Vitamin C có làm “mát” cơ thể?
Mùa hè, thời tiết nóng nực và oi ả khiến cho nhiều người bị “nóng” trong người, biểu hiện như khô miệng, khát nước, đau đầu và rõ nhất là các biểu hiện ngoài da như rôm sảy, mụn nhọt, chốc ngứa... Nhiều người đã tìm đến vitamin C như một dược phẩm “kỳ diệu” làm “mát” cơ thể trong mùa nóng.
Có hơn 13 loại vi chất cần thiết cho cơ thể con người để tồn tại và phát triển, trong đó có vitamin C. Tuy nhiên, trong cuộc sống, cả trẻ em và người trưởng thành nếu thiếu hay dư thừa vi chất đều có thể bị bệnh. Với vitamin C, cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Tác dụng của vitamin C
Vitamin C là loại vi chất rất cần thiết cho cơ thể, chúng tham gia nhiều chức năng quan trọng trong hoạt động của con người. Các loại chức năng đó được thể hiện qua các quá trình sản sinh năng lượng, tạo miễn dịch, trung hòa hoặc đào thải các chất độc (hoặc song song cả hai), tổng hợp các chất vận chuyển trung gian hệ thần kinh, hấp thu canxi, sắt. Vitamin C cũng đóng vai trò quan trọng bảo vệ thành mạch máu (động mạch và tĩnh mạch). Trong khi đó cơ thể của con người lại không thể tự sản xuất vitamin C như hầu hết các loài động vật khác. Vì vậy, khi thiếu vitamin C sẽ xuất hiện một số bệnh như chảy máu cam, vết thương chậm lành, đặc biệt khi thiếu vitamin C dễ mắc bệnh scorbut (chảy máu nướu răng, có vết bầm tím dưới da thành nốt hay thành mảng, nhất là khi có va chạm nhẹ, nặng). Nếu một trường hợp bị bệnh sốt phát ban (sốt xuất huyết) mà bản thân cơ thể người đó đang bị thiếu vitamin C thì triệu chứng xuất huyết càng nặng hơn, đa dạng hơn. Ngoài ra, cùng với các loại vitamin khác (nhóm B, E...), vitamin C đóng vai trò xúc tác các hệ thống men của cơ thể (hệ thống enzym) thúc đẩy quá trình chuyển hóa các dưỡng chất khác, đặc biệt vai trò chống ôxy hóa, góp phần chống lão hóa, giúp làn da tươi tắn mịn màng hơn. Có vai trò đó là do vitamin C có chức năng giúp sản xuất chất collagen, một protein chính của cơ thể, chiếm tới 45% thành phần cấu tạo da. Vitamin C còn có khả năng tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hormon của cơ thể, giúp hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác (sắt, canxi...).
Lạm dụng vitamin C có gây hại?
Nhu cầu vitamin C mỗi ngày từ trẻ sơ sinh đến 3 tuổi, cơ thể của chúng cần từ 25 - 30mg, từ 4 - 18 tuổi, nhu cầu cần từ 30 - 40mg, người lớn trung bình 45mg mỗi ngày. Đối với phụ nữ mang thai, nhu cầu vitamin C mỗi ngày là 50mg, khi nuôi con bú là 70mg. Để đảm bảo số lượng vitamin C cho cơ thể hoạt động, hàng ngày cần thiết phải cung cấp đủ lượng vitamin C trong khẩu phần ăn. Nếu khẩu phần ăn vì lý do nào đó không cấp đủ lượng vitamin C thì cần tìm cách bổ sung nhưng không được dùng dư thừa. Nếu thừa vitamin C sẽ làm hấp thu thừa sắt gây hại cho cơ thể, đồng thời làm giảm sự hấp thu đồng, niken, làm cho xương chậm phát triển, dễ biến dạng và hay bị viêm kết mạc. Với phụ nữ đang mang thai, nếu thiếu hụt vitamin C sẽ có khả năng gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Sản phẩm chuyển hóa trung gian của vitamin C là acid oxalic, vì vậy, khi dùng liên tục và liều cao có thể gây sỏi tiết niệu (sỏi oxalat calci). Nếu dùng liều cao vitamin C sẽ gây kích thích nhẹ, làm rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, chập chờn, giấc ngủ không sâu, hay tỉnh giấc). Ngoài ra, vitamin C có thể gây dị ứng, nhất là loại thuốc tiêm. Thống kê cho thấy, nếu dùng liều cao (1.000mg cho mỗi cá thể, mỗi ngày) và kéo dài nhiều ngày có thể gây rối loạn tiêu hóa (nóng rát, chảy máu dạ dày hoặc tiêu chảy), gây hiện tượng thừa sắt, giảm độ bền của hồng cầu, giảm khả năng diệt khuẩn của bạch cầu. Và nếu người thiếu men G6PD mà dùng vitamin C liều cao, kéo dài có thể bị tán huyết. Ngoài ra, nếu dùng vitamin C thường xuyên, liều cao làm cho cơ thể dễ quen, khi không dùng sẽ cảm thấy mỏi mệt. Nếu dùng quá liều vitamin C sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể lên đến 20% và ở người lớn tuổi thì tỷ lệ này còn tăng cao hơn nếu lạm dụng hai loại vitamin C và vitamin E. Ở liều lượng 60mg/ngày, vitamin C có tác dụng phòng bệnh ung thư và chống ôxy hóa, nhưng khi dùng tới 500mg/ngày, vitamin C sẽ gây tổn hại về gen và dẫn tới các căn bệnh ung thư, thấp khớp và xơ vữa động mạch..
Nên dùng vitamin C thế nào?
Việc dùng vitamin C cần tuân theo tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ. Không nên coi vitamin C như một loại thuốc bổ, dùng không giới hạn (đặc biệt là trẻ em, thai phụ). Cũng như không nên coi vitamin C như một thứ thuốc làm “mát” trong mùa nắng nóng. Mà mỗi gia đình cần cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày, chú ý đến bữa ăn của bà mẹ đang mang thai, nuôi con bú và trẻ em. Với người bệnh tăng huyết áp không được dùng vitamin C dạng sủi vì loại này có natri clorid sẽ làm tăng vọt huyết áp sau khi uống. Các trường hợp đang bị sỏi tiết niệu hoặc tiền sử mắc bệnh sỏi tiết niệu cũng không nên dùng hoặc nếu phải dùng thì nên dè dặt và phải có ý kiến của bác sĩ. Vitamin C có thể gây dị ứng nên cần hạn chế đến mức tối đa khi dùng dạng tiêm.