• Điện thoại(+84.4) 22 42 01 68 - 36 28 58 33
  • Emailcontact@davincipharma.com

Loạn thuốc giảm béo phì

    Vài năm gần đây, số người mắc bệnh béo phì ngày càng tăng. Chính điều này là cơ hội béo bở cho thị trường thuốc, thực phẩm chức năng, giúp người béo phì giảm cân. Đáng tiếc rằng, số người dùng thuốc giảm cân rất nhiều nhưng hiểu biết về nó lại quá ít…

    Vài năm gần đây, số người mắc bệnh béo phì ngày càng tăng. Chính điều này là cơ hội béo bở cho thị trường thuốc, thực phẩm chức năng, giúp người béo phì giảm cân. Đáng tiếc rằng, số người dùng thuốc giảm cân rất nhiều nhưng hiểu biết về nó lại quá ít…

    Lắm nguồn, lắm kiểu

    Chúng tôi đang ngồi tại một cửa hàng dược liệu ở đường Triệu Quang Phục, Q.5, TP. HCM, một chị dừng xe máy lại hỏi chủ cửa hiệu: “Có phan tả diệp không, bán cho vài lượng?”. Qua câu chuyện trao đổi giữa chủ cửa hàng và khách hàng cho thấy, khách hàng lâu nay uống trà lá sen để giảm cân nhưng vì khó uống quá nên chuyển sang dùng phan tả diệp, một loại thảo dược có tính xổ. Chị này cho biết, vài người bạn mách phan tả diệp uống rất hiệu quả, xuống mấy ký chỉ sau một tháng, lại rẻ tiền và dễ mua nên dùng thử xem sao. Chị bán hàng đưa thuốc cho khách xong, lắc đầu nói với chúng tôi: “Không ăn thua đâu”.


     Ảnh minh họa.

    Ngoài phan tả diệp, lá sen, hiện nhiều người cũng đang đồn là loại rau muống biển cũng có tác dụng giảm cân nhanh chóng, có kết quả chỉ sau vài tuần… Trong vai một người béo cần thuốc, chúng tôi hỏi một chị tự treo quảng cáo bán thuốc ở đường Lâm Văn Bền, Q.7, TP. HCM, chị bảo: “Thuốc của tôi là thuốc Nam gia truyền, bảo đảm sụt cân nhanh chóng”. Chị này nói: “uống thuốc vào hết muốn ăn, chỉ thấy khát và sụt cân”. Một thầy thuốc Đông y nói, loại thuốc đó có lẽ là loại cây cỏ giàu chất xơ, còn mặn thì có lẽ… trộn thêm muối. Chúng tôi hỏi giá cả thì được biết mỗi ngày uống khoảng 3 viên với giá 100 ngàn đồng, uống vài tháng khoảng 6 triệu đồng có thể sụt 5 -10kg.

    Trên thị trường còn có nhiều loại trà “thực phẩm chức năng” làm từ thảo dược để giảm béo. Chủ yếu chúng có tính xổ mạnh - nhẹ, tùy từng loại. Ngoài ra còn có vô số loại thuốc có tính gây ức chế thèm ăn được nhập khẩu và đều được quảng cáo là “tốt nhất, duy nhất”… Thông thường các loại thuốc này được lưu truyền theo lối rỉ tai nhau. Những người mập, cũng có người tự cho mình là mập, thường trao đổi với nhau là chị này chị nọ có thuốc giảm cân hay lắm. Thế là họ hỏi tên thuốc, mua ở đâu để có nó, và không quan tâm lắm về giá cả cũng như chất lượng thuốc, miễn giảm cân là được.

    Nhiều mạng bán hàng đa cấp cũng tham gia thị trường béo bở này. Chị X. kể rằng, chị bị dụ dỗ bỏ ra nhiều triệu đồng để được tham gia bán hàng đa cấp (người tham gia phải mua hàng trước rồi mới được đi bán hàng). Người đứng ra thuyết trình nói rằng anh ta trước đây nặng 80kg, uống thuốc vài tháng nay chỉ còn 70kg.

