    Cuốn "Nam Dược Thần Hiệu" của Tuệ Tĩnh, được nhà xuất bản Y học, in lần thứ hai vào năm 1972. Bộ này gồm 11 quyển: Quyển đầu nói về dược tính của 119 vị thuốc nam. Mười quyển sau, mỗi quyển nói về một khoa trị bệnh...

    Còn cuốn: "Hồng Nghĩa giác tư y thư" của ông, được nhà xuất bản Y học, Hà Nội, in năm 1978 gồm chín phần lớn (chưa kể lời giới thiệu của nhà xuất bản và lời tựa của các quân y Viện triều Lê Dụ Tông, dày 319 trang). Cả hai bộ sách này của Tuệ Tĩnh đều có ảnh hưởng rất sâu rộng trong y gia Việt Nam, mà cho đến hôm nay, vấn đề lý luận và thực tiễn vẫn luôn được thừa kế phát triển và phổ biến. Nhất là cuốn "Nam Dược Thần Hiệu" của ông, nhiều thầy thuốc từ trước đến giờ, vẫn theo phương pháp trị liệu của Tuệ Tĩnh để chữa bệnh rất hiệu quả, mà Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác - là một bậc Ðại y tôn, cũng chịu ảnh hưởng của Tuệ Tĩnh trong công việc biên soạn quyển "Lĩnh Nam Bản Thảo"...

    Có thể nói: Tuệ Tĩnh là một danh y Việt Nam đã mở đường cho sự nghiên cứu thuốc nam, xây dựng nền móng cho Y học dân tộc của nước nhà. Ông đã tổng hợp và để lại những bài thuốc kinh nghiệm quý báu cho một số khá nhiều bệnh tật. Ðó là một tài liệu có giá trị lớn cho sự thừa kế và phát huy vốn cũ y dược của nhân dân ta, thật là một cống hiến rất lớn của ông. Và cũng chính do gây dựng được phong trào trồng cây thuốc trong gia đình để tự chữa bệnh, nhờ vậy mà năm 1533, với cây thuốc sẵn có mà dân chúng thoát khỏi bệnh sốt rét hoành hành, hay dịch tả tại Thái Nguyên năm Giáp Tuất (1574)...

    (Nguồn: st)