Đàn ông cũng bị loãng xương
Nhiều người lầm tưởng loãng xương chỉ là “đặc quyền” của phụ nữ. Tuy nhiên hiện nay căn bệnh nay cũng âm thầm “kết bạn” với nhiều đấng mày râu, nhất là những người lớn tuổi.
Nhiều người lầm tưởng loãng xương chỉ là “đặc quyền” của phụ nữ. Tuy nhiên hiện nay căn bệnh nay cũng âm thầm “kết bạn” với nhiều đấng mày râu, nhất là những người lớn tuổi. Tỷ lệ nam giới bị loãng xương đang có chiều hướng gia tăng, Bác sĩ Chuyên khoa II Cao Độc Lập – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Hồng Ngọc cảnh báo.
Để có “bộ khung” chắc khỏe, cần “đầu tư” thích đáng cho nó ngay tư thời thanh thiếu niên bằng cách cung cấp cho cơ thể lượng canxi cần thiết
BS Cao Độc Lập cho biết, loãng xương là bệnh lý của toàn bộ hệ thống xương, làm suy yếu sức mạnh của toàn bộ khung xương, làm xương trở nên xốp và dễ bị gãy hơn, dù là chấn thương nhẹ. Trừ những trường hợp bệnh lý như loãng xương do bệnh lý tuyến giáp, do còi xương, còn thường thì loãng xương xảy ra ở người cao tuổi, nó xuất hiện ở 1/3 số phụ nữ và 1/8 số đàn ông trên 50 tuổi. Ở Việt Nam, tỷ lệ đàn ông mắc bệnh loãng xương bằng 1/3 số phụ nữ mắc bệnh này ở mọi lứa tuổi. Nhưng hiện nay tỷ lệ các quý ông bị loãng xương có chiều hướng gia tăng.
Loãng xương đang… trẻ hóa
Loãng xương ở đàn ông có thể gặp từ 50 tuổi trở lên, nhưng nhiều nhất là tầm trên 70 tuổi. Đến nay độ tuổi bị loãng xương ở nam giới đang có xu hướng... trẻ dần. Nguyên nhân chính là từ môi trường sống, chế độ sinh hoạt hàng ngày, chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Cụ thể, các yếu tố dễ gây bệnh loãng xương ở nam giới là do ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ can xi. Những quý ông có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá… cũng làm cho sự hấp thụ can xi bị giảm, đồng thời tăng thải can xi qua đường thận. Cường tuyến giáp cũng làm gia tăng quá trình tiêu hủy xương. Bệnh tiểu đường cần điều trị bằng insuline là một yếu tố nguy cơ khác. Ngoài ra, những người bị bệnh thiểu năng sinh dục nam, các bệnh về đường tiêu hóa làm ảnh hưởng đến hấp thụ can xi, những người suy thận mãn hoặc mắc các bệnh nội tiết gây rối loạn chuyển hóa hoặc dùng thuốc nội tiết lâu ngày… Thuộc nhóm đối tượng dễ bị loãng xương.
Đáng lưu ý, triệu chứng của loãng xương thường dễ bị bỏ qua bởi những dấu hiệu không rõ ràng như, đau mỏi mơ hồ vùng cột sống, đau dọc các xương dài, đặc biệt là xương cẳng chân, đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút. Đầy bụng, chậm tiêu, nặng vùng ngực, đôi khi cảm thấy khó thở. Và rõ nhất là thấy giảm chiều cao, gù lưng… Bác sĩ Lập cũng cảnh báo, loãng xương là một bệnh diễn biến âm thầm và trong suốt thời gian dài nên khi có những triệu chứng nặng như gãy xương, xẹp, lún cột sống, gù, vẹo, biến dạng lồng ngực… người bị bệnh mới nhận ra và đi khám thì mình đã bị loãng xương từ bao giờ! Những triệu chứng nặng đó xuất hiện là do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Theo BS Lập, rất nhiều đấng mày râu tuổi trung niên khi bị gãy xương, đau lưng, đau mỏi cột sống đi khám, thì đều được phát hiện mắc phải căn bệnh này.
Phòng tránh ngay từ tuổi thanh thiếu niên
Theo BS Lập, người Việt Nam dễ bị mắc bệnh loãng xương hơn các nước phương Tây vì chúng ta không có thói quen ăn sữa, phô-mai và những sản phẩm từ sữa khác, trong khi đây là những thực phẩm cung cấp lượng can xi rất lớn cho cơ thể. BS Lập cho biết, để cho “bộ khung” chắc khỏe, ngay từ tuổi thanh thiếu niên, cần “đầu tư” thích đáng cho nó bằng cách bổ sung can xi cho cơ thể bằng cách đưa sữa và các sản phẩm của sữa vào khẩu phần ăn hàng ngày. Bên cạnh đó không được quên các thực phẩm có chứa vitamin D - một yếu tố quan trọng khác cùng với can xi cấu tạo nên hệ xương. Vitamin D có trong dầu gan cá, trong các loại cá béo, lòng đỏ trứng…
Tích cực tập luyện và vận động ngoài trời cũng là phương pháp quan trọng để rèn cơ bắp dẻo dai, hệ xương chắc khỏe, bởi khi vận động ngoài trời, cơ thể sẽ dễ dàng hấp thụ được nguồn vitamin D tự nhiên từ ánh nắng mặt trời.
