Món ngon bông mỏ quạ
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Mỗi lần trời đất âm u là tôi lại buồn thấu ruột thấu gan. Đó là lúc đất trời sắp chuyển giao từ mừa nắng sang mùa mưa, mà người dân miền Tây Nam bộ gọi là “sa mưa”. Rồi những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, đất đai thêm màu mỡ. Mưa tắm gội cây trái khắp nơi xanh màu, cũng là lúc những dây mỏ quạ héo khô xanh tốt trở lại, bò quấn thân cành mấy cây ăn trái trong vườn.
Dĩa bông mỏ quạ xào tỏi. Ảnh: Phương Kiều |
Trong một dịp về thăm chị Ba, tôi đã được chị cho tận hưởng một bữa ngon nhớ đời. Chị rủ tôi ra vườn tìm hái những chiếc đọt và lá mỏ quạ non. Vừa hái, chị vừa chỉ những chiếc lá mỏ quạ hình trái tim màu xanh sậm và nói, đầu lá cong quặp giống chiếc mỏ con quạ nên người ta đặt tên cho nó như vậy.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là miệt Trà Vinh, mỏ quạ thường mọc hoang trên những vùng giồng cát. Bà con Khmer nơi đây gọi dây mỏ quạ là “ưng-à-co”, cũng có nghĩa là mỏ con quạ. Tôi cùng chị hái một rổ đọt và lá mỏ quạ non đem vô nhà, rửa sạch. Chị vừa cười vừa bảo: Nghe em thích ăn mắm, bữa nay chị đãi em một bụng mắm đặc sản của người Khmer, đó là món “xim-lo ưng-à-co”. Nói rồi chị ra bụi tre sau vườn chiết một mụt măng bự đem vô, thò tay vô hũ sành bắt con cá lóc đồng tổ chảng rộng sẵn trong đó ra làm thịt...
Cho tới tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên cái món ăn độc đáo của người Khmer quê chị. Cái món “xim-lo” ấy khi được chị dọn ra bàn tỏa một mùi thơm đến... nghẹt thở. Thú thật, trên đời tôi chưa từng “nghe” cái mùi thơm của loại mắm nào “ác liệt” đến như vậy. Nó không đậm đặc như các loại mắm sặt, mắm trèn, mắm lóc, mắm rô... mà là một mùi thơm thoang thoảng khó diễn tả của một loại mắm tôi chưa từng biết.
Chị cười bảo đó là mắm “prò-hóc”, đặc sản của đồng bào Khmer. Rồi chị giảng giải về món “xim-lo” nầy: mắm “prò-hóc” nấu với nước sôi, lược bỏ xác, cho măng tre xắt lát vào, nấu mềm thì cho cá lóc làm sạch vô, sau cùng thả hết số đọt non và lá mỏ quạ rửa sạch vào. Nước sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn, hớt bỏ bọt cho nồi “xim-lo” trong nước thì nhấc xuống, múc ra tô. Vậy là cả nhà cùng ăn. Vị mặn của mắm, vị ngọt của thịt cá lóc, vị cay của ớt, cùng mùi vị khó diễn tả của loại rau hoang dã mỏ quạ hòa trong khẩu cái thành một tổng hợp đến... buồn, nhớ.
Một lần khác vào tháng 9 âm lịch, mưa già, chị gọi tôi về. Chị lại dẫn tôi ra “thăm” dây mỏ quạ bò quấn quanh thân cành cây khế ngọt. Lần này không hái những chiếc lá xanh ngắt mà hái từng chùm bông mỏ quạ bum búp nhỏ như những cánh bông thiên lý, phơn phớt màu hồng tím.
Bông mỏ quạ hái về ngắt bỏ cuống, rửa sạch, để ráo, chị đặt chảo lên bếp lửa. Chảo nóng, chị chế dầu ăn vào. Dầu sôi, chị phi nhiều tỏi cho thật thơm rồi cho số bông mỏ quạ vào, lật qua lật lại cái sạn vài lần, cho hành lá xắt khúc vào, nêm nếm gia vị vừa ăn và chị nhanh tay xúc ra dĩa, rắc tiêu bột đều khắp mặt, dọn ra bàn. Chỉ có vậy mà dĩa bông mỏ quạ xào tỏi đã “hớp hồn” tôi còn ác liệt hơn cái món “xim-lo” đậm đà của ẩm thực Khmer Nam bộ chị đã cho tôi thưởng thức năm trước.
Nghe tôi khen, chị cười rồi “phán” rằng tôi sẽ thích thú hơn khi được ăn món bông mỏ quạ xào tép hoặc xào thịt bò. Hai món nầy là “cây đinh” giúp cánh ăn nhậu thêm phần khoái khẩu. Vậy thì hẹn chị một ngày nào đó, tôi sẽ xuống “thăm” chị vào những ngày mưa dầm dề để thưởng thức những món ngon đậm đà khẩu vị của ẩm thực Khmer.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)