• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

“Môi trường sống ra sao, con người cũng sẽ như vậy”

    “Từ ngày còn đi học, tôi đã bị cuốn hút bởi những quyển sách viết về lý số như nhân tướng, tử vi, phong thủy, tử bình”, Kiều Quang Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn Kiều Quang Dũng, một công ty đang hoạt động trong lĩnh vực khá đặc thù là… tư vấn phong thủy cho các doanh nghiệp, với khách hàng bao gồm khá nhiều tên tuổi lớn, bộc bạch trong cuộc trò chuyện với VnEconomy.

    “Môi trường sống ra sao, con người cũng sẽ như vậy”
    Ông Kiều Quang Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn Kiều Quang Dũng.

    “Từ ngày còn đi học, tôi đã bị cuốn hút bởi những quyển sách viết về lý số như nhân tướng, tử vi, phong thủy, tử bình”, Kiều Quang Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn Kiều Quang Dũng, một công ty đang hoạt động trong lĩnh vực khá đặc thù là… tư vấn phong thủy cho các doanh nghiệp, với khách hàng bao gồm khá nhiều tên tuổi lớn, bộc bạch trong cuộc trò chuyện với VnEconomy.

    Hiểu đơn giản thì phong thủy là gì, từ góc nhìn của ông? Là khoa học hay "mê tín dị đoan"?


    Đang có nhiều cách hiểu về phong thủy, nhưng theo tôi nên hiểu đơn giản thế này, sự vận động của con người tạo ra năng lượng thì sự vận động của tự nhiên cũng tạo ra năng lượng, và phong thủy là một hệ thống những nguyên lý nhận biết, điều chỉnh và kết hợp những nguồn năng lượng này để tập trung cho mục đích cụ thể  nhằm đạt được thành công dễ dàng hơn.

    Còn với vế thứ hai, để nói phong thủy là khoa học hay “mê tín dị đoan”  thì phải có khái niệm hoặc tiêu chí về khoa học trước. Nếu hiểu khoa học như những con số đo đạc chính xác trong phòng thí nghiệm, thì phong thủy không phải là khoa học vì chưa có công cụ và con số định lượng nào đo lường chính xác các phương pháp luận trong phong thủy.

    Nhưng, nếu xem một hệ thống lý thuyết được coi là khoa học khi nó có quy luật, có khả  năng dự báo, có khả năng ứng dụng, có  khả năng nhận biết, giải thích vạn vật một cách thống nhất, thì phong thủy xứng đáng là môn khoa học.

    Tôi cũng nghĩ, chỉ nên coi là mê tín dị đoan khi đó là những ứng dụng lệch lạc “khoác áo” phong thủy, đi theo cảm tính chủ quan, không có nguyên lý khách quan nhất quán, không có sự minh bạch và không có khả năng kiểm soát.

    Đối với riêng giới doanh nhân, ông nghĩ phong thủy sẽ giúp ích như thế nào cho cuộc sống của họ? Nhân tiện, ông có thể đưa ra một số minh hoạ cụ thể?


    Phong thủy hàm chứa những quy luật vận động căn bản nhất của vạn vật, nên tôi nghĩ đối với doanh nhân hay với ai cũng thế, ích lợi của việc ứng dụng lý thuyết phong thủy vào thực tiễn là rất lớn, có thể làm thay đổi cuộc sống của con người theo hướng tốt hơn.

    Ví dụ, trong giai đoạn vừa qua, tôi quan sát thấy nhiều doanh nhân Việt Nam hay mắc phải hai nhược điểm lớn. Đó là, ham mở rộng đầu tư dựa trên tham vọng quá thực lực, cộng với tư duy kinh doanh có phần chộp giật, thích kiếm tiền nhanh dựa trên sự vay mượn, do đó, dễ bị cuốn theo và phụ thuộc nhiều vào thời thế, nên khi chỉ cần môi trường có biến động là bị ảnh hưởng lớn ngay.

    Điều thú vị là giai đoạn Việt Nam bị ảnh hưởng bởi suy thoái, khủng hoảng thì cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều thiết kế nhà cửa “trên to, dưới bé”, nhiều căn hộ chung cư cao cấp của Việt Nam rập khuôn thiết kế ở những nước có nền kinh tế vay mượn bị ảnh hưởng khủng hoảng lớn trên thế giới, đó là chú trọng không gian hưởng thụ của phòng khách, trong khi không gian nhà bếp luôn nhỏ hẹp hoặc ngay ở phía ngoài gần cửa ra vào…

    Môi trường sống ra sao, con người cũng sẽ như vậy. Khi chỉ có vài người ở trong những căn hộ, những ngôi nhà như vậy thì chưa tạo thành xu thế, nhưng khi hàng vạn thiết kế như vậy được hình thành, hàng trăm nghìn người ở trong những ngôi nhà như vậy thì cũng tức là hàng trăm nghìn người dễ nảy sinh tham vọng quá thực lực, thích kiếm tiền nhanh, kinh doanh đầu tư dựa trên sự vay mượn xuất hiện. Và tất yếu là một xu thế xã hội sẽ được hình thành, và đến thời điểm này thì kết quả như thế nào chúng ta cũng rõ cả rồi.