Cần nhớ rằng khối lượng xương chỉ gia tăng đến tuổi trưởng thành. Sau tuổi 30, khối lượng xương mất dần theo thời gian, nếu cơ thể bạn có khối lượng xương dự trữ lớn, cơ thể khoẻ mạnh, thì sẽ giảm thiểu được khả năng gãy xương. Còn nếu ăn uống thiếu chất, ít uống sữa, dẫn đến bị suy dinh dưỡng, còi xương, thì rất dễ bị loãng xương sớm.
BS Lập lưu ý những đấng mày râu đến tuổi trưởng thành nhưng có “bộ khung thấp bé” cũng là đối tượng dễ bị loãng xương hơn, nên cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao, tăng rèn luyện cơ bắp, tránh xa rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
Chữa trị
Những đấng mày râu đến tuổi trưởng thành có “bộ khung” thấp bé cũng là đối tượng dễ bị loãng xương. |
Để phát hiện sớm loãng xương, những người đã bị gãy xương sau chấn thương nhẹ, nam giới tuổi trung niên, những người dùng thuốc nội tiết lâu ngày… nên đến bệnh viện để đo tỉ trọng xương bằng phương pháp laze, hoặc máy đo tỉ trọng xương bằng tia X. Tuy nhiên, BS Lập cho biết, máy đo tỉ trọng xương bằng tia X là phương pháp phát hiện loãng xương chính xác và tiên tiến nhất. Khi phát hiện bị loãng xương, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp (dùng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh). Người bị loãng xương sẽ cần tăng thời gian rèn luyện thể thao với những môn tốt cho xương như chạy bộ, nhảy dây, thể hình... ở cường độ vừa phải.
Về chế độ dinh dưỡng, người bị loãng xương cần hạn chế ăn mặn, ăn đồ ngọt, vì chúng làm giảm sự hấp thụ can xi. Ăn chất đạm vừa phải, chú trọng các loại cung cấp nhiều can xi như tôm, cua, phô mai, nhưng nếu ăn nhiều chất đạm quá sẽ làm tăng bài tiết can xi theo nước tiểu. Ngược lại, nên ăn nhiều rau và trái cây, các thức ăn có chứa estrogen thực vật như giá đỗ. Các loại rau màu xanh đậm, cà chua, tỏi, dưa chuột… cũng làm giảm sự mất xương và làm tăng chất khoáng trong xương.
Đồ uống tốt nhất cho người bị loãng xương là nước cam tươi, nước dâu tây, sữa tươi tách béo, trà xanh. Đồ uống cần tránh là rượu bia, cà phê (riêng đồ uống chứa cafein còn có thể làm thất thoát can xi của cơ thể ra bên ngoài nếu bạn uống nhiều). Bác sĩ cũng lưu ý, những người có hàm lượng cholesterol trong máu cao chỉ nên uống loại sữa đã được loại bỏ chất béo (sữa gầy).
* Loãng xương có thể gây những biến chứng rất nguy hiểm: đau kéo dài do chèn ép thần kinh,nguy cơ gãy xương cao, gãy lún đốt cột sống, gãy cổ xương đùi… * Từ 35 tuổi trở đi, khối lượng xương ngày càng giảm đi vì xương bị huỷ nhiều hơn xương được tạo ra, làm khối lượng xương bị giảm, đưa đến bệnh loãng xương. * Biểu hiện của loãng xương: đau mỏi mơ hồ ở cột sống, hệ thống xương khớp, mỏi cơ bắp, vọp bẻ. Đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế… * Mọi người khi quá 50 tuôi đều phải đươc ước định về rủi ro bị bệnh loãng xương và sau 65 tuổi phải đi đo tỉ trọng xương * Khi bị loãng xương, tuổi 65 - 70 đàn ông dễ bị gãy xương cổ tay, ở phụ nữ là tuổi 60; Dễ bị gãy xương vai ở tuổi 70 -75, còn ở phụ nữ là tuổi 65; Dễ bị gãy xương hông ở tuổi 75 -80 và với phụ nữ là ở tuổi 70. Và đàn ông dễ bị tử vong vì biến chứng do gãy xương hơn so với phụ nữ. |
(Theo Báo Doanh nhân)