Chuyện cổ tích về “Steve Jobs Trung Quốc”
Thành công của Lei Jun, người sáng lập công ty Xiaomi Technology và được mệnh danh là “Steve Jobs của Trung Quốc” có thể xem như một “câu chuyện cổ tích” trong lĩnh vực công nghệ.
Trước khi thành lập Xiaomi, Lei Jun, 42 tuổi, là một nhà đầu tư có tiếng trong lĩnh vực Internet ở Trung Quốc từ những ngày đầu - Ảnh: Techasia. |
Thành công của Lei Jun, người sáng lập công ty Xiaomi Technology và được mệnh danh là “Steve Jobs của Trung Quốc” có thể xem như một “câu chuyện cổ tích” trong lĩnh vực công nghệ.
Chỉ chưa đầy 3 năm kể từ ngày thành lập, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi đã đạt giá trị vốn hóa thị trường 4 tỷ USD và chiếm được cảm tình mạnh mẽ từ phía người tiêu dùng, không kém gì tình cảm mà người hâm mộ đã dành cho hãng Apple của Mỹ.
Nhà sáng lập Xiaomi, Lei Jun, có phong cách thời trang giống với huyền thoại công nghệ quá cố Steve Jobs của Apple, với quần jeans và áo thun đen. Bằng cách sao chép chiến lược quảng bá của Apple, trong đó gắn kết các sản phẩm của mình với hơi hướng của sự độc đáo, Lei Jun đã tạo ra được một lực lượng “fan cuồng” đối với những chiếc điện thoại thông minh cao cấp nhưng có giá tương đối bình dân.
Trước khi thành lập Xiaomi, Lei Jun, 42 tuổi, là một nhà đầu tư có tiếng trong lĩnh vực Internet ở Trung Quốc từ những ngày đầu. Ông cũng đã chung tay sáng lập nhiều công ty công nghệ như Joyo.cn đã được bán cho Amazon.com, và gần đây là công ty YY Inc đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sinh ra ở Xiantao, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, nơi nổi tiếng là một chiếc nôi của các vận động viên thể dục dụng cụ thi đấu Olympic hơn là các tỷ phú công nghệ, Lei Jun không cho là mình giống Steve Jobs, nhưng thừa nhận huyền thoại của Apple là nguồn cảm hứng cho ông.
“Báo chí trong nước nói tôi là ‘Steve Jobs của Trung Quốc’. Tôi xem đây là một lời khen ngợi, nhưng sự so sánh như thế tạo cho chúng tôi áp lực lớn. Xiaomi và Apple là hai công ty hoàn toàn khác nhau. Xiaomi dựa trên Internet. Chúng tôi không làm những thứ giống như Apple”, Lei Jun nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters.
Theo Reuters, Xiaomi đã bán được 300.000 chiếc điện thoại thuộc mẫu mới nhất tung ra thị trường hồi tháng 10. Chiếc Xiaomi Phone 2 này có những đặc điểm tương tự như chiếc Galaxy S3 của Samsung và chiếc iPhone 5 của Apple, nhưng có giá chỉ khoảng 370 USD, bằng nửa giá một chiếc iPhone 5.
Không giống như những hãng sản xuất điện thoại thông minh khác của Trung Quốc như Lenovo Group, ZTE Corp hay Huawei Technologies vốn hợp tác với các nhà mạng để bán điện thoại với số lượng lớn, Xiaomi bán hầu hết sản phẩm của mình trên mạng và theo các lô nhỏ.
Chiến lược bán hàng theo lô nhỏ này tạo ra nhu cầu chờ mua, theo đó tạo ra cho Xiaomi sức hấp dẫn về marketing mà không gây tốn kém đồng nào. Lô hàng 50.000 chiếc điện thoại được công ty này tung ra hôm 30/10 đã bán hết veo trong vòng chưa đầy 2 phút. Những lô lớn hơn sau đó cũng được bán hết trong vòng có vài phút đồng hồ.
Trên mạng xã hội Weibo, Lei Jun hiện có 4 triệu người theo dõi. Trên mạng này, ông thường xuyên đưa ra những thông tin “mập mờ” nhưng đầy sức hút về các sản phẩm mới và ngày ra mắt, khiến cộng đồng mạng càng thêm phần “phát sốt”.
“Chúng tôi không phải là một công ty theo đuổi doanh số. Chúng tôi theo đuổi sự hài lòng của khách hàng. Chúng tôi tìm kiếm những cách thức để đem đến cho khách hàng sự hàng lòng”, Lei phát biểu.