    Nếu có thể, hãy thay đổi thiết kế nhà ở nếu như bếp ở ngoài, phòng khách ở trong, bằng cách chuyển dịch bếp sâu vào phía trong nhà, cách xa cửa chính - nhưng không quá gần cửa ra ban công hoặc cửa sau - theo nguyên tắc phòng bếp phải ở phía trong hoặc tối thiểu cũng phải song song so với phòng khách, tức là từ cửa chính phải qua phòng khách rồi mới vào đến bếp.

    Đối với nhà trong phố phường nội thị, nếu có thể thì không nên tận dụng tối đa diện tích, xây nhà lấn ra sát đường hoặc đắp cốt nền quá cao mà hãy làm cốt nền cao vừa phải, kiến tạo một khoảng lùi để làm sân thoáng trước khi vào trong nhà.

    Khi thiết kế nhà cửa, trụ sở công ty nên lựa chọn kiến trúc vững vàng, đơn giản, các tầng trên ít thò lấn ra khỏi ranh giới của diện tích đất.

    Và đặc biệt, là luôn giữ gìn vệ sinh môi trường nhà ở gọn gàng, sạch sẽ, thoáng đãng.

    Triển khai được vài giải pháp sơ bộ ở trên, tôi tin dần dần cuộc sống của nhiều người sẽ bớt đi áp lực tài chính, nợ nần, gia tăng cơ hội, kinh doanh tập trung tập trung hơn, tư tưởng phát triển bền vững hơn.

    Trong hoạt động chung của doanh nghiệp, phong thủy có thể áp dụng trong những lĩnh vực nào, từ góc nhìn của ông?


    Đối với doanh nghiệp cũng vậy, tôi tin phong thủy có thể giúp thay đổi từ việc ứng dụng trong quản trị nhân sự, cho đến phát triển kinh doanh.

    Ví dụ, có hai vấn đề lớn nhất của phần lớn doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay là cơ hội và tài sản tích lũy bị suy giảm, mất mát.  Và để giúp cải thiện hai vấn đề này, theo tôi các doanh nghiệp nên loại bỏ bớt đồ dùng không cần thiết để tạo ra các khoảng trống tối đa trong không gian làm việc, luôn giữ môi trường thông thoáng sạch sẽ, nhất là những khu vực vệ sinh, kho chứa; cố gắng tạo mới hoặc mở rộng khoảng không gian phía trước cửa công ty càng thoáng sạch càng tốt…

    Và nếu không thật sự cần thiết, thì hạn chế thiết kế hệ thống hành lang từ cửa lớn thông thẳng ra cửa sau khi có khoảng trống rộng.

    Những đề xuất này mới nghe có vẻ rất bình thường, nhưng thực tế lại rất “phong thủy”. Bởi, đó chính là sự đúc kết từ những nguyên lý lớn, được chọn lọc ở mức độ đơn giản nhất để phù hợp với thời suy thoái khó khăn, nên không gây tốn kém nhiều tiền bạc, dễ thực hiện. Làm được những giải pháp ở trên, tôi tin rằng chỉ sau một thời gian nhất định, cơ hội và nợ xấu của nhiều doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể.

    Vậy thì những sai lầm lớn nhất về mặt phong thủy mà các doanh nghiệp tại Việt Nam hay mắc phải là gì,  theo như ông thấy?


    Sai lầm lớn nhất và cũng là phổ biến nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hay mắc phải khi ứng dụng phong thuỷ là quá coi trọng tuổi tác và phương hướng mà không rõ nguyên lý cơ bản trong phong thủy là “nhất vị, nhị hướng” (vị trí là ưu tiên thứ nhất, phương hướng chỉ là yếu tố phụ).

    Vị trí trụ sở công ty bạn đặt ở đâu hoặc bạn ngồi ở đâu trong công ty quan trọng hơn việc trụ sở công ty xoay hướng nào hoặc bạn ngồi quay về hướng nào.

    Lấy ví dụ đơn giản là nông dân Việt Nam có cuộc sống về cơ bản là vất vả thiếu thốn, trong khi ngôi nhà của họ khi xây dựng có thể tùy ý lựa chọn phương hướng do đất đai ở nông thôn rộng rãi. Còn 30% dân số Việt Nam ở thành thị chủ yếu ở nhà phố, không có nhiều lựa chọn về phương hướng theo tuổi tác, thì vẫn lại là những người có cuộc sống tốt hơn vì họ ở những vùng đất có sinh khí thịnh vượng hơn, chứ không phải hướng tốt hơn nông thôn.

    Hoặc có những ngôi nhà, những căn hộ cố  định chỉ có một hướng nhưng ai đến thuê  hay ở dù là tuổi gì, giới tính nam hay nữ  đều thịnh vượng và ngược lại có ngôi nhà  cứ đến ở là đổ vỡ, suy bại. Hoặc  đơn giản hơn là trong một công ty khi bạn là trưởng phòng được ngồi ở phòng riêng thì dù  ngồi thế nào vẫn có uy thế hơn những nhân viên khác phải ngồi chung trong phòng tập thể.

