Quý nhân người Nga
Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2013 chỉ đạt 558.800 lượt người, giảm 9% so với tháng trước. Đây đã là tháng thứ ba liên tiếp sụt giảm.
Hàng quán trưng biển hiệu tiếng Nga tại Mũi Né (Bình Thuận). |
Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2013 chỉ đạt 558.800 lượt người, giảm 9% so với tháng trước. Đây đã là tháng thứ ba liên tiếp sụt giảm.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trong khi lượng khách đến từ Nhật, Mỹ, Đài Loan đang giảm thì khách Nga, Úc, Hàn Quốc lại tăng. Riêng khách Nga chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng lên 51%.
Chào quý khách!
Seahorse Resort là một khu nghỉ 4 sao nổi tiếng tại Mũi Né, một địa chỉ được nhiều du khách Nga chọn lựa. Một trang web riêng của resort bằng tiếng Nga đã được xây dựng, giúp cho du khách từ xứ sở Bạch Dương có thể dễ dàng tìm hiểu các dịch vụ đa dạng tại đây.
Không chỉ Seahorse, khá nhiều nơi trong số 130 khách sạn, resort, nhà hàng tại Mũi Né, Phan Thiết từ 3 năm trở lại đây đã tăng cường việc quảng bá nhắm tới đối tượng khách Nga. Chiếm tới 35% trong tổng số hơn 250.000 du khách quốc tế đến với Phan Thiết năm 2012, du khách Nga đang trở thành “quý nhân” đối với các nhà kinh doanh du lịch vùng này.
Trong khi đó, ở Khánh Hòa, Suối khoáng nóng Tháp Bà cũng đã thiết lập website bằng tiếng Nga cũng như các dịch vụ có thể hỗ trợ du khách Nga tốt nhất khi họ đến đây nghỉ dưỡng. Khách Nga rất thích đến tắm bùn ở đây. Các địa điểm khác cũng được họ thăm viếng nhiều là Hòn Tằm, Vinpearl, các đảo trong vịnh Nha Trang…
Dịch vụ phục vụ du khách Nga đang gia tăng với việc các resort, khách sạn lớn như: Vinpearl, Sunrise, Ninh Vân, Yasaka, Ana Mandara … đều có nhân viên thông thạo tiếng Nga và đưa ra các ưu đãi cho du khách nghỉ dài ngày.
Hoạt động của các công ty lữ hành cũng tấp nập không kém. Công ty Ánh Dương tại Khánh Hòa đang là đối tác hàng đầu của Công ty Lữ hành Pegas Touristick đưa khách Nga vào Việt Nam. Vào tháng 10/2011, hai công ty này đã phối hợp đón chuyến máy bay đầu tiên trên đường bay thẳng Vladivoxtock - Cam Ranh với 198 du khách Nga. Từ đó, đều đặn cứ mỗi ngày có một chuyến bay đưa 180 du khách Nga vào Việt Nam thông qua cảng hàng không Cam Ranh vào mùa du lịch cao điểm.
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Ánh Dương cho biết, từ 28/4/2011 đến 30/10/2012, Pegas Touristik đã đưa hơn 60.000 du khách Nga tới Việt Nam và 6 tháng sau, đến 30/4/2013, Pegas Touristik là khoảng 100.000 du khách Nga.
Không chỉ đem lại nguồn thu giữa thời điểm khó khăn, khách Nga còn được các nhà kinh doanh du lịch Việt Nam quý mến vì dễ tính và… mạnh chi tiêu. Thông thường, họ chọn lưu trú tại các cơ sở từ 3-4 sao trở lên trong kỳ nghỉ từ 1 đến 2 tuần và có mức chi tiêu bình quân từ 1.700 - 3.000 USD/người/đợt.
Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Du lịch Bình Thuận thì năm 2013, tỉnh này dự kiến đón 330.000 du khách quốc tế, trong đó có đến 150.000 khách Nga. Còn Khánh Hòa dự kiến đón khoảng hơn 100.000 lượt khách Nga trong tổng số 500.000 khách quốc tế. Đà Nẵng và Ninh Thuận cũng đang tìm cách “ăn theo” lượng du khách này.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nhìn thấy cơ hội vàng tại đây. Ngày 19/5/2013 tại Bình Thuận, tổ hợp du lịch Thung Lũng Đại Dương với diện tích 1.000 ha (lớn nhất tỉnh hiện nay) với vốn đầu tư 400 triệu USD đã được khởi công xây dựng.
Còn theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa thì ngay trong tháng 5/2013 đã có 2 doanh nghiệp Nga đang gấp rút tiến hành thủ tục đầu tư 2 khu resort mới. Hai khu này dự kiến sẽ được đặt tại khu vực Bãi Dài, một nơi có thắng cảnh tuyệt đẹp mà du khách có thể dễ dàng nhận ra trên đường từ cảng hàng không quốc tế Cam Ranh về thành phố Nha Trang. Tổng cộng cả hai khu sẽ có 600 phòng nghỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách Nga tại Việt Nam. Đó là chưa kể một số nhà đầu tư khác đang trong giai đoạn tìm hiểu thị trường.
Từ năm 2009, Chính phủ đã cho phép du khách Nga vào Việt Nam trong vòng 15 ngày được miễn visa. Bên cạnh các cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất, từ tháng 11/2011, cảng hàng không Cam Ranh đã mở đón chuyến bay thẳng từ Nga đến. Hơn nữa, du khách Nga, đặc biệt từ vùng Viễn Đông và Trung Á hoàn toàn có thể đến Việt Nam vào dịp từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau để nghỉ dưỡng, tránh mùa đông Nga lạnh giá.
Ông Ngô Minh Chính cũng cho biết, khách Nga đến Nha Trang, Phan Thiết hiện nay đa phần là khách du lịch bình dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch địa phương hoàn toàn có thể tiếp cận với những du khách Nga thuộc nhóm cao cấp hơn để nâng cao doanh số cũng như lợi nhuận.
Thiếu nhân lực biết tiếng Nga!
Vấn đề nan giải nhất mà các doanh nghiệp du lịch tại khu vực phía Nam, đặc biệt là Bình Thuận và Khánh Hòa, đang phải đối mặt là thiếu nhân sự giỏi tiếng Nga phục vụ trong ngành du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, các doanh nghiệp ở đây đang cần 300 nhân sự biết tiếng Nga. Còn tại Nha Trang, lượng hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Nga mới chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu.
Điều này đã gây sức ép cho kinh doanh, khi mà du khách Nga cứ gia tăng theo cấp số cộng, thậm chí có những lúc là cấp số nhân!
Vì vậy, để chữa cháy, các doanh nghiệp đang phải thuê nhân viên du lịch biết tiếng Nga từ Hà Nội và Tp.HCM vào làm việc. Giải pháp này là tạm thời, vì theo bà Phong Thu, tuy những nhân viên này giỏi Nga văn nhưng lại thiếu hiểu biết về du lịch địa phương. Đó là chưa kể những người giỏi Nga văn nhưng không có bằng hướng dẫn viên du lịch mà vì thiếu quá vẫn phải dùng theo lối vừa làm, vừa học thêm!
Hiện Bình Thuận đã thiết lập dự án đào tạo tiếng Nga cho ngành du lịch với kinh phí 4 tỷ đồng, với hy vọng từ 2013-2015 có thể có ít nhất 30-50% nhân lực trong ngành du lịch, kể cả cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở phục vụ khách, giỏi tiếng Nga.
Dự án của Khánh Hòa cũng đặt ra kỳ vọng tương tự với kinh phí 6,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án nào cũng cần thời gian để thực thi. Còn trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm phương án, trong đó có cả việc phải thuê người Nga làm thời vụ.
(Nguồn: Doanh Nhân)