Chiến lược nhằm đạt tới vị trí một thương hiệu tầm trung độc đáo dựa trên mức doanh số nhỏ, thay vì bán sản phẩm tràn ngập thị trường của Lei Jun đã tìm được những nguồn hỗ trợ tài chính. Tháng 6 năm nay, Xiaomi huy động được 216 triệu USD từ quỹ đầu tư lợi ích quốc gia của Singapore (GSIC) và một số người bạn của Lei Jun. Theo báo chí Trung Quốc, vụ rót vốn này định giá Xiaomi ở mức khoảng 4 tỷ USD.
“Đã đến lúc Trung Quốc phải có Apple, HTC và Samsung của riêng họ. Trung Quốc có thị trường đủ lớn, đủ số người sử dụng Internet và điện thoại di động. Bởi thế, nếu các thương hiệu trong nước phát triển sẽ tạo thành một ‘hệ sinh thái di động’ hoàn chỉnh”, ông Hans Tung, một nhà quản lý quỹ của Qiming Venture Partners, một quỹ đầu tư mạo hiểm có rót vốn cho Xiaomi, nhận xét.
Được thành lập vào tháng 4/2010, Xiaomi mới bắt đầu bán ra các sản phẩm điện thoại di động vào tháng 10/2011. Theo dự kiến, doanh số của công ty này năm nay sẽ đạt 7 triệu chiếc điện thoại, vượt xa mục tiêu ban đầu là 2 triệu chiếc. Xiaomi hiện đã là ăn có lãi và dự kiến sẽ đạt mức doanh thu 13 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 2 tỷ USD, trong năm nay.
“Chúng tôi mới bán sản phẩm được có một năm mà đã đạt doanh thu 2 tỷ USD. Điều đó khá ấn tượng”, Lei Jun phát biểu và cho biết thêm, Xiaomi sẽ không tính chuyện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong vòng 5 năm tới.
Theo ông Tung, tỷ suất lợi nhuận ròng của Xiaomi là 10%. Như vậy, lợi nhuận ròng của Xiaomi có thể đạt 200 triệu USD trong năm 2012 này.
Mo Xiaohua, một nhân viên kế toán 24 tuổi, gần đây mới lần đầu mua điện thoại Xiaomi nhưng tỏ ra rất tự hào về sản phẩm này. “Tôi thích Xiaomi vì đây là một thương hiệu điện thoại thông minh của Trung Quốc. Giá trị của nó là số 1. Giờ đây, chúng tôi đã có một chiếc điện thoại tốt như thế, chúng tôi cần phải ủng hộ nó”, Mo nói.
Tuy nhiên, không ít người nghi ngờ về khả năng thành công kéo dài của Xiaomi. Những người này cho rằng, một nhà sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc chỉ có thể thắng lợi nếu có được mạng lưới phân phối rộng, doanh số “khủng”, hoặc một thương hiệu lớn với những thiết kế khác biệt. Trong khi đó, Xiaomi, với ưu thế chủ yếu là giá cả và những đặc điểm công nghệ cao, không được đánh giá cao về thiết kế.
ZTE và Huawei đạt mục tiêu doanh số điện thoại thông minh cho năm nay trong ở mức tương ứng là 30 triệu và 60 triệu chiếc. Hai công ty này vốn thống trị phân khúc thị trường điện thoại thông minh giá rẻ, nhưng đã có những bước tiến vào phân khúc thị trường tầm trung.
ZTE cho biết đã tung ra 11 mẫu điện thoại thông minh có mức giá tầm trung từ 1.500-2.500 Nhân dân tệ trong năm nay, từ chỗ chỉ có 6 mẫu như vậy trong năm ngoái. Apple cũng đã đưa sản phẩm máy tính bảng tầm trung iPad mini vào thị trường Trung Quốc.
“Cách đây 1 năm, Xiaomi rất hấp dẫn. Nhưng lúc này, vấn đề đối với họ là những hãng như ZTE, Huawei và Meizu cũng đã có những mẫu điện thoại với mức giá tương tự”, một chuyên gia nhận xét.
Theo dự báo của hãng nghiên cứu Gartner, Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Mỹ trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong năm nay, với mức doanh số 165-170 triệu chiếc, từ mức 78 triệu chiếc trong năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng, Xiaomi cần phải tăng cường doanh số, giải quyết các vấn đề kỹ thuật và tăng số trung tâm dịch vụ khách hàng nếu muốn tìm cho mình một chỗ đứng vững chắc. “Một trong những thách thức của việc đứng ở tầm trung là anh có thể bị bóp chết”, Duncan Clark, Chủ tịch công ty tư vấn DBA có trụ sở Bắc Kinh, nói.
Nhưng Lei Jun thể hiện rõ quyết tâm sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, những hoài nghi về Xiaomi là sai. “Trong lĩnh vực này, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là giành được tình cảm yêu mến từ khách hàng. Nếu được khách hàng ủng hộ, anh sẽ thành công”, Lei Jun nói.
(Theo vneconomy)