    Ông có thể nêu vài câu chuyện thực tế từ những khách hàng mà ông đã tư vấn?


    Những câu chuyện thực tế từ những khách hàng mà tôi đã tư vấn thì nhiều, và cũng có những trải nghiệm thú vị, nhưng phải xin phép bạn là không được nêu danh tính cụ thể.

    Năm 2009, qua một người bạn giới thiệu, tôi được biết một công ty chứng khoán ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang thua lỗ tương đối sau cú sốc khủng hoảng năm 2008, nay muốn thuê tư vấn để tìm giải pháp cải thiện tình hình. Sau khi nghiên cứu sơ đồ tổ chức và khảo sát môi trường làm việc của công ty này, tôi đồng ý tư vấn với các giải pháp đơn giản, hạn chế tối đa sự phá dỡ và ít tốn kém nhất.

    Tuy nhiên, tôi nói trước với họ là địa hình này sắp “hỏng” rồi, và nhà tư vấn chỉ có thể đưa ra phương án khắc phục trong ngắn hạn là một năm, còn sang năm 2010, khi tòa nhà lớn bên cạnh đi vào giai đoạn hoàn thiện thì cách cục của địa hình sẽ hoàn toàn bị phá, không có giải pháp nào khắc chế được sự thay đổi đó, nên nếu muốn duy trì đẳng cấp và sự phát triển phải nhanh chóng tìm cách chuyển công ty đến nơi khác, nếu tiếp tục ở lại thì thua lỗ,  đổ vỡ là việc không tránh được.

    Tuy nhiên sau năm 2009, do tổng kết không chỉ xóa hết lỗ mà còn lãi lớn nên lãnh đạo công ty này chủ quan cho rằng năm 2010 chỉ cần tập trung phát triển dịch vụ, không đầu tư gì lớn thì dù lỗ cũng không tiêu hết được số tiền lãi đang có, vì vậy không nhất thiết phải quá vội vàng đi tìm trụ sở mới.

    Nhưng nếu con người mà khắc chế hoàn toàn được môi trường thì bộ môn phong thủy đã chẳng tồn tại. Năm 2010, họ không chỉ thua lỗ hết số lãi mà âm sâu vào vốn đồng thời nội bộ công ty cũng xảy ra nhiều vấn đề rắc rối, cuối cùng thì khi vị tổng giám đốc tham khảo ý kiến, lời khuyên của tôi là nhanh chóng bỏ chứng khoán chuyển nghề khác, vị này đã nghe theo và hiện đang thành công trong lĩnh vực mới.

    Hoặc vào năm 2009, tôi nhận được một đề nghị đi tìm và thiết kế văn phòng mới cho doanh nghiệp của vợ chồng người bạn, nhưng bị giới hạn bởi một số tiêu chí  nhất định vì quy mô và khả năng tài chính của doanh nghiệp này còn nhỏ. Nhưng sau hơn một tháng tìm kiếm, không tìm được địa điểm nào hợp lý hơn, cân nhắc tất cả các yếu tố, tôi  đề xuất họ tiếp tục ở lại địa điểm cũ, chấp nhận một số hạn chế nhưng sẽ có cơ hội phát triển lớn trong xu thế mới  đang đến, vì địa điểm đó tuy nhỏ hẹp, cách cục không cân đối nhưng có lợi thế đặc biệt về minh đường phía trước.

    Và đến nay từ một doanh nghiệp nhỏ, vô danh họ đã trở thành một doanh nghiệp có thương hiệu và thị phần đứng ở nhóm đầu tại Hà Nội trong một sản phẩm đồ uống có cồn. Năm 2012, khi nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn thì họ lại là những người đi “thôn tính”, mở mang bờ cõi. Tuy nhiên do thành công nhanh, họ đã trở nên quá tự tin vào bản thân mà quên những nguyên lý cơ bản nên đến giai đoạn này lại đang phải đang “chỉnh sửa” một số thứ để nhằm tiếp tục suy trì sự phát triển.

    Một câu chuyện khác. Cuối năm 2011, một doanh nghiệp đã từng rất thành công nhưng cũng bị cuốn vào vòng xoáy của bất động sản, tương lai bấp bênh, và gần như bế tắc. Sau vài lần gặp gỡ, khảo sát, tôi nhận thấy có nhiều lý do dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp này, nhưng có một nguyên nhân quan trọng nằm ở địa hình, đó là con đường nội bộ trong công ty quá lớn trong khi tường vây xung quanh lại trống trải, dễ làm ban lãnh đạo nảy sinh tham vọng không thực tế và các quyết định sai lầm khác, nên trước mắt cần tập trung khắc phục điểm yếu này.

    Và đến nay, sau khi tổng kết năm 2012, mặc dù mọi thứ rất khó khăn thì người chủ doanh nghiệp này vẫn thu xếp được gần 100 tỷ để trả được một nửa số nợ ngân hàng, được ngân hàng, bạn bè, khách hàng quay trở lại trợ giúp để phục hồi sản xuất và đang đặt kế hoạch trong năm 2013 sẽ cố gắng “trở lại mặt đất”.

    (Theo Vneconomy)