    Nhiều người quen biết anh ta cũng thấy vậy: trước mập ù, sau ốm đi nhiều. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ hơn mới biết anh này gầy đi vì bị... đái tháo đường!

    Phung phí tiền bạc và sức khỏe

    Lương y Trần Khiết (nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, trong Đông y, phan tả diệp là một loại thuốc có tính xổ. Nó chỉ được dùng trong một số trường hợp do thầy thuốc chỉ định chứ không phải ai cũng dùng được. Nếu người mập dùng thuốc có tính xổ như: phan tả diệp, rau muống biển… hay các loại trà giảm béo nhập khẩu sẽ gầy do cơ thể mất nước. Nhưng sau đó, do cơ thể đòi hỏi nên họ lại phải uống nhiều nước và sẽ mập trở lại, thậm chí mập hơn. Đó là chưa kể khi uống thuốc xổ, kèm theo nhịn ăn, người sẽ bị mất dưỡng chất, dẫn đến suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến tim mạch… Nếu những người đã mang bệnh sẵn lại càng nguy hiểm đến tính mạng. Trên thực tế, các bệnh viện đã phải tiếp nhận nhiều ca cấp cứu vì uống thuốc giảm cân.

    Mới đây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo về nguy cơ đối với sức khỏe khi dùng hai loại thuốc chống béo phì Xenical và Alli. FDA nhận thấy có 32 người bị tổn thương gan khi dùng hai loại thuốc này. Đặc biệt, có 13 trường hợp bị tổn thương gan nghiêm trọng. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đã rút giấy phép lưu hành thuốc giảm béo có chứa Fenfluramine (hoạt chất gây biếng ăn) vì tác dụng phụ nguy hiểm lên tim mạch khiến một số người tử vong. Cũng đã có nhiều trường hợp dùng thuốc giảm mập bị bệnh biếng ăn mãn tính, cơ thể suy kiệt từ từ, có nguy cơ tử vong và vô cùng khó để điều trị chứng này.

    Nhiều người cảm thấy thuốc giảm cân cũng chưa đủ nhanh nên chọn phương pháp đi mổ lấy bớt lượng mỡ thừa. Một chuyên gia y tế nhận xét, phương pháp này làm cho người mập giảm trọng lượng, người thon gọn hơn, nhưng nó có nguy cơ biến chứng trong phẫu thuật và người được phẫu thuật vẫn không được loại trừ các nguy cơ do béo phì mang lại, vì có thể gan của họ vẫn có thể bị nhiễm mỡ như cũ hay thành mạch máu vẫn bị xơ vữa… Do đó, người béo phì cần thận trọng khi dùng phương pháp này.

    Các bác sĩ thường cho lời khuyên rằng, điều quan trọng là phòng béo phì khi cơ thể còn bình thường qua việc ăn uống tiết chế, tham gia hoạt động thể lực. Nếu đã béo phì thì cũng đừng hoảng hốt, “dục tốc bất đạt”. Người béo phì cần tăng cường hoạt động thể lực nhưng vừa sức. Đặc biệt, họ cần ăn uống đủ dinh dưỡng cần thiết, tiết giảm từ từ chứ không gấp gáp, thay đổi chế độ ăn, giờ ăn cho hợp lý.

    Lương y Trần Khiết còn khuyên rằng, người mập nếu có bệnh thì phải điều trị lành hoặc bớt bệnh mới hy vọng giảm mập được. Bởi, theo Đông y, khi cơ thể khỏe mạnh tất yếu sẽ tiết chế được ăn uống, tích cực tham gia hoạt động, đặc biệt là quá trình trao đổi chất diễn ra suôn sẻ, tiêu hóa tốt thì không bao giờ sợ mập.

    (Theo suckhoedoisong)